Trong phần này xin đọc:
1.
Lịch sử Cộng Đồng Công giáo Việt Nam Tổng
Giáo phận Seattle
2.
Tiểu sử Linh mục Tuyên uý Tiên khởi
Gioakim Lê Quang Hiền
3.
Tiểu sử Linh mục Quản nhiệm Antôn Phan
Hữu Hậu
4.
Tiểu sử Linh mục Quản nhiệm Anphong Trần
Đức Phương
5.
Tiểu sử Linh mục Quản nhiệm Antôn Vũ
Hùng Tôn
6.
Tiểu sử Linh mục Tổng Quản Phêrô Hoàng
Phượng
7.
Tiểu sử Linh mục Phụ tá Phanxicô Nguyễn
Sơn Miên
|
||
Cha Phương, ngoài thành
tích phát triển các cơ sở vật chất cho Cộng Ðồng như vừa đề cập ở trên, còn đặt
nền móng tổ chức vững chắc cho Cộng Ðồng qua việc soạn thảo và ban hành văn bản
“Chúng Ta Là Ngành”. Ðược biết, trong thời kỳ Cha Phương mới về, Cộng Ðồng với
đà phát triển quá nhanh, đã có những băn khoăn về phương hướng tổ chức, và va
chạm về quan điểm lãnh đạo, nhiều lúc đã đưa đến tình trạng phân hoá trong các
giới chức và chia rẽ trong các đoàn thể CGTH. Ðể giải quyết, Cha Phương và các
giới chức lãnh đạo, đặt biệt là Ông Nguyễn Văn Lành, Chủ tịch Hội đồng Ðại diện
nhiệm kỳ 1993-1996, đã đem sự việc trình lên Ðức Tổng Giám mục Murphy, để Ngài
xem xét. Ngài đã cử Cha Picton, Bề trên đặc trách giáo xứ và cộng đồng đức tin,
bà Veronica Barber, Giám đốc Vụ Á Châu và Thái Bình Dương, và bà Nancy Pinada, Giám
đốc Kế hoạch của Toà Tổng, cùng với cha Hoàng Phượng, chính xứ giáo xứ Holy
Family, xuống hướng dẫn các giới chức của Cộng Ðồng về cách tổ chức một cộng
đồng đức tin phù hợp với giáo luật và giáo huấn của Công Ðồng Vaticano đệ nhị.
Qua trao đổi và góp ý một cách nhiệt tình, thẳng thắn giữa các linh mục, giới
chức lãnh đạo từ Toà Tổng và các giáo dân quan tâm trong một số phiên họp mở rộng,
cũng như qua nhiều tháng suy nghĩ, cầu nguyện, làm việc liên tục của Ban Quy
chế (gồm các ông Phạm Ngọc Tuyền, Phạm Xuân Vinh, Nguyễn Văn Lành, Nguyễn Xuân
Thu, Nguyễn Mạnh Tùng và Lê Văn Thu), Mô thức Tổ chức và Điều hành của Cộng
Ðồng đã được soạn thảo và đã được Ðức Tổng Giám mục Murphy phê chuẩn ngày 31
tháng 5 năm 1995. Mô thức này, dựa trên tập tài liệu hướng dẫn của Giáo Phận –
You Are the Branches (tạm dịch: Các Con Là Ngành, rút từ Thánh Kinh: Ta Là Cây
Nho, Các Con Là Ngành Nho) – đã được Ban Qui chế của Cộng Ðồng triển khai thành
một văn kiện đầy đủ, lấy tên “Chúng Ta Là Ngành”, để Cộng Ðồng cùng các cộng
đoàn địa phương, và các đoàn thể CGTH trong Cộng Ðồng theo đó tổ chức và sinh
hoạt. Bản văn đã được ban hành ngày 24 tháng 11 năm 1995, ngày lễ kính các
Thánh Tử Ðạo Việt Nam, bổn mạng của Cộng Ðồng, và đã được tu chính ngày 25
tháng 4 năm 1999. Sở dĩ bản văn được đặt tên Chúng Ta Là Ngành (We Are the
Branches) là để đáp ứng lại tiếng gọi của Thiên Chúa và giáo huấn của Ðấng Bản quyền:
Các Con Là Ngành – You Are the Branches. Qua bản văn này, tôn chỉ của Cộng Ðồng
đã được xác lập: thờ phượng Thiên Chúa và rao giảng Tin Mừng theo truyền thống
Việt Nam, phục vụ các nhu cầu của Cộng Ðồng và tha nhân, đồng thời bảo tồn và
phát huy văn hoá Việt Nam và các tập quán tốt của dân tộc. Cũng qua bản văn
này, quan điểm về lãnh đạo cũng như sự chia sẻ trách nhiệm lãnh đạo cộng đồng
dân Chúa giữa các linh mục và giáo dân theo giáo huấn Công Ðồng Vaticano đệ nhị
đã được minh định, như sau:
“Cộng Ðồng Công giáo Việt Nam Tổng Giáo phận Seattle
(gọi tắt là Cộng Ðồng, trong nội bộ) là tên gọi của một thực thể đã được hình
thành từ năm 1976 qui tụ những người Công giáo Việt Nam cư ngụ tại miền Tây
Tiểu bang Washington, chạy dài từ Bellingham, giáp giới Canada, tới Vancouver,
giáp giới Tiểu bang Oregon, Hoa Kỳ. Thực thể này là một đơn vị của Tổng Giáo phận
Công giáo Seattle, và do đó, hoạt động trong cơ chế pháp lý của Toà Tổng Giám mục.
Cộng Ðồng chọn các Thánh Tử đạo Công giáo Việt Nam làm thánh bổn mạng.
Cộng Ðồng có một nơi để sinh hoạt và thờ phượng gọi chung là Trung tâm Công giáo
Việt Nam Seattle, trong đó có Thánh đường các Thánh Tử đạo Việt Nam
là nơi để cử hành các nghi thức phụng vụ.
Tôn chỉ của Cộng Ðồng là thờ phượng Thiên Chúa và rao giảng Tinh Mừng
theo truyền thống Việt Nam, đồng thời phục vụ các nhu cầu của Cộng Ðồng
và tha nhân. Ngoài ra, vì là một cộng đồng sắc tộc có bản sắc riêng, Cộng
Ðồng cũng chủ trương phải bảo tồn và phát huy văn hoá Việt Nam và các tập
quán tốt của dân tộc. Có cùng nhau thờ phượng một Chúa Kitô, có làm việc
cùng nhau trong một mục tiêu cao cả là phục vụ tha nhân, có đùm bọc nhau trong
tình nghĩa đồng bào, và có cố gắng duy trì sắc thái văn hoá của dân tộc thì
Cộng Ðồng của chúng ta mới tồn tại được lâu dài.
Khi được phân công đảm nhận các chức vụ lãnh đạo và điều hành Cộng Ðồng,
giáo dân không mưu cầu một địa vị hay quyền lực thế trần trong xã hội, mà trái
lại chỉ muốn dấn thân làm những người tôi tớ thấp hèn nhất để phục vụ giáo hội
và tha nhân theo đúng tinh thần Phúc Âm. Khi làm việc, giáo dân trông đợi ở các
linh mục lãnh đạo một sự tôn trọng và tin cậy, một sự cảm thông và hoà đồng, và
đặt biệt là được chia sẻ cùng với các linh mục trách nhiệm lãnh đạo Cộng Ðồng
theo đúng tinh thần của Công Ðồng Vaticanô Ðệ Nhị và của tập Các Con Là Ngành
của Toà Tổng Giám mục Seattle. Ðối lại, giáo dân luôn kính trọng và tuân phục,
gần gũi và thương yêu, cũng như thành tâm hợp tác với các linh mục và tu sĩ
đang đảm nhận các chức vụ lãnh đạo trong Cộng Ðồng. Trong lúc cùng nhau phục vụ
Cộng Ðồng, mọi người cần làm việc trên tinh thần tập thể, kết hợp, không phe
nhóm hay cục bộ.”
Cũng trong thời gian
Cha Phương làm Quản nhiệm, một biến cố trọng đại đã xảy ra: đó là việc vào mùa
hè năm 1988, Đức cố Hồng Y (lúc ấy là Tổng Giám mục, Chủ tịch Hội đồng Tòa
Thánh Công Lý và Hòa Bình) Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận đã được Tổng Giáo
phận Seattle mời thuyết giảng (key note speaker) cho Đại hội Giáo dục Công giáo
(Catholic Educator Conference) được tổ chức hàng năm vào thập niên 1990 và đầu
thập niên 2000 tại Giáo phận. Đúng lúc này, Cộng Đồng tổ chức Hội chợ Hè và Đại
Nhạc hội gây quĩ, và được hân hạnh đón tiếp Ngài; Đức Cha Thuận đã ban nhiều
bài giảng hết sức súc tích có ảnh hưởng đến não trạng và lối sống của giáo dân,
đặc biệt là sự kiên nhẫn, hoà giải và tha thứ.
Tháng 9 năm 2000, Linh mục Antôn Vũ Hùng Tôn
được bổ nhiệm làm Quản Nhiệm của Cộng Ðồng, thay thế Cha Phương được điều về
Giáo xứ St. Mary Magdalen, Everett.
Tiếp nối truyền thống, và trong tinh
thần muốn kiện toàn và phát triển Cộng Ðồng, Cha Vũ Hùng Tôn, với sự phụ tá đắc
lực của Cha Nguyễn Sơn Miên, cùng với nhiệt tâm làm việc của Uỷ ban Thường vụ
Hội đồng Ðại diện, muốn thăng tiến Cộng Ðồng này thành cộng đồng đức tin gắn
bó, thống nhất, có hệ thống, sinh hoạt theo qui củ của một tổ chức đã trưởng
thành, nhằm thực hiện được các tôn chỉ đã đề ra trong tinh thần mến Chúa và yêu
người. Tại Trung tâm, nhiều chỉnh trang về cơ sở vật chất, nhiều thay đổi về
phụng vụ đã được thực hiện.
Dưới thời Cha Vũ
Hùng Tôn làm Quản nhiệm, Cha rất chú trọng đến việc giúp thăng tiến về tổ chức
lẫn khả năng chuyên môn cho các ca đoàn và ca viên, vì đây là lãnh vực sở
trường của Cha. Ngài đã cho phát hành cuốn “Cộng Đồng Cùng Hát”, trong đó có
một số sáng tác của Ngài, để phục vụ nhu cầu hát thánh ca trong các cộng đồng
đức tin Công giáo Việt Nam hải ngoại. Ngài cũng khuyến khích việc phát hành một
tờ đặc san (có tên là Niềm Tin Đặc Biệt) nhằm quảng bá các tài liệu và thông
tin cần thiết để phục vụ mỗi khi Cộng Đồng có các sinh hoạt đặc biệt, như Xây
dựng và Phát triển, Giáng Sinh, Lễ kính Đức Mẹ, Đại hội Giới trẻ, v.v.
Tháng Chín năm 2006, Đức
Tổng giám mục Brunett đã bổ nhiệm Linh mục Phêrô Hoàng Phượng về làm Quản nhiệm
Cộng Đồng, đồng thời làm Tổng đại diện cho Ngài lo về mục vụ cho người Công
giáo Việt Nam trong toàn Giáo phận, thay thế Cha
Vũ Hùng Tôn xin nghỉ hưu.
Với hai chức vụ này, Cha Hoàng Phượng đảm nhiệm chức vụ Tổng
Quản (viết tắt của hai từ Tổng đại diện
và Quản nhiệm) Cộng Đồng.
Công tác mục vụ: Trong thời gian Cha
Hoàng Phuợng đảm trách chức vụ Tổng Đại diện (Episcopal Vicar) chăm sóc mục vụ
cho giáo dân Công giáo Việt Nam trong Tổng Giáo phận và làm Quản nhiệm Cộng đồng
Công giáo Việt Nam tại đây, Ngài đã đề ra những kế hoạch ngắn và dài hạn. Với sự
giúp đỡ của các linh mục và tu sĩ Việt Nam trong giáo phận cũng như sự hợp tác
chặt chẽ của hàng ngũ giáo dân, công tác mục vụ tại các địa phương được tiến
triển một cách tốt đẹp. Tại Cộng đoàn La Vang (Bellingham), các linh mục trẻ
như Cha Trần Phong Vũ, Cha Nguyễn Quí Thạc, ngoài nhiệm vụ lo cho giáo xứ bản địa,
đã hợp tác với Ngài chăm sóc mục vụ cho giáo dân Việt Nam cư ngụ trong vùng. Tại
Cộng đoàn Trinh Vương (Everett), Cha Tổng Quản Hoàng Phượng và Cha Phụ tá Nguyễn
Sơn Miên thay phiên nhau lên cử hành thánh lễ Chủ Nhật và ban các phép bí tích.
Tại Cộng đoàn Phêrô (Southwest), công tác mục vụ lo cho giáo dân được giao cho
Cha Trần Hữu Lân. Ở Cộng đoàn Thánh Tâm (Auburn), Cha Đào Xuân Thành, Quản xứ
(Priest Administrator) Giáo xứ Philomena, cùng với hai cha từ trung tâm, giúp mục
vụ cho giáo dân tại đây mỗi Chúa Nhật. Cha Miên và Cha Phượng cũng thay phiên
nhau xuống Olympia mỗi 2 tuần một lần lo mục vụ cho Cộng đoàn Thánh Martin de
Pores. Các Cộng đoàn Long View và Vancouver thì ở quá xa về phía nam, tuy vậy,
Cha Phượng vẫn đã thường xuyên xuống giúp và tìm hiểu nhu cầu. Sáu tháng sau,
may mắn có Cha Hoàng Bình, Chánh xứ một giáo xứ miền Bắc của Tổng Giáo phận
Portland, tình nguyện qua giúp công tác mục vụ cho giáo dân Việt Nam tại đây,
nên Cha Phượng cũng đỡ vất vả. Riêng tại Cộng đoàn Thánh Giuse (Tacoma), Cha
Nguyễn Anh Tuấn, Chánh xứ 6 giáo xứ bản địa, là người trực tiếp lo cho giáo dân
tại đây. Các cộng đoàn quanh trung tâm, như Fatima (North Seattle), Mông Triệu
(Bellevue) và Mân Côi (Central) thì trực tiếp sinh hoạt đều đặn tại trung tâm.
Sinh hoạt văn hóa và tu đức: Các lớp giáo lý và Việt ngữ đã được đông đảo các em
tham gia. Các sinh hoạt Công giáo Tiến hành, đặc biệt là của các đoàn thể trẻ
như ca đoàn, cũng rất sầm uất. Do nhu cầu của giới trẻ, Cộng Đồng đã phải hợp đồng
với Giáo xứ Immaculate Conception trong tinh thần hỗ tương để có thêm phòng ốc
cho các em sinh hoạt. Qua hợp đồng này, Cộng Đồng đã phải chi ra một ngân khoản
khá lớn cho giáo xứ đó mà các em cũng vẫn không được sinh hoạt thoải mái. Vì vậy,
Cha Tổng Quản và Hội đồng Mục vụ cũng như các giới chức quan tâm đã không ngừng
suy nghĩ về việc tìm mua cơ sở mới hoặc mở mang trung tâm sao cho rộng đủ để giải
quyết nhu cầu phòng ốc, nhằm giúp các đoàn thể và giới trẻ sinh hoạt, và Cộng Đồng
có được một ngôi thánh đường khang trang hơn. Rất tiếc, vào thời điểm ấy, các yếu
tố khách và chủ quan đã không thuận lợi để ước mơ ấy trở thành hiện thực.
Trong tinh thần
muốn giáo dân Việt Nam trong toàn Tổng Giáo phận có sự gắn bó với nhau trên
tình tự dân tộc và truyền thống tôn giáo tốt đẹp của cha ông, Cha Tổng Quản đã
đặt ra các chương trình huấn luyện giáo lý viên, tổ chức các buổi rước kiệu Đức
Mẹ La Vang chung, qui tụ các ca đoàn từ các cộng đoàn để thành lập ca đoàn tổng
hợp trong các dịp lễ lớn, và tổ chức các lớp học hỏi về hạnh các Thánh Tử đạo
Việt Nam, gương thánh thiện của Đức cố Hồng y Nguyễn Văn Thuận. Từ các sinh hoạt
đó, một CD nhạc đạo do các ca đoàn phối hợp thực hiện đã được phát hành, và một
quyển kinh song ngữ đã được xuất bản nhằm giúp các em nhỏ dễ dàng trong lúc đọc
kinh tối cùng gia đình.
Đặc biệt là qua
sự trung gian của Cha Tổng Quản, Toà Tổng Giám mục Seattle đã bảo trợ rất nhiều
sơ, đặc biệt là quý sơ thuộc Dòng Mến Thánh Giá Gò Vấp, qua Mỹ, vừa để các sơ học
tập, tu đức, vừa để các sơ phục vụ các cộng đoàn Việt Nam trong Giáo phận. Tại
Trung tâm, chương trình Việt ngữ Đắc Lộ và sinh hoạt ca đoàn đã được phát triển
và thăng tiến nhờ sự hiện diện của các sơ, trong đó có Sơ Trần Thuý-Mai. Tại
các cộng đoàn Việt Nam khác, các sơ (như Sơ Têrêsa Phượng, Sơ Vân, Sơ Trinh, Sơ
Hạnh, Sơ Hường, Sơ Huyền, Sơ Thảo, Sơ Loan, v.v.), cũng đã cộng tác đắc lực với
quý cha để phụ giúp các ngài trong công tác mục vụ, thánh nhạc, và xã hội.
Tổ chức theo chỉ đạo mới của Giáo phận: Khi
Đức Tổng Giám mục Brunett về cai quản địa phận, Ngài đã đưa ra một chỉ đạo mục
vụ mới qua Văn bản ‘Many Gifts, One Spirit: Church Governance through
Consultative Leardership’ (Nhiều Đặc Sủng,
Một Thánh Thần: Điều hành Hội Thánh thông qua cách lãnh đạo tham vấn) thay
thế cho văn bản ‘You Are the Branches’. Để đáp ứng chỉ đạo này cũng như thi
hành đúng đắn chức năng Tổng Đại diện (Episcopal Vicar) cho Đức Cha lo mục vụ
cho giáo dân Việt Nam trong Giáo phận, Cha Phượng đã chỉ đạo việc soạn một văn
bản để hướng dẫn tổ chức lại Cộng Đồng. Một ban soạn thảo qui chế được thành lập,
gồm các ông Phạm Xuân Vinh (trưởng ban),
Nguyễn Văn Lành, Nguyễn An Quý, Trần Ngữ, Nguyễn Hữu Cần, Nguyễn Xuân Thu, Phạm
Ngọc Tuyền, Vũ Duy Hướng, Nguyễn Văn Kiên, Nguyễn Thanh Lâm, Bùi Hữu Thư, cô
Nguyễn Thu Vân, Thầy Phó tế Nguyễn Đức Mậu, Bác sĩ Giáp Phúc Đạt và Bác sĩ Lê
Văn Thu (phụ trách phác thảo).
Sau nhiều tháng bàn thảo dưới sự chỉ đạo của
Cha Hoàng Phượng, một bản văn có tên ‘Hướng dẫn về Tổ chức và Điều hành Cộng đồng
Công giáo Việt Nam Tổng Giáo phận Seattle’ đã được soạn xong. Bản văn đã được
các ông Nguyễn Văn Lành, Phạm Ngọc Tuyền, Phạm Xuân Vinh và BS Giáp Phúc Đạt
chuyển qua Anh ngữ để giúp giới trẻ có thể thấu hiểu và áp dụng khi sinh hoạt. Cuối
cùng, anh Nguyễn Kiên đã giúp trình bày văn bản theo dạng e-book, đồng thời ấn
hành thành văn bản chính thức trên giấy. (Rất
tiếc, bản e-book nay đã bị thất lạc). Văn kiện Tổ chức và Điều hành ấy đã
được long trọng ban hành ngày 25 tháng 11 năm 2007 nhân lễ Kính các Thánh Tử đạo
Việt Nam với sự hiện diện của hầu hết các cộng đoàn địa phương cùng các ban
ngành đoàn thể.
Điểm đặc biệt của văn kiện mới này là vai trò Tổng Đại diện
của Cha Hoàng Phượng mà Đức Cha đã giao phó, qua đó Cha sẽ có trách nhiệm rộng
rãi hơn và nặng nề hơn trong công tác mục vụ, không những chỉ cho 11 cộng đoàn
Việt Nam, mà còn cho bất cứ người Việt Công giáo nào sống và sinh hoạt trong địa
phận, nhưng ở địa phương không có linh mục Việt Nam, một khi họ có nhu cầu mục
vụ. Trong chiều hướng phục vụ đó, bản văn này đã nói lên tinh thần kết hợp giữa
hàng ngũ linh mục, tu sĩ nam nữ Việt Nam đông đảo đang phục vụ trong Giáo phận,
cùng với sự cộng tác chân thành từ các tầng lớp giáo dân ở khắp 11 cộng đoàn, gắn
bó thành một tập thể lớn mạnh, có tổ chức chặt chẽ trong tinh thần yêu thương
và đoàn kết, để cùng nhau phục vụ Giáo hội và tha nhân trong một tinh thần
chung: Nhiều Đặc Sủng, Một Thánh Thần.
Nói chung, trong thời
gian Cha Phêrô Hoàng Phượng lãnh đạo Cộng Đồng, mặc dù có nhiều khó khăn, nhưng
với sự hợp tác của các linh mục và tu sĩ Việt Nam, cùng với tinh thần hoà đồng
của Cha khi làm việc với các giới chức, mọi trở ngại đều đã được vượt qua; và
nhờ đó, Cộng đồng Công giáo Việt Nam Tổng giáo phận Seattle đã trưởng thành về
nhiều mặt, và đã ghi được một điểm son trong quá trình xây dựng và phát triển.
Đến ngày 19 tháng 11
năm 2010 thì Cộng Đồng các Thánh Tử Đạo Việt Nam tại Seattle được chính thức giải
thể.
Một giáo xứ tòng nhân (còn gọi
là thể nhân) cho
giáo dân Công giáo Việt Nam được thành lập và Linh mục Gioakim Đào Xuân Thành được
cử về làm Chính xứ tiên khởi bởi một sắc lệnh của Đức Tổng Giám mục Alexander
Brunett. (Xin đọc qua phần Lịch sử Giáo xứ
để biết thêm chi tiết).
Sự tổ chức của Cộng
Đồng từ nay bước qua một khúc ngoặt mới với một số cộng đoàn Việt Nam ở xa
Seattle được hội nhập vào các giáo xứ người bản địa, nhưng vẫn được các linh mục
chính hay phó xứ gốc Việt tại địa phương chăm sóc về mục vụ theo truyền thống
dân tộc. Các linh mục gốc Việt và các cộng đoàn ấy vẫn cố gắng duy trì nếp sống
văn hoá và truyền thống giữ đạo của cha ông cho các thế hệ con cháu. Âu cũng là
hồng phúc Chúa ban cho người Việt tị nạn chúng ta khi Tổng Giáo phận Seattle có
nhiều linh mục tu sĩ Việt Nam dấn thân phục vụ trên cánh đồng truyền giáo.
biên soạn: Phạm Xuân Vinh và Lê Văn Thu
Linh mục Gioakim Lê Quang Hiền
Tuyên úy tiên khởi của Cộng Đồng
Tiểu sử:
Cha Gioakim Lê Quang Hiền sinh năm 1946 tại Hòa Vang, Quảng Nam.
Hồi nhỏ, học tại trường tiểu học Thánh Giuse, Giáo xứ Chính tòa, Đà Nẵng. Lớn
lên, vào Tiểu chủng viện Làng Sông, Qui Nhơn, rồi vào Giáo hoàng Học viện Piô
X, Đà Lạt (khoá IX). Khi qua Mỹ, Ngài học thêm về Applied Spirituality (tạm dịch:
Tu đức Thực nghiệm) và tốt nghiệp Cao học ở University of San Francisco năm
1983.
Cha Hiền được Đức Giám mục Phêrô Maria Phạm
Ngọc Chi truyền chức linh mục ngày 22 tháng 12 năm 1974 tại nhà thờ Chính toà
Đà Nẵng.
Khi miền Nam sụp đổ cuối tháng Tư năm
1975, Ngài theo dòng người tị nạn cộng sản lưu lạc qua trại Fort Chaffee, Tiểu
bang Arkansas, và phục vụ tại đây như một tuyên uý cho đến tháng 9 năm 1975 thì
được mời qua Tổng Giáo phận Seattle làm tuyên uý cho tập thề người Công giáo Việt
Nam tị nạn Cộng sản. Đến tháng Tư năm 1977, Ngài xin đổi qua phục vụ tại Giáo
phận Spokane. Tại Spokane, Ngài phục vụ với nhiều tư cách, từ phó xứ, chính xứ
nhiều giáo xứ, đến Giám đốc Linh hướng cho Chủng viện Bishop White Seminary (28
tháng 9 năm 1978). Chính ở Giáo phận Spokane, Ngài đã có cơ hội sống tận hiến
cuộc đời linh mục trong niềm hân hoan vì đã thực hiện được những ước mơ mà Ngài
hằng ôm ấp. Cũng qua thời gian phục vụ tại Giáo phận Spokane, Cha đã được Đức
Giám mục địa phận giới thiệu với Đức Tổng Giám mục Chủ tịch Hội đồng Giám mục
Hoa Kỳ, để qua cơ hội này Ngài giải thích về chiến tranh Việt Nam cho Hội đồng
Giám mục Hoa Kỳ, vốn bị giới truyền thông Mỹ hướng dẫn sai lạc. Sau khi Đức Tổng
Giám mục Nguyễn Văn Thuận, là người mà gia đình Cha Hiền rất thân, được cộng sản
phóng thích năm 1988, và qua sự liên hệ với Đức Hồng y Phạm Đình Tụng tại Hà Nội,
lúc ấy là Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, Cha Hiền trở thành người liên lạc
(liaison) giữa hai Hội đồng Giám mục Việt Nam và Hoa Kỳ.
Ngài chính thức về hưu từ tháng 7 năm
2012, nhưng Ngài vẫn là Uỷ viên Giao tế của Liên đoàn Công giáo Việt Nam tại
Hoa Kỳ, và vẫn làm trung gian liên lạc giữa Hội đồng Giám mục Việt Nam và Hội đồng
Giám mục Hoa Kỳ. Ngài cũng đóng vai trò tư vấn trong hai tiến trình phong Chân
phước và Hiển thánh cho Cố Hồng y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận và Cố Linh mục
Phanxicô Xavie Trương Bửu Diệp.
Phục vụ:
Cha cho biết khi ở trại Fort Chaffee thì
nhận được lá thư của Đức Tổng Giám mục Hunthausen từ Seattle cho biết muốn mời
một linh mục Việt Nam về Tiểu bang Washington để chăm sóc mục vụ cho khoảng 400
người Công giáo trong đợt 2000 người Việt Nam tị nạn đầu tiên được Cơ quan USCC
bảo trợ. Vì đã có dịp đọc qua và thích cái ‘design’ của Space Needle, Cha Hiền
“bạo phổi” nhận lời về Seattle, nơi mà nhiều người Việt lúc ấy còn xa lạ và
nghĩ rằng rất lạnh và hẻo lánh.
Cha đã đặt chân xuống phi trường Seattle
ngày 15 tháng 9 năm 1975. Ngay khi về Giáo phận, Cha đã được bổ nhiệm làm Phó xứ
Nhà thờ Chánh toà St. James, đồng thời làm Vicar (đại diện Đức Tổng) lo mục vụ
cho cộng đồng người Công giáo Việt Nam. Công việc lúc đầu của Cha Hiền rất gian
nan. Giáo dân Việt Nam ở rải rác từ Bellingham, cực bắc, xuống Vancouver, cực
nam. Thời gian đầu chưa có ban điều hành hay người phụ tá, Cha đã phải tự “lần
mò” tìm ra giáo dân của mình. May mắn, lúc ấy có ông Paul Nguyễn, là nhân viên
của USCC Seattle, đã tập họp được một số giáo dân cư ngụ trong vùng, và mời Cha
dâng thánh lễ đầu tiên cho họ tại một nhà thờ ở White Center. Sau đó, Cha gặp
được các ông bà Nguyễn Phi Hùng và Nguyễn Văn Lạc, được các vị này giúp đỡ
thêm. Với vốn liếng tiếng Anh hạn chế, tuy viết và đọc khá vững, nhưng chưa nói
quen, nên Cha đã dâng lễ cho giáo dân Mỹ ở nhà thờ Chính toà bằng tiếng Anh, nhưng
lại giảng bằng tiếng Pháp, và được một vị đại tá người Mỹ dịch qua tiếng Anh.
Việc này không thể kéo dài vì gây trở ngại về thời gian cho giáo dân Mỹ, nên
Cha đã cố gắng trau dồi Anh ngữ bằng cách tự học, và nhờ người Mỹ giúp sửa giọng.
Chỉ trong thời gian ngắn, Cha Hiền đã vượt qua được trở ngại này. Lễ thứ hai
cho giáo dân Việt Nam là một lễ cưới ở Bothel cho một cặp mà chồng là Công
giáo, và vợ theo Phật giáo. Cặp này được một gia đình Tin Lành bảo trợ, nên lễ
cưới đã được làm trong một nhà thờ Tin Lành với phép đặc biệt của Đức Cha
Hunthausen.
Cha đã cử hành thánh lễ “Giáng Sinh” đầu
tiên cho cộng đồng Việt Nam tại nhà thờ Chính toà St. James vào ngày 10 tháng
12 năm 1975. Trong ngày này, Ban Điều hành “đầu tiên” của tập thể người Công
giáo Việt Nam đã được ra mắt. Cha cũng gởi ra một lá thư đầy xúc cảm cho những
người mà hoàn cảnh cũng như Cha: rời quê hương yêu dấu, bỏ lại sau lưng những
người thân thương để qua sống ở một nơi xa lạ, từ ngôn ngữ đến tập tục, từ nếp
sống đến thực phẩm, và đã phải trải nghiệm những tháng ngày gian truân, vất vả.
Ngày 18 tháng 5 năm 1976, Cha đã gởi lên Đức Tổng Giám mục Giáo phận một bản nhận
xét của Cha về sinh hoạt của cộng đồng người Việt, trong cũng như ngoài Công
Giáo, và trình bày nhu cầu của Cộng đồng Công giáo Việt Nam. Trong bản nhận xét
này, Cha đã đề cập đến những điểm tích cực và tiêu cực của cộng đồng tị nạn nói
chung, từ việc có quá nhiều cơ quan thiện nguyện, đoàn thể lo cho một “nhúm người”
tị nạn, đến những phân hoá và ganh tị giữa các cơ quan ấy; từ tâm lý suy trầm của
mọi người nói chung do việc phải lìa xa quê hương, bỏ lại sau lưng vợ chồng,
con cái, cha mẹ, đến những khó khăn khi phải sống ở một nơi có nếp sống, văn
hóa, ngôn ngữ, thực phẩm khác biệt; từ việc người già khó có thể hội nhập vào
cuộc sống bên này, đến giới trẻ chưa rành tiếng Anh để theo học các lớp giáo lý
tại các giáo xứ bản địa. Thêm vào đó, đức tin bị lung lạc và thử thách khi người
Công giáo Việt Nam được người Tin Lành bảo trợ, phải sống gần gũi với họ, và
theo họ đi lễ ở các nhà thờ Tin Lành. Cha cũng bày tỏ về nỗi băn khoăn làm sao
bảo vệ được giá trị văn hoá và tôn giáo truyền thống của người Việt. Từ những
khó khăn và ưu tư nói trên, Cha đề nghị Giáo phận giúp đỡ để Cộng Đồng có được
một nơi cho mọi người qui tụ, sinh hoạt tôn giáo, mục vụ, và cho giới trẻ có chỗ
để học hỏi giáo lý bằng tiếng Việt. Cũng do nhu cầu thông tin, Cộng Đồng cũng cần
xuất bản một bản tin trong nội bộ. Cha ước mơ trung tâm ấy sẽ được mở rộng cho
cả người ngoài Công Giáo đến sinh hoạt, từ đó Giáo hội có cơ hội truyền bá đức
tin. Cha cũng dự trù xin thêm linh mục Việt Nam về giúp. Lúc ấy, Cha Hiền mới
30 tuổi!
Tại Giáo phận Spokane, khi còn phục vụ với
tư cách phó hay chính xứ, cũng như sau khi nghỉ hưu, Cha thường được mời đi giảng
tại nhiều giáo xứ bản địa trong Giáo phận Spokane và các cộng đồng Công giáo Việt
Nam tại Mỹ, cũng như ở nhiều nước khác, vì giảng thuyết vốn là sở trường của
Cha. Chuyên đề mà Ngài thường trình bày là canh tân giáo xứ, giới trẻ, gia đình
và văn hóa, sự liên hệ trong tiến trình tự chuyển hóa giữa Đông và Tây. Nhiệt
tình phục vụ và sức làm việc của Cha Lê Quang Hiền không bao giờ suy giảm dù
Ngài bây giờ đã trên 70 tuổi!
Phỏng vấn và
biên soạn: Lê Văn Thu và Phạm Xuân Vinh
Linh mục
Quản nhiệm Antôn Phan Hữu Hậu
Cha Antôn Phan Hữu Hậu sinh ngày 1 tháng Mười năm 1930
(Canh Ngọ) tại Hà Tĩnh, bắc Trung phần Việt Nam.
Năm 1939, mới 9 tuổi, cậu được Cha Phanxicô Xavie Gônet (cố
Yên), Quản hạt Văn Hạnh, đỡ đầu cho vào tu học tại Nhà tập (probatorum) Xứ Văn
Hạnh thuộc Hạt Văn Hạnh. Từ năm 1941 đến 1945, cậu theo học bậc tiểu học tại Nhà
tập Xuân Phong, Giáo phận Vinh. Từ 1945 đến 1953, cậu vào Tiểu Chủng viện Vinh
Thanh của Giáo phận Vinh. Năm 1953, cậu đi giúp Xứ Cầu Rầm, thành phố Vinh, tỉnh
Nghệ An, do Cha Phùng Việt Mỹ làm chính xứ.
Cậu di cư vào miền Nam khi đất nước bị chia đôi bởi Hiệp định
Genève năm 1954, và tạm ở lại Phan Thiết, Trung phần, để giúp xứ đạo Vinh Thuỷ
của Cha xứ Lê Trọng Khiêm. Sau đó, cậu vào miền Nam học trung học đệ nhị cấp, môn
triết, tại Trường Lê Bảo Tịnh, tỉnh Gia Định, năm 1957.
Sau khi đậu tú tài toàn phần năm 1959, cậu được nhận vào Đại
Chủng viện Thánh Giuse, Saigon, và học thần học tại đây.
Ngài thụ phong linh mục ngày 23 tháng Tư năm 1963, chủ
phong bởi Đức
Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình tại Nhà thờ Chính toà Sài Gòn.
Sau khi thụ phong, Ngài được bài sai về tỉnh Pleiku làm Phó
xứ Đức Hưng (1963), Chính xứ Sùng Lệ (1964), Chính xứ Thánh Tâm (1965), Phó xứ
Hiếu Đạo kiêm phụ tá tuyên uý quân đội cho Tiểu khu (1966). Sau đó, năm 1967,
Ngài về làm Chính xứ Giáo xứ Đức An kiêm Tuyên uý quân đội Tiểu khu Pleiku cho
đến khi mất nước.
Khi miền Nam bị mất vào tay Cộng sản cuối tháng Tư năm
1975, Ngài theo dòng người tị nạn di cư qua Mỹ. Ngài được Cha Thomas, Chính xứ Giáo
xứ Queen of Peace, Giáo phận Fort Worth, Tiểu bang Texas, bảo trợ. Tại Texas,
Ngài cũng làm Tuyên uý cho Cộng đoàn Công giáo Việt Nam tại Wichita Falls từ tháng Mười
năm 1975. Đến tháng Năm năm 1976 thì Ngài chuyển về phục vụ tại Trung tâm Công
giáo Việt Nam ở Orange County, Tiểu bang California.
Đến
ngày 19 tháng Mười Hai năm 1977 thì Ngài được Đức
Hunthausen, Tổng Giám mục Địa phận Seattle, mời về làm Tuyên uý cho Cộng Đồng
Công giáo Việt Nam tại đây. Từ đó, Cha đã tận tuỵ phục vụ, cố gắng quy
tụ đoàn chiên Việt sống rải rác trong địa phận lại thành một cộng đoàn đức tin
có tổ chức, đồng thời tậu mãi các cơ sở vật chất làm nơi thờ phượng và sinh hoạt,
bước đầu tiến tới tự túc về tài chánh cho Cộng Đồng. Đến năm
1989, vì lý do sức
khoẻ, Ngài phải đi dưỡng bệnh một thời gian. Ngài chính thức nghỉ
hưu từ
năm 1991.
Ngài về lại Việt Nam sống từ năm 2003, cư ngụ tại nhà người
em trai, Giáo xứ Hải Sơn, Địa phận Bà Rịa, Vũng Tàu. Đến năm 2016 thì Ngài về lại
sinh quán, Giáo xứ Mỹ Lộc, Giáo hạt Văn Hạnh, Giáo phận Vinh.
Lúc 10 giờ tối ngày 23 tháng Tư năm 2017 (giờ Việt Nam), đúng
ngày thụ phong linh mục 54 năm trước, Ngài tạ thế, hưởng thọ 87 tuổi. Ngài ra đi
để lại nhiều thương tiếc không những cho người thân yêu trong gia đình, mà còn
cho tập thể người Công giáo Việt Nam đã từng được Ngài chăm sóc, từ Việt Nam đến
Hoa Kỳ, đặc biệt là tại Tổng Giáo phận Seattle. Xin Chúa sớm đưa linh hồn Cha
Antôn về Nước Hằng Sống nơi Thiên quốc.
Biên soạn: Phạm Xuân Vinh và Lê Văn Thu
(hình ảnh: Nguyễn Thanh Lâm, dữ liệu: Phan Lan Hương)
Linh Mục Anphong Trần Đức Phương
Tiểu sử:
Linh mục Anphong Trần Đức Phương sinh năm 1936 ở Hà Nội,
theo học tại Tiểu Chủng viện cùng tỉnh lúc còn nhỏ. Năm 1954, tiểu chủng sinh
Phương theo gia đình di cư vào Nam và tu tập tại Giáo Hoàng Học viện Piô X, Đà
Lạt, sau khi đỗ tú tài II bậc trung học. Sau khi thụ phong linh mục ngày 29
tháng Tư năm 1965 tại Giáo phận Đà Lạt, Cha giúp giảng dậy tại Tiểu Chủng viện
Simon Hoà của Giáo phận. Sau đó, Cha được trưng tập làm tuyên úy, cấp bậc thiếu
tá, cho các trường Võ bị Quốc gia, Chiến tranh Chính trị và Chỉ huy Tham mưu ở
Đà Lạt từ năm 1969 cho đến ngày mất miền Nam.
Từ sau ngày 30 tháng Tư năm 1975,
Ngài bị chế độ mới bắt đi tù cải tạo, rồi quản chế tại gia, cho đến năm 1981
thì vượt biên qua Thái Lan, và được hưởng qui chế tị nạn tại Mỹ dành cho các cựu
quân nhân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Ngài đến San Jose, Tiểu bang California,
năm 1982. Tại đây, Ngài lấy được văn bằng cao học (master degree) ngành xã hội
của trường San Jose State University. Ngài đã liên tục phục vụ về mục vụ cho đồng
hương thuộc các giáo xứ ở Montery, Oakland, và Santa Rosa thuộc Giáo phận San
Jose trong suốt thời gian cư ngụ tại đây.
Ngày 14 tháng 1 năm 1990, Cha Trần Đức Phương được Đức Tổng
Giám mục Raymond Hunthausen mời về Seattle làm tuyên uý (chaplain) cho Cộng đồng
Công giáo Việt Nam thuộc Tổng Giáo phận. Tại đây, Ngài đã phục vụ với tư cách
quản nhiệm cho đến năm 2001 thì được điều về Giáo xứ Mary Magdalen ở Everett.
Năm 2003, Ngài về với Giáo xứ St. James ở Vancouver. Năm 2006, Ngài lại được điều
về Cộng Đồng phụ giúp Cha Tổng Quản Phêrô Hoàng Phượng. Năm 2007, Ngài về Giáo
xứ St. Mary ở Centralia. Đến năm 2011, Ngài bị chứng tai biến mạch máu não khá
trầm trọng đến mức phải giải phẫu sọ não, nhưng với sự quan phòng cách đặc biệt
của Thiên Chúa, Ngài đã vượt qua được và phục hồi gần như hoàn toàn. Ngài được
Đức Tổng Giám Mục Brunett cho phép về hưu sau tai biến ấy. Nhưng, từ năm 2012,
Ngài lại được Toà Tổng phân bổ về Giáo xứ Immaculate Conception ở Everett phục
vụ cộng đoàn Việt Nam ở đó với tính cách “cha già cố” (Senior Priest). Gần đây,
chứng tai biến mạch máu não tái phát khiến Ngài đi lại khó khăn.
Trong suốt thời gian Cha Anphong Trần Đức Phương về phục vụ tại Cộng Đồng
cũng như ở các giáo xứ bản địa thuộc Tổng Giáo phận, Ngài đã đi rất nhiều để
giúp công tác mục vụ cho giáo dân thuộc các cộng đoàn Việt Nam địa phương. Bất
cứ nơi nào cần là có bước chân của Ngài.
Công tác gây quĩ và tậu mãi các cơ sở:
Cha Phương đã được sự hợp tác
tích cực của nhiều tầng lớp giáo dân, kể cả các ban ngành đoàn thể trong Cộng
Ðồng, qua các Ban Thường vụ và Hội đồng Ðại diện thời các ông Chủ tịch Phạm Quí
Hậu (1990-1993), Nguyễn Văn Lành (1993-1996), và Nguyễn Xuân Thu (1996-2000),
nên Cộng Đồng đã không những trả hết được các món nợ do việc xây cất ngôi nhà
thờ thời Cha Phan Hữu Hậu, mà còn tiếp tục tậu mãi thêm nhiều cơ sở, như mấy căn nhà quanh nhà thờ,
với mục đích phát triển khu vực thành một trung tâm sinh hoạt đa diện phục vụ
cho các lợi ích của Cộng Ðồng, tạm đủ chỗ sinh hoạt cho các hội đoàn Công Giáo
Tiến Hành, cho các ca đoàn, cũng như cho thanh thiếu niên, và trong ước vọng
cho cả các đồng hương ngoài Cộng Ðồng về sau. Với đà phát triển về số giáo dân,
Cha và Hội đồng Ðại diện đã quyết định mua thêm một ngôi nhà nguyện của người
Do Thái ngoài góc đường 12 và Spruce, gần Trung tâm, với ý định xây một nhà thờ
mới có sức chứa gấp đôi ngôi nhà thờ hiện tại. Các việc tậu mãi này đều đã được các chuyên gia về địa ốc của Toà Tổng
khuyến khích, và đã được các Ðức Tổng Giám mục bản quyền chúc phúc và chấp
thuận.
Công tác tổ chức và điều hành:
Cha Trần Đức Phương, ngoài thành tích phát triển các
cơ sở vật chất cho Cộng Ðồng, còn đặt nền móng tổ chức vững chắc cho Cộng Ðồng
qua việc hình thành và ban hành văn bản “Chúng Ta Là Ngành” (xin đọc thêm trong phần lịch sử của Cộng
Đồng để biết chi tiết về nguyên nhân soạn thảo và nội dung văn bản).
Công tác mục vụ và tu đức:
Tại
trung tâm, dưới thời Cha Phương lãnh đạo, rất nhiều đoàn thể mới được thành lập, như Hội Các Bà Mẹ,
Hội Legio Mariae, Hội Liên Minh Thánh Tâm, v.v.. Với sự nở rộ các đoàn thể Công
giáo Tiến hành đó, đời sống đức tin trong tập thể giáo dân đã được phát triển
và thăng tiến. Nhiều khóa tu đức và sinh hoạt giới chức được tổ chức.
Cha
Quản Nhiệm Trần Đức Phương
và Cha Phụ tá Nguyễn Sơn Miên đã thay phiên đến nhiều cộng đoàn vào những ngày
Chúa Nhật để dâng thánh lễ cho giáo dân Việt Nam. Cha Quản Nhiệm cũng đã phối
hợp với các linh mục Việt Nam trong Tổng Giáo phận để ban các bí tích cần thiết
cho giáo dân, cũng như dâng thánh lễ vào những ngày Chúa Nhật, mỗi khi hai cha
tại trung tâm không tới được.
Với
kiến thức sâu rộng về kinh thánh, và với tinh thần trách nhiệm của một Mục Tử
tốt lành, Cha đã thường xuyên nhắc nhở giáo dân sống đúng đức bác ái và công
bình trong Phúc Âm, tránh xa các trào lưu xấu của xã hội thời ấy như ly dị giả
để hưởng trợ cấp xã hội, đứng tên con cái để mua nhà rồi thuê lại dưới sự trợ
cấp của chính quyền địa phương, kiếm lợi nhuận bằng tiền mặt mà không đóng thuế, v.v..
Ngoài ra, Ngài cũng thường xuyên viết
những bài thuyết giảng về
Thánh Kinh và đưa lên mạng internet để giúp giáo dân suy niệm trước các thánh lễ Chúa
Nhật.
Ban An
Ninh của Cộng Đồng cũng được thành lập vào thời kỳ này để giữ gìn an ninh trật
tự cho các buổi lễ và sinh hoạt tại trung tâm. Nhờ thế tình trạng mất trật tự
lúc đậu xe, nạn đập phá và ăn cắp xe không còn xảy ra nữa. Ngoài ra, công tác
lo hậu sự cho giáo dân tại Đất Thánh Holyrood cũng đã được Cha Quản Nhiệm và
một số cựu giới chức
quan tâm tiến hành, và cao điểm là một đài Đức Mẹ Lavang đã được dựng lên tại
nơi có nhiều phần mộ người Việt Nam trong nghĩa trang, và được Đức Tổng Giám
mục Brunett ban phép lành năm 1998.
Kết luận:
Với
tinh thần cởi mở và quyết tâm áp
dụng đúng đắn các giáo huấn của Công Đồng Vaticano đệ Nhị, được nhắc lại trong
các văn kiện của Tòa Tổng Giám mục Seattle thời các Đức Cha Hunthausen và
Murphy, và với bản
văn “Chúng Ta Là Ngành” mà cha con đã cùng nhau hợp soạn, Cha Anphong Trần Đức Phương đã được toàn thể
giáo dân, đặc biệt là các giới
chức
làm việc chung với Cha, thành tâm thành ý hợp tác và phục vụ, khiến cho nhiều
công tác được hoàn thành mỹ mãn, từ mục vụ, tu đức, đến gây quĩ và tậu mãi các cơ
sở vật chất.
Ngày
nay, trước sức khoẻ suy yếu và tuổi tác của Ngài, giáo dân Việt Nam luôn cầu
nguyện để Ngài được bình an và phó thác Ngài cho Đấng Quan Phòng.
Phỏng vấn và biên soạn: Phạm Xuân Vinh và Lê Văn Thu
LINH MỤC ANTÔN VŨ HÙNG TÔN
(1937-2014)
Trong niềm “tin tưởng
nơi Chúa để Người hành động,” Cha Antôn
Vũ Hùng Tôn đã hăng say tận hiến phục vụ Thiên Chúa và Giáo Hội trong tinh
thần phó thác cho đến phút cuối cuộc đời. Ngài đã được
Chúa thương gọi về quê Trời vào lúc 5 giờ 43 phút chiều, giờ địa
phương, ngày thứ Tư, 10 tháng 9 năm 2014 tại Bệnh viện Providence,
Portland, Oregon.
Linh mục Antôn Vũ Hùng Tôn chào đời ngày 9 tháng 6 năm
1937 trong một gia đình đạo hạnh tại làng Đa Nam, Giáo xứ Kẻ Rừa, Giáo
phận Thanh Hoá. Thân phụ của Ngài là Ông Cố Giuse Vũ Văn Vọng, và thân mẫu
là Bà Cố Maria Cù Thị Tài. Gia đình gồm 4 anh em trai và 3 chị em
gái. Cha Tôn là con thứ 3 trong gia đình. Hiện tại ở Việt Nam Ngài còn có
một người anh, một người chị và một cô em gái. Tất cả còn lại đều sống tại
Hoa Kỳ.
Những ngày đáng ghi nhớ trong cuộc đời
Linh mục
Antôn Vũ Hùng Tôn
Cậu bé Antôn Vũ Hùng Tôn nhập Tiểu chủng viện Hoàng
Nguyên, Hà Nội, năm 1948. Theo làn sóng di cư vào Nam năm 1954, chú Tôn tiếp
tục theo học tại Tiểu Chủng viện Piô XII của Giáo phận Hà Nội, ở Ngã Sáu, Chợ
Lớn và mãn tràng năm 1958.
Cũng vào mùa thu năm 1958 này, Thầy Tôn được Bề Trên
tuyển chọn gởi theo học tại Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X Đà Lạt, vừa mới
được thành lập, trong niên khóa đầu tiên, do các linh mục dòng Tên hướng
dẫn.
Ngài thụ phong linh mục ngày 22 tháng 12 năm 1966 tại
Sàigòn, và sau đó Ngài đậu bằng Licentiate Thần Học khóa đầu tiên năm 1967, lần
đầu tiên được cấp phát tại Việt Nam.
Bài sai đầu đời linh mục của Ngài là làm Phó xứ chánh tòa
Phú Cam của Giáo phận Huế kiêm Hiệu trưởng trường Trung học Thánh Têrêsa, từ
năm 1967 cho đến mùa hè 1972. Cũng trong thời gian này, Ngài
đậu thêm Cử nhân Văn khoa tại Đại học Huế.
Ngài bắt đầu du học Hoa Kỳ năm 1974, và năm 1976 ngài đậu
Cử nhân và Cao học Tâm lý
Hướng dẫn tại Đại học St. Thomas College, Minnesota. Cũng trong
thời gian này Ngài kiêm nhiệm chức Tuyên uý cho các nữ tu dòng Nữ Tỳ Hèn Mọn của
Thiên Chúa (Little Sisters of the Poor) tại địa phương.
Từ năm 1978 đến 1984, Ngài đã đảm nhận chức vụ phó xứ tại
các Giáo xứ St. Mary Magdalen, All Saints, và Christ the King thuộc Tổng Giáo phận
Portland, Oregon.
Năm 1984, Ngài gia nhập Tổng Giáo phận Seattle, Tiểu
bang Washington, và đảm nhiệm chức phó xứ tại Giáo xứ St. Joseph, Vancouver.
Năm 1988, Đức Tổng Giám mục Seattle nâng Ngài lên
làm Chánh xứ St. James, cũng tại Vancouver, và Ngài giữ chức vụ này cho
đến năm 1999.
Năm 2000 ngài được cử làm Quản nhiệm Cộng đồng Công giáo Việt Nam Tổng Giáo phận Seattle cho đến năm 2006.
Thấy tuổi mình đã cao, ngài xin về hưu nghỉ việc quản trị
giáo xứ vào tháng 7 năm 2006 và tiếp tục hoạt động sứ vụ linh mục trong tuổi về
chiều.
Sở thích và Sinh hoạt Mục vụ
Không vướng bận với công việc quản trị giáo xứ nữa, Ngài
hăng hái tiếp tục giúp đỡ công tác mục vụ nhiều nơi. Cha Tôn thường hay nói đùa: “Mình chỉ là một Linh mục homeless (vô gia cư)”; nhưng trong thực tế Ngài đã chọn sống một cảnh hai quê. Mùa mát thì Ngài hăng say phục
vụ ở vùng đất hiền hòa Portland, Tiểu bang Oregon, phụ giúp Cha Phêrô Hoàng Thái Bình tại Xứ St. Stephen; và khi Portland bắt đầu lạnh thì Ngài xuôi nam vùng
Houston có nắng ấm, cộng tác với Cha Giuse Đoàn Đình Bảng ở Trung tâm Thánh Antôn, Houston, Texas.
Ngay từ khi còn bé, Cha Tôn đã yêu thích âm nhạc, nhất là
thánh nhạc. Ngài sáng tác và phát hành một số sách và
đĩa thánh ca được dùng phổ thông trong các cộng đồng Công Giáo Việt Nam, đặc biệt là tuyển tập “Cộng Đồng Cùng Hát” với sự hợp tác của một số linh mục bạn.
Từ khi du học ở Hoa Kỳ, ngài chú trọng nghiên cứu thêm về tâm lý giới trẻ và
thăng tiến hôn nhân gia đình. Ngài đã hướng dẫn và phụ giúp rất nhiều khóa Marriage
Encounter cho nhiều giáo xứ Mỹ. Cha Tôn đã chuyển dịch và viết một ít sách nhằm giúp đỡ các giai đoạn trưởng thành của con người và nâng đỡ hướng dẫn cuộc sống hôn nhân gia đình của các đôi vợ chồng trẻ. Thật
vậy, ảnh hưởng
mục vụ hôn nhân của ngài vẫn còn được ghi nhận trong nhiều Cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại.
Cha Tôn cũng đặc biệt quan tâm đến ơn thiên triệu tu trì.
Ngài đã âm thầm giúp đỡ nhiều cá nhân cũng như một số các cơ sở đào tạo linh mục và tu sĩ ở quê nhà; đồng thời ngài cộng tác với Cha Đoàn Đình Bảng trong các công cuộc bảo trợ và đào tạo ơn gọi tu trì tại một nhà ơn gọi ở Houston, Texas.
Còn một điều đáng để ý nữa là sau khi chính thức về hưu
năm 2006, Cha Tôn rất tha thiết đáp ứng đến các nhu cầu của anh em linh mục
trong tuổi hưu dưỡng. Ngài đã bàn thảo với nhiều anh em linh mục và nhất là với Cha Bảng, cố gắng quy tụ các linh mục lớn tuổi về cơ sở “Hành trình Tâm linh” tại Houston, nơi
mà nói theo kiểu của Ngài, luôn có nắng ấm hợp cho anh em linh mục mang dòng máu Việt và “thuận tiện mọi đàng cho các đấng” vì có đông người Việt Nam.
Nhưng, “nhân hoạch, thiên định”, mộng mới bắt đầu nở hoa,
chưa được trái chín, thì Chúa
đã gọi Ngài về nhà Cha để hợp lời
Magnificat với Mẹ và ca đoàn thần thánh chúc tụng danh thánh Chúa muôn đời trên Thiên quốc, cầu nguyện cho hoa quả khởi đầu của mình có ngày thành
trái chín, cũng như cầu nguyện cho tất cả chúng ta.
biên soạn: Lm Gioakim Lê Quang Hiền
Linh Mục Phêrô Hoàng Phượng
Tiểu sử:
Linh mục Phêrô Hoàng Phượng sinh năm 1961 tại thành phố Nha
Trang, Giáo phận Nha Trang, thuộc Giáo tỉnh Huế. Thuở nhỏ, sau bậc tiểu học, cậu
theo học với các sư huynh Dòng Lasan. Năm 1975, cậu theo gia đình di tản qua Mỹ
và tới định cư tại Tiểu bang Washington. Tại đây, cậu tham gia các sinh hoạt của
Cộng đồng Công giáo Việt Nam Tổng Giáo phận Seattle, và là thành viên của Ca
đoàn Cecilia. Năm 1986, sau khi tốt nghiệp đại học, người thanh niên đầy nhiệt
huyết này được Giáo phận Seattle gởi vào Đại Chủng viện St. Meinrad Archabbey ở
tiểu bang Indiana.
Ngày 10 tháng 6 năm 1989, Thầy Sáu Hoàng Phượng được tấn
phong linh mục bởi Đức Cha Raymond Hunthausen, Tổng Giám mục Seattle, tại nhà
thờ Chánh toà St. James. Sau khi thụ phong, Linh mục Phêrô Hoàng Phượng được cử
làm phó xứ các xứ St. Charles Borromeo ở Tacoma (1989-1992) và St. Mary
Magdalen ở Everett (1992-1995). Ngài được bổ nhiệm làm chánh xứ tại giáo xứ
Holy Family ở Auburn từ năm 1995 đến 2006.
Trong suốt thời gian ở giáo xứ Holy Family, Ngài cũng coi sóc cộng
đoàn Thánh Tâm, là một cộng đoàn trực thuộc Cộng đồng Công giáo Việt Nam của Tổng
Giáo phận Seattle. Được biết, cộng đoàn Thánh Tâm đã có những sinh hoạt rất
phong phú và đa dạng từ ngày Cha Hoàng Phượng về đây làm chánh xứ.
Đến năm 2006, Ngài được Đức Cha Alexander Brunett, Tổng Giám mục
Seattle, bổ nhiệm làm Tổng Đại diện cho Đức Cha lo mục vụ cho tập thể người
Công giáo Việt Nam cư ngụ trong giáo phận, đồng thời làm Quản Nhiệm Cộng đồng
Công giáo Việt Nam. Với hai chức vụ ấy, Ngài được giáo dân Việt Nam trong Cộng
đồng gọi chung là Tổng Quản của Cộng đồng. Từ năm 2011 đến nay, Ngài cai quản
hai giáo xứ St. Gabriel ở Port Orchard và Prince of Peace ở Belfair với tư cách
Linh mục Chánh xứ.
Công tác mục vụ:
Trong thời gian Cha Hoàng Phuợng đảm trách chức vụ Tổng
Đại diện (Episcopal Vicar) chăm sóc mục vụ cho giáo dân Công giáo Việt Nam
trong Tổng Giáo phận và làm Quản nhiệm Cộng đồng Công giáo Việt Nam tại đây,
Ngài đã đề ra những kế hoạch ngắn và dài hạn. Với sự giúp đỡ của các linh mục
và tu sĩ Việt Nam trong giáo phận cũng như sự hợp tác chặt chẽ của hàng ngũ
giáo dân, công tác mục vụ tại các địa phương được tiến triển một cách tốt đẹp.
Tại cộng đoàn La Vang (Bellingham), các linh mục trẻ như Cha Trần Phong Vũ, Cha
Nguyễn Quí Thạc – ngoài nhiệm vụ lo cho giáo xứ bản địa - đã hợp tác với Ngài
chăm sóc mục vụ cho giáo dân Việt Nam cư ngụ trong vùng. Tại cộng đoàn Trinh
Vương (Everett), Cha Tổng quản Hoàng Phượng và Cha Phụ tá Nguyễn Sơn Miên thay
phiên nhau lên cử hành lễ Chủ Nhật và ban các phép bí tích. Tại cộng đoàn Phêrô
(Southwest), công tác mục vụ lo cho giáo dân được giao cho Cha Trần Hữu Lân. Ở
cộng đoàn Thánh Tâm (Auburn), Cha Đào Xuân Thành, Quản xứ (Priest
Administrator) giáo xứ Philomena, cùng với hai cha từ trung tâm, giúp mục vụ
cho giáo dân tại đây mỗi Chúa Nhật. Cha Miên và Cha Phượng cũng thay phiên nhau
xuống Olympia mỗi 2 tuần một lần lo mục vụ cho cộng đoàn Thánh Martin de Pores.
Các cộng đoàn Long View và Vancouver thì ở quá xa về phía nam; trong 6 tháng
đầu, Cha Phượng đã thường xuyên xuống giúp và tìm hiểu nhu cầu. Sau đó, may mắn
có Cha Hoàng Bình, chánh xứ một giáo xứ miền Nam của Tổng Giáo phận Portland,
tình nguyện qua giúp công tác mục vụ cho giáo dân Việt Nam tại đây, nên Cha
Phượng cũng đỡ vất vả. Riêng tại cộng đoàn Thánh Giuse (Tacoma), Cha Nguyễn Anh
Tuấn, chánh xứ 6 giáo xứ bản địa, là người trực tiếp lo cho giáo dân tại đây.
Các cộng đoàn quanh trung tâm, như Fatima (North Seattle), Mông Triệu
(Bellevue) và Mân Côi (Central) thì trực tiếp sinh hoạt đều đặn tại trung tâm.
Sinh hoạt văn hóa và tu
đức:
Các lớp giáo lý và Việt
ngữ đã được đông đảo các em tham gia. Các sinh hoạt Công giáo Tiến hành, đặc biệt
là của các đoàn thể trẻ như ca đoàn, cũng rất sầm uất. Do nhu cầu của giới trẻ,
Cộng Đồng đã phải hợp đồng với giáo xứ Immaculate Conception trong tinh thần hỗ
tương để có thêm phòng ốc cho các em sinh hoạt, và qua hợp đồng này, Cộng Đồng
đã phải chi ra một ngân khoản khá lớn. Từ đó, Cha Tổng Quản và Hội đồng Mục vụ
cũng như các giới chức quan tâm đã không ngừng suy nghĩ về việc tìm mua cơ sở mới
hoặc mở mang trung tâm sao cho rộng đủ để giải quyết
nhu cầu phòng ốc, nhằm giúp các đoàn thể và giới trẻ sinh hoạt thoải mái, và Cộng
Đồng có được một ngôi thánh đường khang trang hơn. Rất tiếc, vào thời điểm ấy,
các yếu tố khách và chủ quan đã không thuận lợi để ước mơ ấy trở thành hiện thực.
Trong tinh thần muốn
giáo dân Việt Nam trong toàn Tổng Giáo phận có sự gắn bó với nhau trên tình tự
dân tộc và truyền thống tôn giáo tốt đẹp của cha ông, Cha Tổng Quản đã đặt ra
các chương trình huấn luyện giáo lý viên, tổ chức các buổi rước kiệu Đức Mẹ La
Vang chung, qui tụ các ca đoàn từ các cộng đoàn để thành lập ca đoàn tổng hợp
trong các dịp lễ lớn, và tổ chức các lớp học hỏi về hạnh các Thánh Tử đạo Việt
Nam, gương thánh của Đức cố Hồng y Nguyễn Văn Thuận. Từ các sinh hoạt đó, một
CD nhạc đạo do các ca đoàn phối hợp thực hiện đã được phát hành, và một quyển
kinh song ngữ đã được xuất bản nhằm giúp các em nhỏ dễ dàng trong lúc đọc kinh
tối cùng gia đình.
Đặc biệt là qua sự
trung gian của Cha Tổng Quản, Tòa Tổng Giám mục Seattle đã bảo trợ rất nhiều sơ
thuộc Dòng mến Thánh giá Gò Vấp qua Mỹ, vừa để các sơ học tập, tu đức, vừa để
các sơ phục vụ các cộng đoàn Việt Nam trong Giáo phận. Tại trung tâm, chương
trình Việt ngữ Đắc Lộ và sinh hoạt ca đoàn đã được phát triển và thăng tiến nhờ
sự hiện diện của các sơ, trong đó có Sơ Trần Thúy-Mai.
Tổ chức theo tinh thần
mới của Giáo Phận:
Khi Đức Tổng Giám mục
Brunett về cai quản địa phận, Ngài đã đưa ra một chỉ đạo mục vụ mới qua văn bản
‘Many Gifts, One Spirit’ (Nhiều Đặc Sủng, Một Thánh Thần: điều hành Hội Thánh
thông qua cách lãnh đạo tham vấn) thay thế cho văn bản ‘You Are the Branches’.
Để đáp ứng chỉ đạo này cũng như thi hành đúng đắn chức năng Tổng Đại diện
(Episcopal Vicar) cho Đức Cha lo mục vụ cho giáo dân Việt Nam trong Giáo phận,
Cha Phượng đã chỉ đạo việc soạn một văn bản để hướng dẫn tổ chức lại Cộng Đồng.
Bản văn có tên “Hướng dẫn về Tổ chức và Điều hành Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam
Tổng Giáo phận Seattle” đã được long trọng ban hành ngày 25 tháng 11 năm 2007
nhân lễ Kính các Thánh Tử đạo Việt Nam. (Xin
đọc thêm trong phần Lịch sử Cộng Đồng để biết thêm chi tiết về sự ra đời và nội
dung bản văn này).
Kết luận:
Nói chung, trong thời
gian Cha Phêrô Hoàng Phượng lãnh đạo Cộng Đồng, mặc dù có nhiều khó khăn, nhưng
với sự hợp tác của các linh mục và tu sĩ Việt Nam, cùng với tinh thần hoà đồng của
Cha khi làm việc với các giới chức, mọi trở ngại đều đã được vượt qua; và nhờ
đó, Cộng đồng Công giáo Việt Nam Tổng Giáo phận Seattle đã trưởng thành về nhiều
mặt, và đã ghi được một điểm son trong quá trình xây dựng và phát triển.
Phỏng
vấn và biên soạn: Lê Văn Thu và Phạm Xuân Vinh
Linh Mục Phụ Tá
Phanxicô Nguyễn Sơn Miên
Tiểu sử:
Linh Mục Phanxicô Nguyễn Sơn
Miên (tên khác: Francis Mien) sinh năm 1937 tại Nghệ An. Năm 12 tuổi, cậu Miên
theo học tại Chủng viện Vinh. Vài năm sau, cậu theo người bác ra Hà Nội qua ngã
Hải Phòng. Tại đây, cậu theo học tại trường Dũng Lạc do Cha Mai làm giám đốc;
trong thời gian này, cậu cố gắng trau dồi thêm tiếng Anh. Hơn năm sau thì vào Đồng
Hới và cậu lại chuyển qua học thêm tiếng Pháp với ước mơ qua Pháp tu tập. Đến
khi cậu sinh viên Miên vào trình diện Thủ tướng Ngô Đình Diệm năm 1954 để trình
bày ý nguyện thì Thủ tướng Diệm gạt phắt vụ đi Pháp, và bảo phải đi Mỹ, vì “Mỹ
... tốt hơn Pháp”.
Qua đến thành phố La Crosse,
Tiểu bang Wisconsin, Hoa Kỳ, thì cậu được một học bổng để học tại Chủng viện
Holy Cross. Cậu Chủng sinh Miên học tất cả 6 năm tại đây, trong đó 2 năm đầu là
để hoàn tất bậc trung học, 2 năm sau học “college” và 2 năm cuối học triết học
(philosophy). Vừa học xong thì Bề trên Nhà dòng gọi về nước để tu tập và giúp
chủng viện tại quê nhà. Đến năm 1961 thì cậu chính thức vào Đại Chủng viện Thánh
Giuse tại Saigon, là nơi qui tụ tất cả các chủng sinh thuộc các địa phận Nam Phần.
Đến năm 1965 thì Thày Sáu Nguyễn Sơn Miên được thụ phong linh mục.
Sau khi chịu chức linh mục
thì Cha Miên được cử về dạy trung học đệ nhất cấp ở Chủng viện Á Thánh Phụng
thuộc tỉnh Châu Đốc. Từ năm 1967 đến 1974, Ngài được cử về dạy trung học đệ nhị
cấp tại Chủng viện Thánh Têrêsa thuộc tỉnh Long Xuyên. Từ năm 1968 đến 1974,
Ngài được cử kiêm nhiệm tuyên úy phụ tá bên quân đội thuộc tỉnh An Giang. Trong
thời gian này, do vị linh mục tuyên úy Mỹ về nước, Cha Miên được đơn vị quân đội
Hoa Kỳ đóng tại An Giang nhờ chăm sóc mục vụ cho binh lính trong trại. Qua việc
giao hảo này, Chủng viện Thánh Têrêsa đã được đơn vị quân đội Hoa Kỳ đó giúp đỡ
rất nhiều, đặc biệt là vào các dịp Giáng Sinh hay Tết dương lịch, nên các chủng sinh đã có
được một cuộc sống tương đối thoải mái về vật chất.
Đến năm 1974, Ngài được qua
Mỹ tu học thêm một năm, nhưng mới chỉ được 9 tháng thì Bề Trên lại gọi về. Chỉ
.... hai tuần sau, miền Nam mất, và Ngài khăn gói lên đường .... đi “học tập cải
tạo”. Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận đã trải 13 năm trong tù cải
tạo, thì Chúa cũng thử thách Cha Phanxicô Nguyễn Sơn Miên một thời gian tương tự:
Ngài đã lê gót đi khắp cả chục nhà tù của Cộng sản, trong đó có cả khám Chí
Hoà! Ra khỏi tù năm 1988, Ngài phải trở về sống cùng người em ở Bình Giả, vì
chính quyền tại Long Xuyên không chịu cấp hộ khẩu cho Ngài. Sống với người em
được 5 năm thì Ngài được di cư qua Mỹ theo diện HO năm 1993.
Qua Mỹ, Ngài trở về La
Crosse, nhưng ở đây lúc đó không có nhu cầu mục vụ, Ngài được phép Đức Giám mục
sở tại cho nghỉ hai tháng. Nhân cơ hội này, Ngài khăn gói quả mướp đi khắp nơi
tìm hiểu “dân tình”. Lúc ấy, Cha già Trọng cho biết ở Giáo xứ Holy Family vùng
Southwest Seattle có một số đồng hương người Vinh, và gợi ý Cha Miên nên xin về
đây phục vụ. Khi Cha Miên đến trình diện Toà Tổng Seattle năm 1994 thì được cắt
cử về một giáo xứ Mỹ ở Vancouver làm phó xứ. Năm sau, 1995, Ngài được bổ nhiệm
làm phụ tá cho Linh mục Quản nhiệm Trần Đức Phương, coi sóc Cộng đồng Công giáo
Việt Nam Tổng Giáo phận Seattle. Từ đó đến ngày Cộng Đồng giải thể, và giáo xứ thể nhân được
thành lập, Ngài tiếp tục làm linh mục phụ tá.
Các công tác mục vụ:
Khi mới về phục vụ Cộng Đồng,
Cha Nguyễn Sơn Miên được Linh mục Quản nhiệm Trần Đức Phương cử làm linh hướng
cho tất cả các đoàn thể Công Giáo Tiến Hành, đồng thời đến các cộng đoàn địa
phương vào những ngày Chủ Nhật để lo mục vụ cho giáo dân Việt Nam. Với vai trò
này, Ngài đã đi đến nhiều cộng đoàn để thi hành sứ mạng tông đồ, và đó là điều
mà Ngài cảm thấy thật hạnh phúc, vì tính Ngài vốn thích đi lại. Với vai trò
linh hướng hay linh giám, Ngài đã có nhiều cơ hội làm việc với các giới chức
lãnh đạo các đoàn thể, và thấy ở họ nhiều đức tính quí báu, cũng như thấy rõ hiệu
quả của công tác tông đồ giáo dân. Qua các đoàn thể như Liên minh Thánh Tâm,
Tông đồ Fatima, và đặc biệt là Legio Mariae, Ngài đã có được rất nhiều cơ hội đến
thăm những người mà Đạo Chúa cần cho họ nhất: đó là những người đang gặp khó
khăn về sức khỏe, về tâm lý, về gia đình, v.v.. Ngài cũng nhận thấy các đoàn thể
Công Giáo Tiến Hành rất cần có linh mục làm linh hướng để giúp các đoàn viên
hay hội viên thăng tiến về đức tin và hạnh thánh. Đến thời Cha Hoàng Phượng làm
Tổng Quản, Cha Miên xin chỉ giữ việc coi sóc đoàn Thiếu nhi Thánh Thể. Lý do là
Cha vốn thích sinh hoạt với thiếu nhi, và cũng là vì khi làm việc với đoàn thể
này, Cha thấy các em tổ chức rất quy củ, có hệ thống, nên dễ giao tiếp và điều
hành. Lý do nữa là .... các em vốn có tính hồn nhiên, thẳng thắn, mà Cha thì lại
rất thương quý hai đức tính này.
Cha đã làm Tuyên úy miền Tây
Bắc cho đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể liên tiếp hai khoá, nay chỉ còn làm cố vấn
theo đúng Nội quy Đoàn, mặc dù Cha Tuấn, Tổng Tuyên uý Phong trào TNTT, vẫn muốn
Ngài tiếp tục làm thêm nhiệm kỳ thứ ba.
Với vai trò linh mục phụ tá
cho các linh mục quản nhiệm và chính xứ, Ngài luôn luôn cố gắng chu toàn trách
nhiệm được giao phó trong nhân đức vâng lời. Khi được hỏi ý kiến, Ngài sẵn sàng
đóng góp. Nhưng khi không được hỏi ý kiến, Ngài cũng không lấy thế làm buồn, vì
Ngài quan niệm là mỗi cha đều có quan điểm lãnh đạo và phương cách điều hành
riêng.
Một số kinh nghiệm về lãnh đạo:
Khi được nhóm phóng viên xin
Cha chia sẻ kinh nghiệm, Cha Phụ tá đã thẳng thắn đưa ra các nhận định sau:
- Linh mục lãnh đạo nào coi trọng việc hợp tác với giáo dân, coi họ
như những người đồng hành đáng tin cậy để chịu khó hỏi ý kiến họ, cha ấy sẽ được
giáo dân thành tâm cộng tác, và Cộng Đồng hay Giáo xứ sẽ phát triển mọi mặt.
Trong lịch sử của Cộng Đồng và Giáo xứ, hẳn ai cũng thấy rõ điều đó;
- Đa số các giới chức rất nhiệt tâm và chân thành; nếu họ được mời
gọi tham gia vào công tác lãnh đạo và điều hành Cộng đồng hay Giáo xứ thì chắc
chắn họ sẽ đem hết năng lực ra phục vụ. Sự mời gọi và hợp tác này lúc nào cũng
đi đúng giáo huấn của Công Đồng Vaticano Đệ Nhị, và hướng dẫn của Tổng Giáo phận
trong cả hai văn bản You Are The Branches và Many Gifts One Spirit;
- Làm công tác lãnh đạo cần khiêm tốn, vì càng khiêm tốn càng nổi
bật.
Chia sẻ suy nghĩ về tương
lai của Giáo xứ:
Không thuận lợi: Khi Giáo xứ dọn về địa điểm
mới ở Tukwila, một số các vị lớn tuổi ở vùng downtown và một số giáo dân ở phía
bắc Seattle không được vui lắm vì trở ngại đường xá. Cha Phụ tá rất thông cảm với
họ. Thế nhưng, khi nghe tin một số giáo dân ở phía bắc đang tìm cách dọn nhà về
quanh khu vực mới của Giáo xứ, Ngài cảm thấy rất vui. Ước gì, các giáo dân
khác, trong hoàn cảnh cho phép, cũng tìm cách dọn nhà như thế thì tương lai của
Giáo xứ sẽ đầy hứa hẹn
và vững bền.
Thuận lợi: Với địa điểm mới, Giáo xứ ở cách biệt
hẳn khỏi khu dân cư. Từ đó, việc giữ đạo của người Việt Nam mình được yên tĩnh
hơn, thoải mái hơn và thánh thiện hơn. Ngoài ra, các buổi rước kiệu truyền thống
của Giáo xứ sẽ được diễn ra trang nghiêm hơn, và ... sẽ rất đẹp vì trung tâm của
mình có con đê uốn khúc bên dòng sông thơ mộng. Ngoài ra, khi về địa điểm mới,
Giáo xứ sẽ có cơ hội phục vụ một số giáo dân ở vùng nam như Kent, Des Moines,
Renton, Auburn, Federal Way, SeaTac, v.v.. Nhớ lại, trong thời gian tìm kiếm địa
điểm, nếu như mình thành công trong các vụ mua bán đất đai ở miền Nam Seattle
thì Giáo xứ đâu có được một cơ sở rộng rãi, đẹp đẽ, và tốt lành như thế này.
Ngoài ra, chỉ cần bỏ ra một
thời gian ngắn, với một số tiền không lớn, chúng ta đã có được một ngôi nhà thờ
tạm, rộng rãi và khang trang hơn ngôi nhà thờ cũ trên đường Fir.
Ngài nói: Đúng là ý Chúa, và
ý dân là ý Trời.
Phỏng vấn và biên soạn:
Phạm Xuân Vinh và Lê Văn Thu
No comments:
Post a Comment