Tuesday, April 18, 2017

LỊCH SỬ GIÁO XỨ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM TGP SEATTLE



Trong phần này, xin đọc:
1.       Lịch sử Giáo xứ các Thánh Tử đạo Việt Nam Seattle
2.       Tiểu sử Linh mục Chính xứ Gioakim Đào Xuân Thành

Giáo xứ các Thánh Tử đạo Việt Nam
Tổng Giáo phận Seattle – giai đoạn thứ nhất

1.      Thành lập Giáo xứ Thể nhân:

Lịch sử Giáo xứ các Thánh Tử đạo Việt Nam Tổng Giáo phận Seattle gắn liền với quá trình phục vụ các giáo xứ trong địa phận của Linh mục Gioakim Đào Xuân Thành. 

Thật vậy, khi Đức Tổng Giám mục Alexander Brunett ký sắc lệnh nâng Cộng đồng Công giáo Việt Nam Tổng Giáo phận Seattle (gọi tắt là Cộng Đồng) lên hàng giáo xứ (giáo xứ thể nhân) ngày 19 tháng 11 năm 2010 thì cũng là ngày Ngài bổ nhiệm Cha Đào Xuân Thành, lúc ấy đang làm Quản xứ (Priest Administrator) của Giáo xứ St. Phelomena, Des Moines, về làm chính xứ tiên khởi cho Giáo xứ các Thánh Tử đạo Việt Nam của Địa phận. 

Đây là một tin vui, thật vui, cho tập thể giáo dân Công giáo Việt Nam cư ngụ trong Giáo phận, vì niềm mơ ước từ lâu có được một giáo xứ riêng của họ đã trở thành hiện thực. 

Đối với nhiều cộng đoàn dân Chúa di cư trong nước Mỹ nói riêng, và trên thế giới nói chung, việc được giáo phận địa phương thiết lập giáo xứ thể nhân để các tập thể di dân ấy phát triển và sống đời sống đức tin theo bản sắc văn hoá riêng là một hạnh phúc vô cùng to lớn Chúa ban. Tập thể di dân Công giáo Việt Nam tị nạn cộng sản, từ những người phải lìa bỏ quê hương vào cuối tháng Tư năm 1975 đến những người liều chết vượt biên trên các con thuyền mỏng manh của các thập niên 80-90, từ những người thoát ra nước ngoài qua diện HO đến những người di cư qua các chương trình đoàn tụ, ai nấy đều vui mừng khi thấy nếp sống văn hoá tốt đẹp của tổ tiên còn được gìn giữ, và lòng trung kiên cũng như truyền thống giữ đạo sốt sắng của các bậc cha ông vẫn được tiếp tục phát huy nơi quê người, không những trong thế hệ của mình bây giờ mà còn trong các thế hệ con cháu sau này.

Nhìn rõ niềm hạnh phúc và thấu hiểu các thao thức ấy nơi tập thể giáo dân, các giới chức lãnh đạo Cộng đồng Công giáo Việt Nam tại miền tây Tiểu bang Washington trước đây cũng như Giáo xứ hiện nay - từ các linh mục tuyên úy, quản nhiệm, chính xứ, đến các chức sắc thuộc thành phần giáo dân - đều đã nỗ lực phát huy mọi sáng kiến, vận dụng mọi nguồn nhân và vật lực để xây dựng và phát triển, tạo cơ hội để mọi giáo dân - từ già đến trẻ - đều được tham gia tích cực vào đời sống chung của cộng đoàn giáo xứ.

Cơ hội phát triển của cộng đoàn giáo xứ đã như được chắp cánh khi Cộng Đồng được nâng lên hàng giáo xứ và Cha Đào Xuân Thành được bổ nhiệm về làm chính xứ tiên khởi. Trong thời gian mới về, Cha tân Chính xứ đã được các giới chức lãnh đạo trong Uỷ ban Thường vụ Cộng Đồng đương thời (1), từ Ông Chủ tịch kỳ cựu Phạm Ngọc Tuyền, đến các thành phần trẻ trung như các anh Nguyễn Kiên, Nguyễn Lân, Vũ Hoàng Trực, và nhiều vị khác, giúp đỡ tận tình để Ngài sớm nắm vững được các lề lối sinh hoạt rất đặc biệt của tập thể giáo dân Việt Nam cũng như thực trạng của các cơ sở vật chất mà Giáo xứ hiện có.

2.      Cái nhìn mới về tương lai Giáo xứ:
Ngày 14 tháng Tám năm 2011 là ngày mà các tân Hội đồng Mục vụ (2) và Hội đồng Tài chánh (3) được thành hình sau khi Uỷ ban Thường vụ của Cộng Đồng nói trên kết thúc nhiệm kỳ. Hai tân Hội đồng quy tụ nhiều anh chị trẻ đầy nhiệt huyết. Họ đã cùng với Cha Chính xứ lo toan mọi việc, từ suy tư về tương lai Giáo xứ đến bàn bạc kế hoạch phát triển cơ sở. Cả Cha Chính xứ lẫn các giới chức lãnh đạo thuộc thành phần giáo dân đều quan niệm rằng giới trẻ là tiềm năng phát triển và sống còn của Giáo xứ, nên mọi nỗ lực phải dồn vào việc giáo dục, đào tạo và phục vụ giới trẻ ngay từ bây giờ. Làm sao để các em nhìn thấy Giáo xứ quan trọng đối với đời sống đức tin cũng như sinh hoạt văn hoá truyền thống dân tộc của họ, đồng thời Giáo xứ cũng cần họ dấn thân phục vụ và đóng góp vào công cuộc xây dựng và phát triển để Giáo xứ bền vững lâu dài. Muốn phục vụ giới trẻ - vốn càng lúc càng đông trong gia đình Giáo xứ - mọi người phải nghĩ đến một cơ sở rộng rãi hơn, nơi có đủ phòng ốc để các em sinh hoạt trong không khí ấm cúng và thân tình, vì như các em tâm sự: khi qua sinh hoạt tạm tại Giáo xứ Immaculate Conception trên đường 18, các em có cảm giác lạc lõng, xa lạ, mặc dù đó là nơi mà Cộng Đồng của mình đã từng gắn bó trong những ngày đầu tiên mới tới Mỹ, vì ở đó cộng đoàn giáo xứ bản địa vẫn sở hữu, và mình chỉ là người “ăn nhờ ở đậu”! Cha và các giới chức lãnh đạo cũng nghĩ đến các thành phần giáo dân khác, đặc biệt là các vị cao niên, mỗi khi xong lễ, ai nấy lủi thủi đi về vì không có chỗ để cùng nhau ngồi lại hàn huyên tâm sự. Với tình trạng hạn hẹp về đất đai của Giáo xứ lúc ấy, việc xây cất một thánh đường mới đủ rộng và một trung tâm sinh hoạt đủ phòng ốc hầu như bất khả thực hiện, chưa kể đến vấn nạn đậu xe.

Cuối cùng, sau nhiều đắn đo nhưng với tinh thần ‘bứt phá’, Cha Chính xứ và hai Hội đồng quyết định phải nghĩ đến việc tìm địa điểm mới để xây dựng và phát triển Giáo xứ. Sự việc được trình lên Đức Tổng Giám mục Brunett ngày 21 tháng Tám năm 2011. Sau khi được Ngài chấp thuận, cha Chính xứ và “Ban đặc nhiệm” gồm các anh Nguyễn Kiên, Đỗ Văn Tuyến, Nguyễn Ngọc Lân, Trần Đình Thọ trong Hội đồng Mục vụ và anh Vũ Hoàng Trực trong Hội đồng Tài chánh đã cùng nhau bắt tay ngay vào việc. Công tác tìm địa điểm mới không phải là chuyện đơn giản; nó liên quan đến nhiều vấn đề: 

a.      Đường xá: Làm sao không xa nhà thờ cũ để mọi người, nhất là các vị cao niên cư ngụ quanh nhà thờ cũ, không phải đi xa quá;
b.      Vị trí: Làm sao thích hợp cho một nơi thờ phượng, xa hẳn chỗ xô bồ thiếu an ninh, và không bị gò bó bởi các điều kiện của khu dân cư đông đúc;
c.       Diện tích: Làm sao rộng rãi để phục vụ đầy đủ các nhu cầu thờ phượng và sinh hoạt của giáo dân, từ người già đến trẻ em, lúc hiện tại cũng như trong tương lai;
d.      Giá cả: Làm sao vừa túi tiền để giáo dân không phải đóng góp quá nhiều;
e.      Tiện dụng cấp thời: Làm sao có nơi cho giáo dân thờ phượng và sinh hoạt ngay mà không phải đi “tá túc” tại nơi khác trong khi chờ đợi việc xây cất nhà thờ mới.


3.      Tậu mãi cơ sở mới:
Như một ơn sủng đặc biệt, nhờ Chúa Thánh Thần soi sáng và tác động, Cha Chính xứ và các anh trong Ban Đặc nhiệm nói trên đã tìm được địa điểm hiện nay, toạ lạc tại 6481 S. 180th St., Tukwila, WA 98118, sau cả hàng chục lần xuất quân đến những địa điểm gần xa, thương thảo với các đối tác, suy đi tính lại, hỏi ý kiến rộng rãi tập thể giáo dân qua hai buổi họp lớn cũng như trong các thánh lễ cuối tuần. Địa điểm hiện nay đã đáp ứng được cả 5 điều kiện trên. 

Kết quả được trình lên văn phòng Tổng Giáo phận ngày 13 tháng 12 năm 2012, và vào dịp Giáng Sinh cùng năm thì Đức Tổng Giám mục chấp thuận cho tiến hành các thủ tục tậu mãi. Cơ sở mới được mua với giá năm triệu chín trăm ngàn đôla ($5.900.000), và Giáo xứ chính thức làm chủ vào ngày 6 tháng 2 năm 2013.

Sau nhiều công sức vận động và tiến hành các thủ tục hành chánh cần thiết, vào tháng Mười năm 2013, chính quyền Thành phố Tukwila đã cấp giấy phép để Giáo xứ chính thức chỉnh trang, biến toà nhà bỏ trống hoang vu thành một trung tâm thờ phượng và sinh hoạt khang trang rộng rãi. Với sự góp tay của hàng trăm thiện nguyện viên, Giáo xứ đã xây cất xong một nhà thờ tạm có sức chứa 850 người, và di chuyển tất cả các thánh tượng, bàn thờ, và đồ đạc về cơ sở mới trong thời gian ngắn nhất. Sau này, nhờ hệ thống truyền hình được gắn trong hội trường bên ngoài nhà thờ, trong các thánh lễ lớn, Giáo xứ vẫn có thể phục vụ hàng trăm giáo dân khác ngoài con số 850. Cũng phải cám ơn lòng rộng rãi của rất nhiều mạnh thường quân qua việc họ tặng Giáo xứ hàng ngàn chiếc ghế mới tinh, vừa đẹp vừa êm, cũng như nhiều phương tiện khác.

Nhà thờ đã được thánh hiến bởi Đức Tổng Giám mục Peter Sartain ngày 30 tháng Giêng năm 2014 với sự tham dự của rất nhiều quan khách, từ Giáo quyền đến Chính quyền, và các linh mục tu sĩ, cũng như hàng ngàn giáo dân Việt Nam khắp nơi nô nức đổ về.

Sau đó, các thiện nguyện viên tiếp tục sửa chữa và ngăn phòng để có chỗ đủ cho mọi đoàn thể, đặc biệt là các em thiếu nhi, sinh hoạt và hội họp. Giáo xứ cũng thiết kế một nhà bếp cấp thương mại có sức phục vụ hàng trăm thực khách vào cuối tuần nhằm cung ứng nhu cầu ẩm thực của giáo dân cũng như gây quỹ cho Giáo xứ.

Không ai có thể ngờ được là từ một nhà kho bỏ phế, các thiện nguyện viên đã biến nó thành một nơi thờ phượng khang trang và đúng nghĩa. Cũng không ai có thể ngờ được là từ một cơ sở ít giá trị, chỉ có các phòng trống thô sơ, mà qua các bàn tay thiện nguyện của mọi thành phần giáo dân, tám trăm em đã có đầy đủ phòng ốc để sinh hoạt. Cũng không ai có thể ngờ được là sau các thánh lễ, mọi người đã có chỗ ngồi lại để ăn uống và hàn huyên tâm sự, tăng thêm tình thân ái. 

Và một điều ít ai để ý: hàng chục thiện nguyện viên khác ngày đêm đến trung tâm lau chùi, dọn dẹp bên trong, và chăm sóc cây cảnh bên ngoài. Nhờ thế mà trung tâm và thánh đường của Giáo xứ lúc nào cũng sạch sẽ, gọn gàng và đẹp mắt. 

Tất cả các thiện nguyện viên ấy đã đến làm - hy sinh từ thời giờ đến công sức - mà không hề đòi hỏi phải được biết đến tên, phải được tuyên dương trước công chúng. Họ đã sống Phúc Âm và xứng đáng là những người con của Chúa và của Giáo hội.

Nhờ cơ sở rộng rãi, các lễ hội, các sinh hoạt bốn mùa, các hoạt động gây quỹ đều đã được tổ chức rôm rả và thoải mái.

Một điều thật vui nữa cho Giáo xứ là vào tháng Giêng năm 2014, một ngôi nhà khang trang với 5 phòng ngủ, rộng hơn 3300 sf, tọa lạc tại số 4045 S. 170th St., thành phố SeaTac, WA 98188, đã được Giáo xứ tậu mãi làm nhà xứ (rectory). Ngôi nhà này khá rộng, không những đủ chỗ cho quý linh mục lãnh đạo cư trú, mà còn là nơi để các cha khách có chỗ nghỉ ngơi mỗi khi các ngài về giảng phòng cho giáo dân. Nó cũng có phòng sinh hoạt và phòng ăn thoải mái. Phía sau đất rất rộng với nhiều cây xanh tạo nên khoảng không gian thoáng mát. Nhà xứ cách trung tâm sinh hoạt của Giáo xứ hơn 2 dặm, chỉ mất 5 phút lái xe; thật là thuận tiện!
4.      Dự kiến xây dựng và phát triển:
Để đáp ứng nhu cầu phục vụ cho 1650 gia đình đã ghi danh gia nhập Giáo xứ, cũng như cung cấp đủ chỗ cho các đoàn thể - và nhất là các em - sinh hoạt cuối tuần, cơ sở phải được xây dựng lại. Kế hoạch xây dựng đòi hỏi nhiều suy tư, nhiều tính toán: làm sao phải có ít nhất 60 lớp học cho các em là bước khởi đầu; làm sao phải có đủ các phòng họp, phòng sinh hoạt cho các đoàn thể và giáo dân là bước kế tiếp; làm sao phải có phòng hành chánh để các nhân viên làm việc thoải mái và để hồ sơ được lưu trữ an toàn; và sau cùng là làm sao phải xây được một ngôi thánh đường khang trang, có nét văn hoá truyền thống Việt, và đủ sức chứa 1200 giáo dân trong mỗi thánh lễ cuối tuần.

Với số tiền phát mại cơ sở cũ được gần bảy triệu đô la, trừ đi chi phí mua cơ sở mới này khoảng năm triệu chín trăm ngàn đô la ($5.900.000), cộng với số tiền đã quyên góp được từ giáo dân và các nhà hảo tâm, quỹ Giáo xứ hiện có khoảng sáu triệu đô la ($6.000.000) được lưu giữ trong Quỹ Liên xứ, việc tái thiết cơ sở tạm hiện nay để biến nó thành một trung tâm sinh hoạt đa diện cùng với một thánh đường trang nghiêm hẳn đã có một số điều kiện thuận lợi căn bản. 

Thế nhưng, khó khăn vẫn còn nhiều trước mặt, nhất là về phương diện tài chính. Giáo xứ cần lời cầu nguyện liên lỉđóng góp rộng rãi của mọi người, từ giáo dân trong Giáo xứ đến các nhà hảo tâm có lòng kính Chúa và mến các Thánh Tử Đạo Việt Nam trên khắp thế giới.

biên soạn: BS Lê Văn Thu
với sự hợp tác của quý vị
Chủ tịch Hội đồng Mục vụ Nguyễn Văn Kiên
và Chủ tịch Hội đồng Tài chính Vũ Hoàng Trực.

***

Cha Gioakim Đào Xuân Thành
Linh mục Chính xứ tiên khởi và đương nhiệm

Tiểu sử:
Cha Gioakim Đào Xuân Thành sinh ngày 10 tháng Tư năm 1966 tại Hà Thanh, Thừa Thiên-Huế. Năm 1968, theo cha mẹ tản cư ra Huế sau vụ Tết Mậu Thân. Tại Huế, cậu lần lượt theo học tại trường Tiểu học Việt Hương, Trung học Quốc Học và Đại học Sư Phạm. Ngay từ thuở thiếu thời, cậu đã có ý định đi tu. Sau này, khi tiếp xúc trò chuyện với một thày bị chế độ cộng sản bắt phải hoàn tục ở nhà bên cạnh, ước nguyện ấy lại càng được thôi thúc, dù cậu đã là một thanh niên. Cậu mang ý định ấy trình với Cha Nguyễn Hữu Giải và Cha Thắng Lợi, và được Cha Giải, Bề trên coi sóc chủng sinh ngoại trú, chấp thuận cho gia nhập nhóm “tu chui” của Cha. Các thày không được nhập tu viện, vì thời ấy, chế độ mới không chấp nhận cho các dòng thâu nhận chủng sinh. Việc tu học rất khó khăn vì nhóm tu chui ấy không thể biết trước được địa điểm tụ tập để tu học vì sự theo dõi của chính quyền địa phương. Vì thế, các thày của Đại chủng viện đã phải tới các địa điểm tu tập lưu động ấy để giảng dạy. Các chủng sinh cũng được các cha trực tiếp hướng dẫn qua các buổi tĩnh tâm. Với sự kiên trì, việc tu chui của thày Thành kéo dài được tới 4, 5 năm. Đến ngày 18 tháng 7 năm 1995 thì thày theo cha mẹ định cư tại Hoa Kỳ qua chương trình HO (HO 38). HO là một chương trình nhân đạo mà chính quyền Hoa Kỳ dùng để giúp tái định cư các cựu tù nhân cải tạo lâu năm của chế độ cộng sản Việt Nam.
Đến Seattle, Thày Thành liên lạc ngay với văn phòng phụ trách ơn gọi của Toà Tổng giám mục địa phận, đồng thời gia nhập Nhóm Hoan Thiện của Sơ Annê Lê Thị Lý. Qua các liên hệ này, Thày được nhận vào Chủng viện Mount Angel ở tiểu bang Oregon năm 1996. Sau khi lấy xong văn bằng cử nhân Bachelor of Art, Thày được gởi đến Đại chủng viện St. Patrick (St. Patrick's Seminary & University, Menlo Park, California) để tiếp tục tu học.
Việc tu học được suông sẻ như ý nguyện, và Thày thụ phong linh mục ngày 7 tháng Sáu năm 2003 dưới sự đặt tay của Đức Tổng Giám mục Alexander Brunett.
Sau khi thụ phong linh mục, Cha Thành được cử làm phó xứ các giáo xứ St. Anthony ở Renton (3 năm) và St. Vincent de Paul ở Federal Way (1 năm), rồi làm quản xứ (Priest Administrator) giáo xứ St. Philomena ở Des Moines (3 năm). Trong thời gian làm việc tại các giáo xứ này, Ngài cũng thường xuyên qua chăm sóc mục vụ cho giáo dân Việt Nam thuộc cộng đoàn Thánh Tâm ở Auburn. Đến ngày 5 tháng 11 năm 2010 thì Ngài được bài sai làm Chính xứ Giáo xứ các Thánh Tử đạo Việt Nam thuộc Tổng Giáo phận Seattle; Thầy chính thức nhận nhiệm sở ngày 19 tháng 11, là ngày Giáo xứ được chính thức thành lập. Đây là một giáo xứ thể nhân (còn gọi là tòng nhân) của người Việt Nam thuộc Giáo phận, vừa được Đức Tổng Giám mục Alexander Brunett thành lập, nên Cha Gioakim Đào Xuân Thành là vị chính xứ đầu tiên. Tưởng cũng nên nhắc là có một sự trùng hợp kỳ diệu: Cha Gioakim Lê Quang Hiền là vị Tuyên úy tiên khởi của Cộng đồng Công giáo Việt Nam Tổng Giáo phận Seattle, và Cha Gioakim Đào Xuân Thành là vị Chính xứ tiên khởi của Giáo xứ Việt Nam tại địa phận này. Cả hai vị đều mang tên Thánh Gioakim. Thánh Gioakim là chồng của Thánh Anna, và là thân phụ của Đức Mẹ.

Công tác mục vụ và tu đức:
Khi về đảm nhận chức vụ chính xứ, Cha Thành tiếp tục các công tác mục vụ của các linh mục lãnh đạo tiền nhiệm, như tổ chức tĩnh tâm, duy trì và thăng tiến các sinh hoạt của Thiếu nhi Thánh thể, kiện toàn các lớp giáo lý và Việt ngữ. Ngài đặc biệt chú trọng đến sinh hoạt của giới trẻ, vì giới trẻ là tương lai của Giáo xứ. Muốn cho các em có một căn bản vững chắc hơn về giáo lý để giữ và sống đạo sốt sắng, Cha Thành đã nghĩ đến việc tăng số năm học giáo lý cho các em trước khi nhận lãnh bí tích Thêm sức: thay vì chỉ dạy giáo lý vỡ lòng cho các em xưng tội rước lễ lần đầu, và giáo lý thêm sức cho các em tới tuổi lãnh nhận bí tích Thêm sức, Cha muốn các em phải được học giáo lý liên tục 12 năm. Chương trình này sẽ được tổ chức kiểu tiệm tiến: tăng số năm học lên từ từ, khởi đầu là 1 năm, rồi các em ấy sẽ tiếp tục học tiếp các năm 2, năm 3, v.v. Cha và Hội đồng Mục vụ sẽ tổ chức các buổi sinh hoạt chia sẻ đức tin, tạo cơ hội cho các em tham gia công tác phụng vụ hàng tuần, tổ chức thánh lễ cho giới trẻ hàng tháng, tổ chức các trại hè Tin Yêu. Phụ huynh cũng được khuyến khích tham gia vào công tác tổ chức và điều hành các chương trình này để có cơ hội gần gũi với con cái hơn, và khỏi phải ... lang thang không biết làm gì khi con em tham gia sinh hoạt ở nhà thờ. Cả ba chương trình giáo lý, Việt ngữ và sinh hoạt Thiếu nhi Thánh thể sẽ được tổ chức vào nội một ngày thứ Bảy, theo sau là thánh lễ cho các em, để tránh cho phụ huynh không phải đưa con em đến trung tâm nhiều lần trong tuần.
Cha Chính xứ cũng quan tâm đến việc dạy Việt ngữ, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc trong giới trẻ để duy trì nếp sống truyền thống Việt trong các em. Có giữ được nếp sống văn hóa truyền thống dân tộc trong các em, để các em nhận ra được nguồn gốc của mình, thì các em mới tha thiết đến việc nuôi dưỡng Giáo xứ - là giáo xứ của cha ông và cũng là của chính các em - về lâu về dài, từ thế hệ này qua thế hệ kia. Việc dạy Việt ngữ sẽ được lồng trong việc dạy giáo lý để đơn giản hoá công việc và tránh áp đặt quá nhiều chương trình lên các em.
Cha cũng lưu tâm đến các sinh hoạt tu đức trong thành phần giáo dân đã trưởng thành, có gia đình. Gia đình Nazarett sẽ gia tăng hoạt động trong công tác hướng dẫn các thành viên về cách thức giáo dục con cái, biết phục vụ lẫn nhau và phục vụ giáo xứ. Cha cũng mong muốn các đoàn thể Công giáo Tiến hành, khi làm việc phục vụ Giáo xứ và phục vụ tha nhân, biết hỗ trợ lẫn nhau. Các lớp giáo lý đức tin dành cho người lớn cần được tổ chức theo một lịch trình không chồng chéo lên nhau, để giảm thiểu việc thiếu phòng ốc và thiếu chỗ đậu xe.
Cha cũng lưu tâm đến thành phần giáo dân đứng tuổi, kể cả các người đã lớn tuổi mà còn độc thân, và dự tính làm một cái gì đó cho nhóm này. Đối với những người cao niên, đã đóng góp công sức và tâm huyết cho Cộng đồng và Giáo xứ trong quá khứ, Ngài cũng muốn Giáo xứ phải quan tâm đến các nhu cầu tâm linh của các cụ. Ngài cũng không quên nhắc đến các hội đoàn khác, trong đó có hội Giúp lễ, hội Phục vụ nhà Chúa, là những hội thường xuyên đóng góp công sức vào các công tác phụng vụ và phục vụ.
Về Thánh Thể, Cha sẽ tổ chức giờ chầu vào mỗi chiều thứ Năm hàng tuần, trước thánh lễ.

Vài chia sẻ của Cha Chính xứ về việc tìm kiếm cơ sở mới cho Giáo xứ:
Do nhu cầu sinh hoạt của các hội đoàn - đặc biệt là Thiếu nhi Thánh thể cũng như các lớp giáo lý và Việt ngữ - càng ngày càng tăng, mà việc sửa chữa hay thay đổi hiện trạng của trung tâm cũ hầu như không thể thực hiện. Các em khi qua sinh hoạt tạm tại nhà thờ Immaculate Conception trên đường 18 thường tâm sự là không thấy thoải mái; các em có cảm giác như lạc vào một xứ lạ, thiếu không khí ấm cúng của một gia đình. Chính những tâm tình và khát vọng của các em đã thôi thúc Cha Chính xứ và Hội đồng Mục vụ cũng như các giới chức khác phải xúc tiến ngay việc tìm một địa điểm mới thích hợp hơn, rộng rãi hơn, đầy đủ tiện nghi hơn, và đáp ứng được yêu cầu của Toà Tổng về phương diện an toàn (thường quá tải và nhiều nguy cơ hoả hoạn tại nhà thờ cũ).
Ban đặc nhiệm lo cho công tác này đã trải biết bao thời gian tìm tòi địa điểm, nghiên cứu các yếu tố liên quan, từ giá cả, diện tích, thuận lợi, an toàn, đến khả năng sử dụng trong tương lai của cơ sở mới. Cuối cùng, mọi người thở phào khi tìm được địa điểm hiện nay: giá rẻ gấp đôi mà diện tích sử dụng lại rộng gấp bội. Nó lại tọa lạc ở ngay giao điểm của các xa lộ chính I-5, I-405 và SR-167. Nó cũng có một phòng khá rộng, có thể sửa chữa và nâng cấp thành một thánh đường tạm để sử dụng ngay, trong khi chờ đợi thời cơ để xây được ngôi thánh đường chính thức theo đúng sở nguyện của mọi con dân Công giáo Việt Nam trong vùng. Việc dọn về địa điểm mới lúc đầu cũng gây cho một số giáo dân, nhất là các cụ, buồn phiền vì phải đi hơi xa. Nhưng sau giải thích của Cha Chính xứ, nhiều người không những đã hiểu, thông cảm, mà còn rất tích cực trong việc đóng góp tài chính và công sức cho việc tu sửa cơ sở mới.
Dự kiến:
Đây là một giáo xứ thể nhân, nên mọi giáo dân Việt cư ngụ trong Tổng Giáo phận đều có thể gia nhập. Cũng như trước kia, nhiều giáo dân đã ghi danh sinh hoạt ở giáo xứ địa phương đồng thời ghi danh sinh hoạt tại trung tâm của Cộng đồng Công giáo Việt Nam trên Seattle, thì nay họ cũng có thể làm việc tương tự. (Tôi muốn nêu rõ rằng, Giáo xứ các Thánh Tử đạo Việt Nam là một giáo xứ tòng nhân không có ranh giới địa lý và bất cứ ai muốn trở thành một thành viên cần phải ghi danh với giáo xứ - trích thư Đức Tổng giám mục Brunett).
Giáo xứ sẽ cố gắng duy trì và phát triển các sinh hoạt văn hoá và tôn giáo truyền thống để nuôi dưỡng tình tự dân tộc Việt trong mọi tầng lớp giáo dân. Có duy trì và phát huy được nếp sống văn hóa và sinh hoạt tôn giáo truyền thống thì giáo xứ thể nhân mới có lý do tồn tại. Để thực hiện hoài bão này, trong tinh thần hợp tác và cũng là để thực hiện chỉ đạo của Đức Tổng Giám mục Brunett khi Ngài ban sắc lệnh thành lập giáo xứ (Tôi khuyến khích Giáo xứ CTTĐ Việt Nam tiếp tục đảm nhiệm tổ chức các nghi lễ phụng vụ và văn hóa khác nhau và mời gọi người Công giáo Việt Nam đến tham gia vào các sự kiện này – trích thư Đức Tổng giám mục Brunett), Cha sẽ tổ chức thường niên các buổi rước kiệu thánh tượng Đức Mẹ Lavang, sinh hoạt hội chợ hè, tổ chức đại lễ kính các Thánh Tử đạo Việt Nam, v.v., và mời gọi các cộng đoàn bạn từ khắp nơi về tham gia và đồng hành. Cha Chính xứ cũng mong ước được các cộng đồng Công giáo sắc tộc khác và các cộng đoàn Công giáo Việt Nam từ các tiểu bang lân cận hợp tác để cùng nhau tổ chức những cuộc hành hương qui mô.
Cha cũng dự định tổ chức lại hệ thống hành chính sao cho qui củ hơn. Ngài sẽ thành lập “văn khố” để việc lưu trữ hồ sơ và tài liệu được bảo quản lâu dài, thiết lập “phòng truyền thống” để sưu tầm và lưu giữ các tài liệu, di vật quý của Cộng đồng và Giáo xứ. Ngài cũng dự định cho xây đền đài trong khuôn viên của giáo xứ có nét văn hóa Việt Nam, để mỗi khi người Công giáo Việt Nam đến thăm viếng hay sinh hoạt đều cảm thấy mình đang về với chính ngôi nhà của mình.
Ước mơ và dự định thì nhiều, nhưng khó khăn cũng chồng chất. Cha Chính xứ Gioakim Đào Xuân Thành mong mỏi được mọi người cầu nguyện cho và cộng tác với trong sự yêu thương và đoàn kết. Cha nhắc nhở mọi người luôn cầu xin Chúa và Mẹ Lavang quan tâm chở che và hướng dẫn toàn thể chúng ta.
Phỏng vấn và biên soạn: Phạm Xuân Vinh và Lê Văn Thu


No comments:

Post a Comment