Tuesday, April 18, 2017

LỊCH SỬ GIÁO XỨ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM TGP SEATTLE



Trong phần này, xin đọc:
1.       Lịch sử Giáo xứ các Thánh Tử đạo Việt Nam Seattle
2.       Tiểu sử Linh mục Chính xứ Gioakim Đào Xuân Thành

Giáo xứ các Thánh Tử đạo Việt Nam
Tổng Giáo phận Seattle – giai đoạn thứ nhất

1.      Thành lập Giáo xứ Thể nhân:

Lịch sử Giáo xứ các Thánh Tử đạo Việt Nam Tổng Giáo phận Seattle gắn liền với quá trình phục vụ các giáo xứ trong địa phận của Linh mục Gioakim Đào Xuân Thành. 

Thật vậy, khi Đức Tổng Giám mục Alexander Brunett ký sắc lệnh nâng Cộng đồng Công giáo Việt Nam Tổng Giáo phận Seattle (gọi tắt là Cộng Đồng) lên hàng giáo xứ (giáo xứ thể nhân) ngày 19 tháng 11 năm 2010 thì cũng là ngày Ngài bổ nhiệm Cha Đào Xuân Thành, lúc ấy đang làm Quản xứ (Priest Administrator) của Giáo xứ St. Phelomena, Des Moines, về làm chính xứ tiên khởi cho Giáo xứ các Thánh Tử đạo Việt Nam của Địa phận. 

Đây là một tin vui, thật vui, cho tập thể giáo dân Công giáo Việt Nam cư ngụ trong Giáo phận, vì niềm mơ ước từ lâu có được một giáo xứ riêng của họ đã trở thành hiện thực. 

Đối với nhiều cộng đoàn dân Chúa di cư trong nước Mỹ nói riêng, và trên thế giới nói chung, việc được giáo phận địa phương thiết lập giáo xứ thể nhân để các tập thể di dân ấy phát triển và sống đời sống đức tin theo bản sắc văn hoá riêng là một hạnh phúc vô cùng to lớn Chúa ban. Tập thể di dân Công giáo Việt Nam tị nạn cộng sản, từ những người phải lìa bỏ quê hương vào cuối tháng Tư năm 1975 đến những người liều chết vượt biên trên các con thuyền mỏng manh của các thập niên 80-90, từ những người thoát ra nước ngoài qua diện HO đến những người di cư qua các chương trình đoàn tụ, ai nấy đều vui mừng khi thấy nếp sống văn hoá tốt đẹp của tổ tiên còn được gìn giữ, và lòng trung kiên cũng như truyền thống giữ đạo sốt sắng của các bậc cha ông vẫn được tiếp tục phát huy nơi quê người, không những trong thế hệ của mình bây giờ mà còn trong các thế hệ con cháu sau này.

Nhìn rõ niềm hạnh phúc và thấu hiểu các thao thức ấy nơi tập thể giáo dân, các giới chức lãnh đạo Cộng đồng Công giáo Việt Nam tại miền tây Tiểu bang Washington trước đây cũng như Giáo xứ hiện nay - từ các linh mục tuyên úy, quản nhiệm, chính xứ, đến các chức sắc thuộc thành phần giáo dân - đều đã nỗ lực phát huy mọi sáng kiến, vận dụng mọi nguồn nhân và vật lực để xây dựng và phát triển, tạo cơ hội để mọi giáo dân - từ già đến trẻ - đều được tham gia tích cực vào đời sống chung của cộng đoàn giáo xứ.

Cơ hội phát triển của cộng đoàn giáo xứ đã như được chắp cánh khi Cộng Đồng được nâng lên hàng giáo xứ và Cha Đào Xuân Thành được bổ nhiệm về làm chính xứ tiên khởi. Trong thời gian mới về, Cha tân Chính xứ đã được các giới chức lãnh đạo trong Uỷ ban Thường vụ Cộng Đồng đương thời (1), từ Ông Chủ tịch kỳ cựu Phạm Ngọc Tuyền, đến các thành phần trẻ trung như các anh Nguyễn Kiên, Nguyễn Lân, Vũ Hoàng Trực, và nhiều vị khác, giúp đỡ tận tình để Ngài sớm nắm vững được các lề lối sinh hoạt rất đặc biệt của tập thể giáo dân Việt Nam cũng như thực trạng của các cơ sở vật chất mà Giáo xứ hiện có.

2.      Cái nhìn mới về tương lai Giáo xứ:
Ngày 14 tháng Tám năm 2011 là ngày mà các tân Hội đồng Mục vụ (2) và Hội đồng Tài chánh (3) được thành hình sau khi Uỷ ban Thường vụ của Cộng Đồng nói trên kết thúc nhiệm kỳ. Hai tân Hội đồng quy tụ nhiều anh chị trẻ đầy nhiệt huyết. Họ đã cùng với Cha Chính xứ lo toan mọi việc, từ suy tư về tương lai Giáo xứ đến bàn bạc kế hoạch phát triển cơ sở. Cả Cha Chính xứ lẫn các giới chức lãnh đạo thuộc thành phần giáo dân đều quan niệm rằng giới trẻ là tiềm năng phát triển và sống còn của Giáo xứ, nên mọi nỗ lực phải dồn vào việc giáo dục, đào tạo và phục vụ giới trẻ ngay từ bây giờ. Làm sao để các em nhìn thấy Giáo xứ quan trọng đối với đời sống đức tin cũng như sinh hoạt văn hoá truyền thống dân tộc của họ, đồng thời Giáo xứ cũng cần họ dấn thân phục vụ và đóng góp vào công cuộc xây dựng và phát triển để Giáo xứ bền vững lâu dài. Muốn phục vụ giới trẻ - vốn càng lúc càng đông trong gia đình Giáo xứ - mọi người phải nghĩ đến một cơ sở rộng rãi hơn, nơi có đủ phòng ốc để các em sinh hoạt trong không khí ấm cúng và thân tình, vì như các em tâm sự: khi qua sinh hoạt tạm tại Giáo xứ Immaculate Conception trên đường 18, các em có cảm giác lạc lõng, xa lạ, mặc dù đó là nơi mà Cộng Đồng của mình đã từng gắn bó trong những ngày đầu tiên mới tới Mỹ, vì ở đó cộng đoàn giáo xứ bản địa vẫn sở hữu, và mình chỉ là người “ăn nhờ ở đậu”! Cha và các giới chức lãnh đạo cũng nghĩ đến các thành phần giáo dân khác, đặc biệt là các vị cao niên, mỗi khi xong lễ, ai nấy lủi thủi đi về vì không có chỗ để cùng nhau ngồi lại hàn huyên tâm sự. Với tình trạng hạn hẹp về đất đai của Giáo xứ lúc ấy, việc xây cất một thánh đường mới đủ rộng và một trung tâm sinh hoạt đủ phòng ốc hầu như bất khả thực hiện, chưa kể đến vấn nạn đậu xe.

Cuối cùng, sau nhiều đắn đo nhưng với tinh thần ‘bứt phá’, Cha Chính xứ và hai Hội đồng quyết định phải nghĩ đến việc tìm địa điểm mới để xây dựng và phát triển Giáo xứ. Sự việc được trình lên Đức Tổng Giám mục Brunett ngày 21 tháng Tám năm 2011. Sau khi được Ngài chấp thuận, cha Chính xứ và “Ban đặc nhiệm” gồm các anh Nguyễn Kiên, Đỗ Văn Tuyến, Nguyễn Ngọc Lân, Trần Đình Thọ trong Hội đồng Mục vụ và anh Vũ Hoàng Trực trong Hội đồng Tài chánh đã cùng nhau bắt tay ngay vào việc. Công tác tìm địa điểm mới không phải là chuyện đơn giản; nó liên quan đến nhiều vấn đề: 

a.      Đường xá: Làm sao không xa nhà thờ cũ để mọi người, nhất là các vị cao niên cư ngụ quanh nhà thờ cũ, không phải đi xa quá;
b.      Vị trí: Làm sao thích hợp cho một nơi thờ phượng, xa hẳn chỗ xô bồ thiếu an ninh, và không bị gò bó bởi các điều kiện của khu dân cư đông đúc;
c.       Diện tích: Làm sao rộng rãi để phục vụ đầy đủ các nhu cầu thờ phượng và sinh hoạt của giáo dân, từ người già đến trẻ em, lúc hiện tại cũng như trong tương lai;
d.      Giá cả: Làm sao vừa túi tiền để giáo dân không phải đóng góp quá nhiều;
e.      Tiện dụng cấp thời: Làm sao có nơi cho giáo dân thờ phượng và sinh hoạt ngay mà không phải đi “tá túc” tại nơi khác trong khi chờ đợi việc xây cất nhà thờ mới.


3.      Tậu mãi cơ sở mới:
Như một ơn sủng đặc biệt, nhờ Chúa Thánh Thần soi sáng và tác động, Cha Chính xứ và các anh trong Ban Đặc nhiệm nói trên đã tìm được địa điểm hiện nay, toạ lạc tại 6481 S. 180th St., Tukwila, WA 98118, sau cả hàng chục lần xuất quân đến những địa điểm gần xa, thương thảo với các đối tác, suy đi tính lại, hỏi ý kiến rộng rãi tập thể giáo dân qua hai buổi họp lớn cũng như trong các thánh lễ cuối tuần. Địa điểm hiện nay đã đáp ứng được cả 5 điều kiện trên. 

Kết quả được trình lên văn phòng Tổng Giáo phận ngày 13 tháng 12 năm 2012, và vào dịp Giáng Sinh cùng năm thì Đức Tổng Giám mục chấp thuận cho tiến hành các thủ tục tậu mãi. Cơ sở mới được mua với giá năm triệu chín trăm ngàn đôla ($5.900.000), và Giáo xứ chính thức làm chủ vào ngày 6 tháng 2 năm 2013.

Sau nhiều công sức vận động và tiến hành các thủ tục hành chánh cần thiết, vào tháng Mười năm 2013, chính quyền Thành phố Tukwila đã cấp giấy phép để Giáo xứ chính thức chỉnh trang, biến toà nhà bỏ trống hoang vu thành một trung tâm thờ phượng và sinh hoạt khang trang rộng rãi. Với sự góp tay của hàng trăm thiện nguyện viên, Giáo xứ đã xây cất xong một nhà thờ tạm có sức chứa 850 người, và di chuyển tất cả các thánh tượng, bàn thờ, và đồ đạc về cơ sở mới trong thời gian ngắn nhất. Sau này, nhờ hệ thống truyền hình được gắn trong hội trường bên ngoài nhà thờ, trong các thánh lễ lớn, Giáo xứ vẫn có thể phục vụ hàng trăm giáo dân khác ngoài con số 850. Cũng phải cám ơn lòng rộng rãi của rất nhiều mạnh thường quân qua việc họ tặng Giáo xứ hàng ngàn chiếc ghế mới tinh, vừa đẹp vừa êm, cũng như nhiều phương tiện khác.

Nhà thờ đã được thánh hiến bởi Đức Tổng Giám mục Peter Sartain ngày 30 tháng Giêng năm 2014 với sự tham dự của rất nhiều quan khách, từ Giáo quyền đến Chính quyền, và các linh mục tu sĩ, cũng như hàng ngàn giáo dân Việt Nam khắp nơi nô nức đổ về.

Sau đó, các thiện nguyện viên tiếp tục sửa chữa và ngăn phòng để có chỗ đủ cho mọi đoàn thể, đặc biệt là các em thiếu nhi, sinh hoạt và hội họp. Giáo xứ cũng thiết kế một nhà bếp cấp thương mại có sức phục vụ hàng trăm thực khách vào cuối tuần nhằm cung ứng nhu cầu ẩm thực của giáo dân cũng như gây quỹ cho Giáo xứ.

Không ai có thể ngờ được là từ một nhà kho bỏ phế, các thiện nguyện viên đã biến nó thành một nơi thờ phượng khang trang và đúng nghĩa. Cũng không ai có thể ngờ được là từ một cơ sở ít giá trị, chỉ có các phòng trống thô sơ, mà qua các bàn tay thiện nguyện của mọi thành phần giáo dân, tám trăm em đã có đầy đủ phòng ốc để sinh hoạt. Cũng không ai có thể ngờ được là sau các thánh lễ, mọi người đã có chỗ ngồi lại để ăn uống và hàn huyên tâm sự, tăng thêm tình thân ái. 

Và một điều ít ai để ý: hàng chục thiện nguyện viên khác ngày đêm đến trung tâm lau chùi, dọn dẹp bên trong, và chăm sóc cây cảnh bên ngoài. Nhờ thế mà trung tâm và thánh đường của Giáo xứ lúc nào cũng sạch sẽ, gọn gàng và đẹp mắt. 

Tất cả các thiện nguyện viên ấy đã đến làm - hy sinh từ thời giờ đến công sức - mà không hề đòi hỏi phải được biết đến tên, phải được tuyên dương trước công chúng. Họ đã sống Phúc Âm và xứng đáng là những người con của Chúa và của Giáo hội.

Nhờ cơ sở rộng rãi, các lễ hội, các sinh hoạt bốn mùa, các hoạt động gây quỹ đều đã được tổ chức rôm rả và thoải mái.

Một điều thật vui nữa cho Giáo xứ là vào tháng Giêng năm 2014, một ngôi nhà khang trang với 5 phòng ngủ, rộng hơn 3300 sf, tọa lạc tại số 4045 S. 170th St., thành phố SeaTac, WA 98188, đã được Giáo xứ tậu mãi làm nhà xứ (rectory). Ngôi nhà này khá rộng, không những đủ chỗ cho quý linh mục lãnh đạo cư trú, mà còn là nơi để các cha khách có chỗ nghỉ ngơi mỗi khi các ngài về giảng phòng cho giáo dân. Nó cũng có phòng sinh hoạt và phòng ăn thoải mái. Phía sau đất rất rộng với nhiều cây xanh tạo nên khoảng không gian thoáng mát. Nhà xứ cách trung tâm sinh hoạt của Giáo xứ hơn 2 dặm, chỉ mất 5 phút lái xe; thật là thuận tiện!
4.      Dự kiến xây dựng và phát triển:
Để đáp ứng nhu cầu phục vụ cho 1650 gia đình đã ghi danh gia nhập Giáo xứ, cũng như cung cấp đủ chỗ cho các đoàn thể - và nhất là các em - sinh hoạt cuối tuần, cơ sở phải được xây dựng lại. Kế hoạch xây dựng đòi hỏi nhiều suy tư, nhiều tính toán: làm sao phải có ít nhất 60 lớp học cho các em là bước khởi đầu; làm sao phải có đủ các phòng họp, phòng sinh hoạt cho các đoàn thể và giáo dân là bước kế tiếp; làm sao phải có phòng hành chánh để các nhân viên làm việc thoải mái và để hồ sơ được lưu trữ an toàn; và sau cùng là làm sao phải xây được một ngôi thánh đường khang trang, có nét văn hoá truyền thống Việt, và đủ sức chứa 1200 giáo dân trong mỗi thánh lễ cuối tuần.

Với số tiền phát mại cơ sở cũ được gần bảy triệu đô la, trừ đi chi phí mua cơ sở mới này khoảng năm triệu chín trăm ngàn đô la ($5.900.000), cộng với số tiền đã quyên góp được từ giáo dân và các nhà hảo tâm, quỹ Giáo xứ hiện có khoảng sáu triệu đô la ($6.000.000) được lưu giữ trong Quỹ Liên xứ, việc tái thiết cơ sở tạm hiện nay để biến nó thành một trung tâm sinh hoạt đa diện cùng với một thánh đường trang nghiêm hẳn đã có một số điều kiện thuận lợi căn bản. 

Thế nhưng, khó khăn vẫn còn nhiều trước mặt, nhất là về phương diện tài chính. Giáo xứ cần lời cầu nguyện liên lỉđóng góp rộng rãi của mọi người, từ giáo dân trong Giáo xứ đến các nhà hảo tâm có lòng kính Chúa và mến các Thánh Tử Đạo Việt Nam trên khắp thế giới.

biên soạn: BS Lê Văn Thu
với sự hợp tác của quý vị
Chủ tịch Hội đồng Mục vụ Nguyễn Văn Kiên
và Chủ tịch Hội đồng Tài chính Vũ Hoàng Trực.

***

Cha Gioakim Đào Xuân Thành
Linh mục Chính xứ tiên khởi và đương nhiệm

Tiểu sử:
Cha Gioakim Đào Xuân Thành sinh ngày 10 tháng Tư năm 1966 tại Hà Thanh, Thừa Thiên-Huế. Năm 1968, theo cha mẹ tản cư ra Huế sau vụ Tết Mậu Thân. Tại Huế, cậu lần lượt theo học tại trường Tiểu học Việt Hương, Trung học Quốc Học và Đại học Sư Phạm. Ngay từ thuở thiếu thời, cậu đã có ý định đi tu. Sau này, khi tiếp xúc trò chuyện với một thày bị chế độ cộng sản bắt phải hoàn tục ở nhà bên cạnh, ước nguyện ấy lại càng được thôi thúc, dù cậu đã là một thanh niên. Cậu mang ý định ấy trình với Cha Nguyễn Hữu Giải và Cha Thắng Lợi, và được Cha Giải, Bề trên coi sóc chủng sinh ngoại trú, chấp thuận cho gia nhập nhóm “tu chui” của Cha. Các thày không được nhập tu viện, vì thời ấy, chế độ mới không chấp nhận cho các dòng thâu nhận chủng sinh. Việc tu học rất khó khăn vì nhóm tu chui ấy không thể biết trước được địa điểm tụ tập để tu học vì sự theo dõi của chính quyền địa phương. Vì thế, các thày của Đại chủng viện đã phải tới các địa điểm tu tập lưu động ấy để giảng dạy. Các chủng sinh cũng được các cha trực tiếp hướng dẫn qua các buổi tĩnh tâm. Với sự kiên trì, việc tu chui của thày Thành kéo dài được tới 4, 5 năm. Đến ngày 18 tháng 7 năm 1995 thì thày theo cha mẹ định cư tại Hoa Kỳ qua chương trình HO (HO 38). HO là một chương trình nhân đạo mà chính quyền Hoa Kỳ dùng để giúp tái định cư các cựu tù nhân cải tạo lâu năm của chế độ cộng sản Việt Nam.
Đến Seattle, Thày Thành liên lạc ngay với văn phòng phụ trách ơn gọi của Toà Tổng giám mục địa phận, đồng thời gia nhập Nhóm Hoan Thiện của Sơ Annê Lê Thị Lý. Qua các liên hệ này, Thày được nhận vào Chủng viện Mount Angel ở tiểu bang Oregon năm 1996. Sau khi lấy xong văn bằng cử nhân Bachelor of Art, Thày được gởi đến Đại chủng viện St. Patrick (St. Patrick's Seminary & University, Menlo Park, California) để tiếp tục tu học.
Việc tu học được suông sẻ như ý nguyện, và Thày thụ phong linh mục ngày 7 tháng Sáu năm 2003 dưới sự đặt tay của Đức Tổng Giám mục Alexander Brunett.
Sau khi thụ phong linh mục, Cha Thành được cử làm phó xứ các giáo xứ St. Anthony ở Renton (3 năm) và St. Vincent de Paul ở Federal Way (1 năm), rồi làm quản xứ (Priest Administrator) giáo xứ St. Philomena ở Des Moines (3 năm). Trong thời gian làm việc tại các giáo xứ này, Ngài cũng thường xuyên qua chăm sóc mục vụ cho giáo dân Việt Nam thuộc cộng đoàn Thánh Tâm ở Auburn. Đến ngày 5 tháng 11 năm 2010 thì Ngài được bài sai làm Chính xứ Giáo xứ các Thánh Tử đạo Việt Nam thuộc Tổng Giáo phận Seattle; Thầy chính thức nhận nhiệm sở ngày 19 tháng 11, là ngày Giáo xứ được chính thức thành lập. Đây là một giáo xứ thể nhân (còn gọi là tòng nhân) của người Việt Nam thuộc Giáo phận, vừa được Đức Tổng Giám mục Alexander Brunett thành lập, nên Cha Gioakim Đào Xuân Thành là vị chính xứ đầu tiên. Tưởng cũng nên nhắc là có một sự trùng hợp kỳ diệu: Cha Gioakim Lê Quang Hiền là vị Tuyên úy tiên khởi của Cộng đồng Công giáo Việt Nam Tổng Giáo phận Seattle, và Cha Gioakim Đào Xuân Thành là vị Chính xứ tiên khởi của Giáo xứ Việt Nam tại địa phận này. Cả hai vị đều mang tên Thánh Gioakim. Thánh Gioakim là chồng của Thánh Anna, và là thân phụ của Đức Mẹ.

Công tác mục vụ và tu đức:
Khi về đảm nhận chức vụ chính xứ, Cha Thành tiếp tục các công tác mục vụ của các linh mục lãnh đạo tiền nhiệm, như tổ chức tĩnh tâm, duy trì và thăng tiến các sinh hoạt của Thiếu nhi Thánh thể, kiện toàn các lớp giáo lý và Việt ngữ. Ngài đặc biệt chú trọng đến sinh hoạt của giới trẻ, vì giới trẻ là tương lai của Giáo xứ. Muốn cho các em có một căn bản vững chắc hơn về giáo lý để giữ và sống đạo sốt sắng, Cha Thành đã nghĩ đến việc tăng số năm học giáo lý cho các em trước khi nhận lãnh bí tích Thêm sức: thay vì chỉ dạy giáo lý vỡ lòng cho các em xưng tội rước lễ lần đầu, và giáo lý thêm sức cho các em tới tuổi lãnh nhận bí tích Thêm sức, Cha muốn các em phải được học giáo lý liên tục 12 năm. Chương trình này sẽ được tổ chức kiểu tiệm tiến: tăng số năm học lên từ từ, khởi đầu là 1 năm, rồi các em ấy sẽ tiếp tục học tiếp các năm 2, năm 3, v.v. Cha và Hội đồng Mục vụ sẽ tổ chức các buổi sinh hoạt chia sẻ đức tin, tạo cơ hội cho các em tham gia công tác phụng vụ hàng tuần, tổ chức thánh lễ cho giới trẻ hàng tháng, tổ chức các trại hè Tin Yêu. Phụ huynh cũng được khuyến khích tham gia vào công tác tổ chức và điều hành các chương trình này để có cơ hội gần gũi với con cái hơn, và khỏi phải ... lang thang không biết làm gì khi con em tham gia sinh hoạt ở nhà thờ. Cả ba chương trình giáo lý, Việt ngữ và sinh hoạt Thiếu nhi Thánh thể sẽ được tổ chức vào nội một ngày thứ Bảy, theo sau là thánh lễ cho các em, để tránh cho phụ huynh không phải đưa con em đến trung tâm nhiều lần trong tuần.
Cha Chính xứ cũng quan tâm đến việc dạy Việt ngữ, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc trong giới trẻ để duy trì nếp sống truyền thống Việt trong các em. Có giữ được nếp sống văn hóa truyền thống dân tộc trong các em, để các em nhận ra được nguồn gốc của mình, thì các em mới tha thiết đến việc nuôi dưỡng Giáo xứ - là giáo xứ của cha ông và cũng là của chính các em - về lâu về dài, từ thế hệ này qua thế hệ kia. Việc dạy Việt ngữ sẽ được lồng trong việc dạy giáo lý để đơn giản hoá công việc và tránh áp đặt quá nhiều chương trình lên các em.
Cha cũng lưu tâm đến các sinh hoạt tu đức trong thành phần giáo dân đã trưởng thành, có gia đình. Gia đình Nazarett sẽ gia tăng hoạt động trong công tác hướng dẫn các thành viên về cách thức giáo dục con cái, biết phục vụ lẫn nhau và phục vụ giáo xứ. Cha cũng mong muốn các đoàn thể Công giáo Tiến hành, khi làm việc phục vụ Giáo xứ và phục vụ tha nhân, biết hỗ trợ lẫn nhau. Các lớp giáo lý đức tin dành cho người lớn cần được tổ chức theo một lịch trình không chồng chéo lên nhau, để giảm thiểu việc thiếu phòng ốc và thiếu chỗ đậu xe.
Cha cũng lưu tâm đến thành phần giáo dân đứng tuổi, kể cả các người đã lớn tuổi mà còn độc thân, và dự tính làm một cái gì đó cho nhóm này. Đối với những người cao niên, đã đóng góp công sức và tâm huyết cho Cộng đồng và Giáo xứ trong quá khứ, Ngài cũng muốn Giáo xứ phải quan tâm đến các nhu cầu tâm linh của các cụ. Ngài cũng không quên nhắc đến các hội đoàn khác, trong đó có hội Giúp lễ, hội Phục vụ nhà Chúa, là những hội thường xuyên đóng góp công sức vào các công tác phụng vụ và phục vụ.
Về Thánh Thể, Cha sẽ tổ chức giờ chầu vào mỗi chiều thứ Năm hàng tuần, trước thánh lễ.

Vài chia sẻ của Cha Chính xứ về việc tìm kiếm cơ sở mới cho Giáo xứ:
Do nhu cầu sinh hoạt của các hội đoàn - đặc biệt là Thiếu nhi Thánh thể cũng như các lớp giáo lý và Việt ngữ - càng ngày càng tăng, mà việc sửa chữa hay thay đổi hiện trạng của trung tâm cũ hầu như không thể thực hiện. Các em khi qua sinh hoạt tạm tại nhà thờ Immaculate Conception trên đường 18 thường tâm sự là không thấy thoải mái; các em có cảm giác như lạc vào một xứ lạ, thiếu không khí ấm cúng của một gia đình. Chính những tâm tình và khát vọng của các em đã thôi thúc Cha Chính xứ và Hội đồng Mục vụ cũng như các giới chức khác phải xúc tiến ngay việc tìm một địa điểm mới thích hợp hơn, rộng rãi hơn, đầy đủ tiện nghi hơn, và đáp ứng được yêu cầu của Toà Tổng về phương diện an toàn (thường quá tải và nhiều nguy cơ hoả hoạn tại nhà thờ cũ).
Ban đặc nhiệm lo cho công tác này đã trải biết bao thời gian tìm tòi địa điểm, nghiên cứu các yếu tố liên quan, từ giá cả, diện tích, thuận lợi, an toàn, đến khả năng sử dụng trong tương lai của cơ sở mới. Cuối cùng, mọi người thở phào khi tìm được địa điểm hiện nay: giá rẻ gấp đôi mà diện tích sử dụng lại rộng gấp bội. Nó lại tọa lạc ở ngay giao điểm của các xa lộ chính I-5, I-405 và SR-167. Nó cũng có một phòng khá rộng, có thể sửa chữa và nâng cấp thành một thánh đường tạm để sử dụng ngay, trong khi chờ đợi thời cơ để xây được ngôi thánh đường chính thức theo đúng sở nguyện của mọi con dân Công giáo Việt Nam trong vùng. Việc dọn về địa điểm mới lúc đầu cũng gây cho một số giáo dân, nhất là các cụ, buồn phiền vì phải đi hơi xa. Nhưng sau giải thích của Cha Chính xứ, nhiều người không những đã hiểu, thông cảm, mà còn rất tích cực trong việc đóng góp tài chính và công sức cho việc tu sửa cơ sở mới.
Dự kiến:
Đây là một giáo xứ thể nhân, nên mọi giáo dân Việt cư ngụ trong Tổng Giáo phận đều có thể gia nhập. Cũng như trước kia, nhiều giáo dân đã ghi danh sinh hoạt ở giáo xứ địa phương đồng thời ghi danh sinh hoạt tại trung tâm của Cộng đồng Công giáo Việt Nam trên Seattle, thì nay họ cũng có thể làm việc tương tự. (Tôi muốn nêu rõ rằng, Giáo xứ các Thánh Tử đạo Việt Nam là một giáo xứ tòng nhân không có ranh giới địa lý và bất cứ ai muốn trở thành một thành viên cần phải ghi danh với giáo xứ - trích thư Đức Tổng giám mục Brunett).
Giáo xứ sẽ cố gắng duy trì và phát triển các sinh hoạt văn hoá và tôn giáo truyền thống để nuôi dưỡng tình tự dân tộc Việt trong mọi tầng lớp giáo dân. Có duy trì và phát huy được nếp sống văn hóa và sinh hoạt tôn giáo truyền thống thì giáo xứ thể nhân mới có lý do tồn tại. Để thực hiện hoài bão này, trong tinh thần hợp tác và cũng là để thực hiện chỉ đạo của Đức Tổng Giám mục Brunett khi Ngài ban sắc lệnh thành lập giáo xứ (Tôi khuyến khích Giáo xứ CTTĐ Việt Nam tiếp tục đảm nhiệm tổ chức các nghi lễ phụng vụ và văn hóa khác nhau và mời gọi người Công giáo Việt Nam đến tham gia vào các sự kiện này – trích thư Đức Tổng giám mục Brunett), Cha sẽ tổ chức thường niên các buổi rước kiệu thánh tượng Đức Mẹ Lavang, sinh hoạt hội chợ hè, tổ chức đại lễ kính các Thánh Tử đạo Việt Nam, v.v., và mời gọi các cộng đoàn bạn từ khắp nơi về tham gia và đồng hành. Cha Chính xứ cũng mong ước được các cộng đồng Công giáo sắc tộc khác và các cộng đoàn Công giáo Việt Nam từ các tiểu bang lân cận hợp tác để cùng nhau tổ chức những cuộc hành hương qui mô.
Cha cũng dự định tổ chức lại hệ thống hành chính sao cho qui củ hơn. Ngài sẽ thành lập “văn khố” để việc lưu trữ hồ sơ và tài liệu được bảo quản lâu dài, thiết lập “phòng truyền thống” để sưu tầm và lưu giữ các tài liệu, di vật quý của Cộng đồng và Giáo xứ. Ngài cũng dự định cho xây đền đài trong khuôn viên của giáo xứ có nét văn hóa Việt Nam, để mỗi khi người Công giáo Việt Nam đến thăm viếng hay sinh hoạt đều cảm thấy mình đang về với chính ngôi nhà của mình.
Ước mơ và dự định thì nhiều, nhưng khó khăn cũng chồng chất. Cha Chính xứ Gioakim Đào Xuân Thành mong mỏi được mọi người cầu nguyện cho và cộng tác với trong sự yêu thương và đoàn kết. Cha nhắc nhở mọi người luôn cầu xin Chúa và Mẹ Lavang quan tâm chở che và hướng dẫn toàn thể chúng ta.
Phỏng vấn và biên soạn: Phạm Xuân Vinh và Lê Văn Thu


LỊCH SỬ CỘNG ĐỒNG CÔNG GIÁO VIỆT NAM TGP SEATTLE



Trong phần này xin đọc:
1.      Lịch sử Cộng Đồng Công giáo Việt Nam Tổng Giáo phận Seattle
2.      Tiểu sử Linh mục Tuyên uý Tiên khởi Gioakim Lê Quang Hiền
3.      Tiểu sử Linh mục Quản nhiệm Antôn Phan Hữu Hậu
4.      Tiểu sử Linh mục Quản nhiệm Anphong Trần Đức Phương
5.      Tiểu sử Linh mục Quản nhiệm Antôn Vũ Hùng Tôn
6.      Tiểu sử Linh mục Tổng Quản Phêrô Hoàng Phượng
7.      Tiểu sử Linh mục Phụ tá Phanxicô Nguyễn Sơn Miên

Lịch sử Thành lập và Phát triển của
Cộng đồng Công giáo Việt Nam
Tổng giáo phận Seattle
từ 1975 đến 2010
    (Lịch sử và sự phát triển của Cộng Đồng gắn liền với những biến cố đặc biệt cũng như sự lãnh đạo của các vị chủ chăn. Thế nên, phảng phất đó đây trong phần lịch sử của Cộng Đồng, chúng ta sẽ thấy những trích đoạn của phần tiểu sử của các linh mục tuyên uý hay quản nhiệm). 
Ngay từ những ngày vừa chân ướt chân ráo đặt chân đến vùng Seattle giữa năm 1975, những người Công giáo Việt Nam tị nạn đầu tiên, khoảng 50 gia đình, đã được Ðức Tổng Giám mục Giáo phận Seattle chú ý và tìm cách giúp đỡ. Linh mục Gioakim Lê Quang Hiền đã được mời từ Trại Tị nạn Fort Chafee và được bổ nhiệm bởi Đức Tổng Giám mục HuntHausen làm Tuyên uý đầu tiên cho giáo dân Việt Nam vào ngày 19 tháng 9 năm 1975. Cha Hiền và Cụ Cao Thái Bảo, nguyên Ðại sứ Việt Nam tại Phi Luật Tân thời Ðệ Nhất Cộng Hoà, đã cùng với một số vị khác tiến hành việc thành lập một cộng đồng đức tin Việt Nam trong Giáo phận. Với sự giúp đỡ nhiệt tình của nhân viên Toà Tổng Giám mục Seattle và chúc phúc của Ðức Cha Hunthausen, Cộng đồng Công giáo Việt Nam (viết tắt là Cộng Đồng), gồm 11 cộng đoàn, chạy suốt từ Bellingham, miền Bắc, xuống tận Vancouver, miền Nam, đã được thành lập. Sau đó, đề nghị thành lập một Trung tâm cho Cộng Đồng đã được chấp thuận bởi Ðức Hunthausen ngày 18 tháng 5 năm 1976, và một ngân khoản 24 ngàn đôla cho việc hoạt động đã được Toà Tổng chu cấp.
    Năm tháng sau, ngày 16 tháng 10 năm 1976, Cha Hiền đã được phép chính thức cử hành thánh lễ tại một căn nhà nhỏ do Toà Tổng mướn cho, toạ lạc tại số 1114 16th Avenue, Seattle. Từ ngày 19 tháng 2 năm 1977, do sự gia tăng về số giáo dân, Trung Tâm đã dược dời về một cơ sở thuộc Giáo xứ Immaculate Conception, số 810 18th Avenue, Suite 220, Seattle, và nhà thờ của giáo xứ này đã được dùng để cử hành thánh lễ. Ngày 14 tháng 5 năm 1977, nội qui đầu tiên của Cộng Ðồng đã được ban hành, trong đó cơ chế lãnh đạo của Cộng Ðồng, gồm Linh mục Tuyên uý và Hội đồng Ðại diện (với 9 uỷ viên Ủy ban Thường vụ và 11 đại diện của 11 cộng đoàn), đã được qui định và phân nhiệm rõ ràng. Ðối với chính quyền, ngày 29 tháng 11 năm 1977, Cộng Ðồng chính thức được cấp giấy phép hoạt động như một tổ chức dân lập vô vụ lợi (non-profit organization) bởi Văn phòng Tiểu Bang Washington.
    Công việc lúc đầu của Cha Hiền rất gian nan. Giáo dân Việt Nam ở rải rác từ Bellingham, cực bắc, xuống Vancouver, cực nam. Thời gian đầu chưa có ban điều hành hay người phụ tá, Cha đã phải tự “lần mò” tìm ra giáo dân của mình. Thánh lễ “Giáng Sinh” đầu tiên của cộng đoàn được cử hành tại Nhà thờ Chính toà St. James vào ngày 10 tháng 12 năm 1975. Trong dịp này, Đức Tổng Giám mục Hunthausen đã gởi ra cho giáo dân Giáo xứ Chính toà St. James, trong đó có cộng đoàn Việt Nam nhỏ bé của Ngài, một bức thư rất cảm động, mà Cha Hiền gọi là “bức thư thân tình tuyệt vời” của Thiên Chúa Cha gởi cho dân Ngài, nguyên văn như sau:

 A CHRISTMAS’ LETTER  FROM…GOD

(This is the homily Archbishop Raymond G. Hunthausen delivered at St. James Cathedral on Christmas 1975).

“I would like to do something a little different this year for a sermon. So many of us have forgotten how Our Father truly is, and so for you, I would like to read this letter:

“My dear People of  St. James,
You might think it’s rather strange to get a letter directly from me today, but I thought it was the best way to let you know a few of the things that have been on my mind for a while.  It’s not that I haven’t been in touch with you.  I am always with you, but it seems that you sometimes have trouble recognizing me with all the hurrying about you people do – especially during my Christmas season.  I’m always around, but you’ve got to take a little time, mixed with a little silence to hear what I’m trying to say to you.  It isn’t difficult to see and hear me if you know how to look, but I’ll save that for some other time.

The main thing I want to tell you today, something I want you to take to heart as most important, is this: I love you. There’s no two ways about it, and it isn’t fake or false. I love you because Love is what I am.  St. John says it in his first letter: “God is Love.”  It’s as simple as that, but some people just don’t see it like that.  Some people think that I’m some divine mean man who gets a kick out of giving people a bad time in life and then bopping them when they make mistakes.  Maybe there’s a good reason why many people fear me.  I think a lot of teaching in the past might have stressed sin and punishment a little too much.  But let’s get one thing straight – I love you as a Father loves his children.  It’s something you should  repeat to yourself over and over because it’s true.  And please, please, share it with others who don’t know me yet.  That’s very important, because sometimes you are the only way someone else will come to know my love.  You are all missionaries in the true sense of the word, and that’s a great responsibility.
Listen to this – you can forget about hell for a while – oh, there is a hell, but I think it’s important to realize this:  I don’t send anyone there – they choose it for themselves.  Let me say that again.  I don’t send anyone to hell – they choose it themselves.  What do I mean by that?  I stand for love, he who loves can identify with me; he who does not love cannot identify with me.  I do not reject him, but he rejects me and I cannot force him to accept love if he doesn’t want it.  Here’s an example. Take an empty bottle and put it under the water – it will fill up.  Put a stopper on the bottle and it won’t fill up, no matter how much water there is around it. People who refuse to love put the stoppers on – they choose not to be filled with the love that I surround them with, they are empty just like the bottle.  That’s what hell is – being empty of love – some people suffer this hell while still on earth and it is indeed sad.
So, if you are a person who loves, you can forget about hell.  Concentrate on me as one who loves people, not as one who can’t wait to punish. Someone once said (I must admit I inspired him to say it) that hell is a huge banquet set with all kinds of good food. The only problem is that the forks are five feet long and the people there are miserable because they can’t eat what’s set before them.  In heaven there is quite a different atmosphere, one of happiness, peace and love.  The banquet is the same, the five-foot forks are there, but the people in heaven spend their time feeding each other.
You know, you can’t force anyone to love anybody, and the same goes for me too.  The greatest gift I have given to you is the gift of freedom. You are free to accept me or not, to love me or not, with a freedom I have denied to no one but myself.  I regard your freedom as so precious a gift that I would never force you to love me.  I would never thunder from the clouds to let you know the way things should go, or perform a miracle to make sure no guns would ever go off again, for then I would be tampering with your freedom.  If I did such things, you would have to accept me as God.  Your mind would be forced to conclude it.  I don’t work like that.  I’d rather surround you with signs of my love and have you accept me in the freedom of faith, to trust me for who I am.  This means that at times you won’t have the answers to everything, but then you’re not meant to understand with the small-ness of your human intellects.  Doubt is a normal part of life, and trust is what I ask of you.  Oh, I know you doubt me at times, whether I’m as good as I say I am.  You’ll find the same thing all through scripture.  But trusting in the face of doubt helps you to grow in love.  That is why I don’t come running to solve all your problems right away.  You don’t help a child grow by solving all his problems for him.  He’s got to go through many of them to grow, all the while knowing that his parents are there to support him.  That’s the way I am too, not merely a God who comes through fast in a jam, but one who really cares for you, and invites you by all the signs around you, to accept my love and freely respond by loving me in return.  And I don’t really mind if it takes you time to grow – that is expected.  It may mean you can forget me for a while, or just think of me when there’s trouble, or come to church just once or twice a year.  I understand that you’re still searching and I’ll still be with you when you feel you can finally surrender your whole heart to me.
That’s what Christmas is all about, you know.  Jesus came as a real sign to men and women that I am at peace with all people, that all is forgiven and everyone is loved.  You know, you really ought to get to know Jesus better. He’s the one who really understands us both: me, because he is God, and you, because he’s human in every way you are, except sin, a fact which your age is beginning to appreciate lately.  He is the one who makes my love more understandable and so you really have to be in touch with him.  You know he’s present at Mass, and in your daily lives and in each other, but I would like to point out another place where he’s present – take it as a Christmas gift suggestion, and make it a New Year’s resolution.  Discover him in the scriptures.

Follow him through the days when God walked the same ground as you do.  See how he relates, not only to people two thousand years ago, but to all people right now.  The Bible is my Word to all men and women.  Not just pious stories about the past.  Read the New Testament, read it daily, adults and children alike. Ask Jesus to make sense out of your life as you read.  Pattern your life after him, for he is most human, a worthy hero to imitate, then you will discover what kind of God I am – a God of tender mercy and compassion, one who loves you very much.

You know, I can’t help stressing that too much.  You should walk around the house, and say it to yourself over and over again: “My God is someone who knows me – and loves me.”  Knowing this can be a great source of peace to you.

Well, that about does it for now.  My gift this Christmas is my love, my peace, and my joy to you and yours.  Take care of each other, as you wait for Jesus to come again – to lead you to the eternal happiness which is the destiny of those who love me.  I assure you, what I’ve got prepared for you, is beyond all description – look forward to it with hope then, and go your way in life rejoicing in the fact that I am with you to love you always.

Merry Christmas, my children,

Your Father,

GOD.”



THƯ GIÁNG SINH TỪ THIÊN CHÚA.

(Đây là bài Chia sẻ Lời Chúa của Đức Tổng Giám Mục Raymond G. Hunthausen trong Thánh lễ Giáng Sinh năm 1975 tại Nhà thờ chính tòa St. James, Seattle, WA.  Cha Hiền chuyển ngữ).

Cha muốn làm một cái gì khác thường hơn cho bài Chia Sẻ Lời Chúa dịp Lễ Giáng Sinh năm nay. Quá nhiều người trong chúng ta đã lãng quên không hiểu rõ Chúa Cha của chúng ta là ai, thế nên hôm nay Cha muốn đọc cho các con bức thư này:

“Các con trong giáo xứ.... thân mến,
Các con có thể lấy làm lạ khi nhận được một lá thư trực tiếp từ Cha hôm nay, thế nhưng Cha nghĩ đây là cách thế hay nhất để giúp các con cảm thông một số vấn đề từ lâu đã ấp ủ trong tâm trí Cha. Không phải là Cha ít liên lạc với các con. Cha luôn ở sát bên các con, nhưng hình như nhiều lúc các con có vấn đề nhận diện ra Cha trong cuộc sống xô bồ bôn chen chạy lui chạy tới của các con, nhất là trong Mùa Giáng Sinh của Cha. Cha luôn luôn ở với các con, nhưng các con phải dành riêng một ít thời giờ, hòa tan với một chút tĩnh lặng để lắng nghe điều Cha cố gắng giãi bày cho các con. Thật chẳng khó khăn mấy để nhận diện và nghe tiếng Cha nếu các con biết cách nhìn, nhưng thôi Cha sẽ bàn chuyện đó một khi khác.
Điều chính yếu Cha muốn nói với các con hôm nay, một điều mà Cha muốn các con ghi khắc vào tim như là một điều tối quan trọng đó là: Cha yêu thương các con. Đó là sự thật hiển nhiên không giả dối không thể chối cãi được. Cha yêu thương các con vì Tình Yêu là (căn tính của) chính Cha. Thánh Gioan nói thế trong Thư thứ nhất của ngài: “Chúa là Tình Yêu.” Thật đơn giản như thế, nhưng nhiều người lại không thấy như vậy. Nhiều người nghĩ Cha là một ông thần hung bạo chỉ thích làm khổ đời thiên hạ, rồi thẳng tay loại trừ khi họ nhỡ lỗi lầm. Có thể cũng có lý do chính đáng tại sao nhiều người lại sợ Cha. Cha nghĩ nhiều giáo huấn trong quá khứ có thể đã nhấn mạnh hơi nhiều về tội. Tuy nhiên Cha xin được nói thẳng điều này – Cha yêu thương các con như một người cha yêu thương con cái mình. Đấy là điều mà các con phải luôn nhắc đi nhắc lại cho mình, bởi vì nó rất thật! Và Cha khẩn khoản xin các con hãy chia sẻ điều ấy với những người chưa biết đến Cha. Điểm này rất quan trọng, bởi lẽ lắm khi chính các con là con đường duy nhất qua đó người ta mới biết đến tình yêu của Cha. Tất cả các con là những nhà truyền giáo theo đúng nghĩa của nó, và đó quả là một trách vụ thật lớn lao.
Các con hãy lắng nghe thật kỹ điều này – hãy tạm quên hỏa ngục trong ít phút – phải, hỏa ngục có thật, nhưng Cha nghĩ cần phải ý thức rõ điều quan trọng này: Cha không phạt ai xuống đó cả - chính họ tự chọn lấy hỏa ngục cho mình. Cha xin phép nhắc lại điều đó một lần nữa. Cha không phạt bất kỳ ai xuống hỏa ngục – chính họ tự chọn hỏa ngục. Cha muốn nói gì đây? Cha thể hiện tình yêu, ai sống yêu thương đều có thể đồng cảm và gắn bó với Cha; ai không yêu thì không thể đồng hóa với Cha. Cha không loại bỏ người ấy, nhưng người ấy khước từ Cha và Cha không thể ép buộc người ấy chấp nhận tình yêu nếu họ không muốn. Đây là một thí dụ điển hình. Nhúng một cái chai trống xuống nước, nước sẽ ngập tràn vào. Nhét nút chai lại, nước sẽ không tràn vào bất chấp chung quanh nó nước nhiều đến đâu. Những người từ chối yêu thương nhét nút chai lại – họ tự chọn không muốn đong đầy tình yêu mà Cha phủ kín chung quanh họ, nên họ trống rỗng như chiếc chai kia. Hỏa ngục là thế đó – trống vắng tình yêu – nhiều người phải sống với hỏa ngục này ngay khi còn tại thế, quả thật đáng buồn.
Do đó, nếu các con là người sống yêu thương, các con có thể quên hỏa ngục đi. Hãy tập chú vào Cha như một người luôn yêu mến mọi người, chứ không như một người chỉ chực để trừng phạt. Người nào đó đã nói (Cha phải nhận là Cha đã tạo cảm hứng cho người ấy nói): hỏa ngục là một bàn tiệc vĩ đại với đầy đủ cao lương mỹ vị. Vấn đề là mấy chiếc nĩa dài những một thước rưỡi và người ta thật khốn khổ bởi vì họ không thể ăn những gì đã dọn sẵn trước mặt họ. Trong khi ấy trên thiên đàng bầu khí thật tương phản đong đầy hạnh phúc, an bình và yêu thương.  Vẫn bàn tiệc như thế, vẫn với những cái nĩa thật dài thước rưỡi thế kia, nhưng người trên thiên đàng dành thì giờ gắp và đút đồ ăn cho nhau.
Các con biết không, không ai có thể ép buộc người này phải yêu người kia, và đối với Cha cũng vậy. Quà tặng quí nhất mà Cha ban cho các con là món quà tự do. Các con có tự do đón nhận Cha hay không, yêu kính Cha hay không, bằng một tự do mà Cha đã không từ chối ban tặng ai, ngoại trừ chính Cha. Cha coi tự do của các con như một món quà thật cao cả quí báu đến nỗi Cha không thể nào ép buộc các con phải yêu kính Cha. Cha không bao giờ gây sấm chớp từ các tầng mây để báo cho các con biết phải hành xử thế nào, hoặc làm phép lạ để bảo đảm súng đạn không bao giờ nổ nữa, vì làm thế là Cha can thiệp vào quyền tự do của các con. Nếu Cha làm những chuyện như thế, thì các con bó buộc phải chấp nhận Cha là Thiên Chúa rồi. Trí óc các con sẽ bị buộc phải kết luận như vậy. Cha không hành xử như thế. Cha chỉ muốn bao bọc các con bằng những dấu chỉ yêu thương của mình và chờ đợi các con chấp nhận Cha với sự tự do của đức tin, tin tưởng Cha như Cha đáng tin tưởng. Điều này có nghĩa là lắm lúc các con không thể có câu trả lời cho hết mọi sự, vì tự mình các con không thể hiểu hết với trí tuệ rất nhỏ bé của mình. Nghi ngờ là một phần thông dụng của đời sống, còn tin tưởng là điều Cha mong ước nơi các con. Vâng, Cha biết thỉnh thoảng các con cũng nghi ngờ Cha, không chắc Cha có thật tốt như Cha nói không. Điều này các con cũng thường gặp thấy trong Thánh Kinh. Tuy nhiên tin tưởng lúc đối diện với nghi ngờ giúp các con trưởng thành trong tình yêu. Chính vì thế mà Cha không chạy nhanh đến để giải quyết hết mọi vấn nạn cho các con ngay lập tức. Không ai thực sự giúp một em bé lớn lên bằng cách giải quyết hết mọi vấn đề cho nó. Nó phải trải qua nhiều gian khổ mới có thể trưởng thành, đồng thời nó luôn xác tín rằng ba má nó luôn sát bên cạnh để nâng đỡ nó. Đó cũng là cách thức Cha hành xử thường ngày. Cha không phải là một Thiên Chúa chực sẵn để chạy ngay đến giải tỏa một tình huống rối răm, nhưng là một người thực sự quan tâm lo lắng cho các con, và qua đầy dẫy các dấu chỉ yêu thương luôn mời gọi các con chấp nhận tình yêu của Cha và tự do đáp trả lại bằng cách kính yêu Cha. Và Cha không thấy phiền hà chi khi các con cần có nhiều thì giờ để trưởng thành – đó là việc hiển nhiên. Đó cũng có nghĩa là các con có thể quên lãng Cha một thời gian, hoặc chỉ nghĩ đến Cha khi gặp khó khăn, hoặc chỉ đến nhà thờ một hai lần trong năm. Cha hiểu là các con vẫn còn đang tìm kiếm và Cha cũng sẽ có mặt ở đó với các con khi các con cảm thấy là cuối cùng rồi các con có thể trao trọn tâm tình cho Cha.
Các con biết không, quả thật Lễ Giáng Sinh là thế đó. Chúa Giêsu đến như một dấu ấn đích thực cho mọi người, nam cũng như nữ, rằng Cha thật an hòa với tất cả mọi người, rằng tất cả đều được thứ tha, và hết thảy đều được yêu thương. Các con biết không, thật ra các con cần phải tìm biết Chúa Giêsu nhiều hơn. Người là kẻ thực sự thấu hiểu cả hai chúng ta: Cha, vì Người là Chúa, và các con, vì Người cũng là người như các con về hết mọi phương diện, ngoại trừ tội lỗi, đây là một thực tại mà gần đây thế hệ các con đang bắt đầu cảm nghiệm và biết ơn. Người là Đấng làm sáng tỏ tình yêu của Cha vì thế các con nên tìm gặp gỡ Người thường xuyên. Các con biết Người hiện diện trong Thánh Lễ, trong đời sống thường nhật của từng người và trong nhau, nhưng Cha muốn chỉ cho các con thấy một nơi khác cũng luôn có mặt của Người – các con có thể coi đây như là gợi ý quà Giáng Sinh của Cha, và biến nó thành một quyết tâm cho Năm Mới: các con hãy khám phá Người trong Thánh Kinh.
Hãy dõi theo và đồng hành với Người qua những tháng ngày mà Thiên Chúa đã đặt chân trên địa cầu nơi các con đang dấn bước. Hãy xem cách Người đối xử, không chỉ với những người hai ngàn năm trước, mà cả với con người hôm nay. Cuốn Kinh Thánh là Lời của Cha gởi đến tất cả mọi người nam cũng nữ qua bao thời đại, chứ không chỉ là những mẫu truyện đạo đức xa xưa của quá khứ. Các con hãy đọc Tân Ước, đọc hằng ngày, người lớn cũng như trẻ em. Và trong khi đọc, hãy xin Chúa Giêsu giúp các con tìm ra nghĩa sống hằng ngày. Sống theo gương sống của Người, vì Người rất là “người,” một anh hùng đáng noi theo, rồi các con sẽ khám phá ra Cha là Thiên Chúa thế nào – một Thiên Chúa đầy lòng trắc ẩn và xót thương, một Thiên Chúa yêu thương các con thật nhiều.
Các con biết không, Cha không thể nào nhấn mạnh đủ điều đó. Các con nên đi rảo quanh nhà và thầm nhắc nhở luôn miệng cho chính mình rằng: “Thiên Chúa của tôi là một người biết và yêu tôi.” Hiểu thấu như thế sẽ là nguồn an ủi và bình yên lớn cho các con.
Thôi, chừng đó tạm đủ rồi. Quà tặng Giáng Sinh năm nay của Cha chính là tình yêu, an bình, và niềm vui của Cha gởi đến cho các con và gia đình các con. Các con hãy lo lắng săn sóc cho nhau, trong khi các con chờ ngày Chúa Giêsu lại đến – để hướng dắt các con về hạnh phúc vĩnh cửu là số mệnh đích điểm của những ai yêu kính Cha. Cha đảm bảo với các con rằng, những gì Cha đã chuẩn bị cho các con thật không bút mực nào diễn tả hết được – các con hãy hướng nhìn về đích điểm ấy với trọn niềm hy vọng, và cố sống mỗi ngày vui thỏa trong sự kiện và xác tín rằng Cha hằng ở bên các con và luôn luôn yêu quý các con.
Mừng Giáng Sinh đến các con yêu dấu của Cha!
(ký tên)
Cha các con,
Thiên Chúa.”

    Ngoài ra, Cha Gioakim Hiền và Ban Điều hành cũng đã gởi thư đề nghị Giáo phận giúp đỡ để Cộng Đồng có được một nơi cho mọi người qui tụ, sinh hoạt mục vụ, và cho giới trẻ có chỗ để học hỏi giáo lý bằng tiếng Việt. Cũng do nhu cầu thông tin, Cộng Đồng cũng cần xuất bản một bản tin trong nội bộ. Cha Hiền cũng ước mơ trung tâm ấy sẽ được mở rộng cho cả người ngoài Công giáo đến sinh hoạt, từ đó Giáo hội có cơ hội truyền bá đức tin. 
    Ðến ngày 19 tháng 12 năm 1977, Linh mục Antôn Phan Hữu Hậu được bổ nhiệm làm Tuyên uý cho Cộng Ðồng (sau này được gọi là Quản Nhiệm, vì các cha tuy chỉ mang chức tuyên úy, nhưng lại có thẩm quyền đầy đủ như một chính xứ), thay thế Cha Hiền, nguời đã có công sáng lập nên Cộng Ðồng, được thuyên chuyển về Spokane do nhu cầu của Giáo phận Spokane. 
      Được biết, khi miền Nam Việt Nam mất cuối tháng Tư năm 1975, Cha Hậu theo dòng người tị nạn di cư qua Mỹ, và làm Tuyên uý cho Cộng đoàn Công giáo Việt Nam tại Wichita, Texas, từ tháng Mười năm 1975. Ngài di chuyển về Trung tâm Công giáo Việt Nam ở Orange County, Nam California, từ tháng Năm 1976. 
      Đến ngày 19 tháng Mười Hai năm 1977 thì Ngài được Đức Tổng Giám mục Hunthausen mời về làm Tuyên uý cho Cộng Đồng Công giáo Việt Nam Tổng Giáo phận Seattle.
      Ngày 11 tháng 8 năm 1983, dưới thời Ông Chủ tịch Phạm Xuân Vinh (nhiệm kỳ 1983-1985 và 1985-1988), Cha Hậu và Uỷ Ban Thường Vụ Hội đồng Đại diện đã đề nghị tạo mãi một trung tâm cộng đồng đa dụng (multi-purpose community center) cho Cộng Ðồng. Đề nghị này được Ðức Cha Hunthausen chấp thuận. Cộng Ðồng đã mua được một rạp hát cũ, tọa lạc tại số 1239 South Washington St., Seattle. Với công sức và tài vật đóng góp của hàng ngàn giáo dân, toà nhà này đã được cải biến thành một trung tâm sinh hoạt ấm cúng. Tại đây, Cha Hậu đã được chính thức cho phép bởi Ðức Tổng Giám mục để cử hành các thánh lễ misa thường xuyên và ban các phép bí tích cho giáo dân kể từ ngày 5 tháng 4 năm 1984. Ðến ngày 9 tháng 9 năm 1984, nguyện đường tại địa chỉ này được chính thức thánh hiến. Nhưng chẳng bao lâu sau, do nhu cầu phát triển của Khu Học chánh Seattle, cơ sở này bị thu mua bởi chính quyền địa phương, và Trung tâm đã được dời về một nhà thờ mua lại của anh em Tin Lành, tọa lạc tại số 1230 East Fir St., Seattle. Với nỗ lực đóng góp của toàn thể giáo dân trong Cộng Ðồng, kể cả những người sinh sống ở Bellingham, giáp Vancouver BC, Canada, và Vancouver, giáp Portland, Tiểu bang Oregon, một ngôi nhà thờ, tuy nhỏ nhưng khang trang, đã được xây cất xong. Vào ngày 10 tháng 7 năm 1988, nhà thờ đã được thánh hiến với một thánh lễ đại trào được chủ tế bởi chính Ðức Tổng Giám mục Hunthausen.
        Ðiểm nổi bật trong 12 năm phục vụ của Cha Hậu là sự hợp tác chặt chẽ của nhiều tầng lớp giáo dân, đặc biệt là của các giới chức lãnh đạo, trong đó có các Uỷ ban Thường vụ Hội đồng Ðại diện của các ông Chủ tịch Từ Bộ Cam (nhiệm kỳ 1977-1979 và 1981-1983, đã quá vãng), Phạm Ngọc Tuyền (nhiệm kỳ 1979-1981), Phạm Xuân Vinh (nhiệm kỳ 1983-1985 và 1985-1988), và Phạm Văn Niên (nhiệm kỳ 1988-1990). Cộng Ðồng đã phát triển từ tình trạng sơ khai, phải đi thuê mướn cơ sở và nhận sự trợ giúp tài chánh từ Toà Tổng Giám mục sở tại, đến việc xây cất được một ngôi nhà thờ, tuy nhỏ nhưng khang trang, đủ chỗ cho hàng trăm giáo dân đến dự lễ, và một số phòng cho các đoàn thể Công giáo Tiến hành sinh hoạt, tiến dần đến việc tự túc về mọi phương diện.
    Ngày 14 tháng 1 năm 1990, Linh mục Anphong Trần Ðức Phương được bổ nhiệm làm Tuyên uý của Cộng Ðồng, thay thế Cha Hậu nghỉ hưu.
    Tiếp nối truyền thống, Cha Phương cùng với sự hợp tác tích cực của nhiều tầng lớp giáo dân, kể cả các ban ngành đoàn thể trong Cộng Ðồng, qua các Ban Thường vụ Hội đồng Ðại diện thời các ông Chủ tịch Phạm Niên (1988-1990), Phạm Quí Hậu (1990-1993), Nguyễn Văn Lành (1993-1996), và Nguyễn Xuân Thu (1996-2000), đã không những trả hết được các món nợ do việc xây cất ngôi nhà thờ năm 1988, mà còn tiếp tục tậu mãi thêm nhiều cơ sở chung quanh, với mục đích phát triển khu vực thành một trung tâm sinh hoạt đa diện phục vụ cho lợi ích của Cộng Ðồng, đủ chỗ sinh hoạt cho các hội đoàn Công giáo Tiến hành, các ca đoàn, và nhất là cho giới trẻ, và trong tương lai cho cả các đồng hương ngoài Cộng Ðồng. Với đà phát triển về số giáo dân, Hội đồng Ðại diện đã quyết định mua thêm một ngôi nhà nguyện của người Do Thái ngoài góc đường 12 và Spruce, gần Trung tâm, với ý định xây một nhà thờ mới có sức chứa gấp đôi ngôi nhà thờ hiện tại. Các việc tạo mãi này đều đã được các chuyên gia về địa ốc của Toà Tổng khuyến khích, và đã được các Ðức Tổng Giám mục bản quyền chúc phúc và chấp thuận. Cũng trong chiều hướng phát triển về cơ sở này, tất cả các giáo dân, nhất là các thành viên trong các đoàn thể Công giáo Tiến hành, các cụ cao niên, và các anh chị em trẻ, đều đã trải biết bao tâm và sức lực, trong rất nhiều kế hoạch gây quỹ, để mang về cho Cộng Ðồng nhiều ngân khoản lớn lao. Cũng phải kể đến sự hy sinh của toàn thể giáo dân trong Cộng Ðồng, qua hết năm này đến năm khác, liên tục đóng góp tài chánh vào các quỹ sinh hoạt và quỹ phát triển nhà Chúa của Cộng Ðồng.

     Cha Phương, ngoài thành tích phát triển các cơ sở vật chất cho Cộng Ðồng như vừa đề cập ở trên, còn đặt nền móng tổ chức vững chắc cho Cộng Ðồng qua việc soạn thảo và ban hành văn bản “Chúng Ta Là Ngành”. Ðược biết, trong thời kỳ Cha Phương mới về, Cộng Ðồng với đà phát triển quá nhanh, đã có những băn khoăn về phương hướng tổ chức, và va chạm về quan điểm lãnh đạo, nhiều lúc đã đưa đến tình trạng phân hoá trong các giới chức và chia rẽ trong các đoàn thể CGTH. Ðể giải quyết, Cha Phương và các giới chức lãnh đạo, đặt biệt là Ông Nguyễn Văn Lành, Chủ tịch Hội đồng Ðại diện nhiệm kỳ 1993-1996, đã đem sự việc trình lên Ðức Tổng Giám mục Murphy, để Ngài xem xét. Ngài đã cử Cha Picton, Bề trên đặc trách giáo xứ và cộng đồng đức tin, bà Veronica Barber, Giám đốc Vụ Á Châu và Thái Bình Dương, và bà Nancy Pinada, Giám đốc Kế hoạch của Toà Tổng, cùng với cha Hoàng Phượng, chính xứ giáo xứ Holy Family, xuống hướng dẫn các giới chức của Cộng Ðồng về cách tổ chức một cộng đồng đức tin phù hợp với giáo luật và giáo huấn của Công Ðồng Vaticano đệ nhị. Qua trao đổi và góp ý một cách nhiệt tình, thẳng thắn giữa các linh mục, giới chức lãnh đạo từ Toà Tổng và các giáo dân quan tâm trong một số phiên họp mở rộng, cũng như qua nhiều tháng suy nghĩ, cầu nguyện, làm việc liên tục của Ban Quy chế (gồm các ông Phạm Ngọc Tuyền, Phạm Xuân Vinh, Nguyễn Văn Lành, Nguyễn Xuân Thu, Nguyễn Mạnh Tùng và Lê Văn Thu), Mô thức Tổ chức và Điều hành của Cộng Ðồng đã được soạn thảo và đã được Ðức Tổng Giám mục Murphy phê chuẩn ngày 31 tháng 5 năm 1995. Mô thức này, dựa trên tập tài liệu hướng dẫn của Giáo Phận – You Are the Branches (tạm dịch: Các Con Là Ngành, rút từ Thánh Kinh: Ta Là Cây Nho, Các Con Là Ngành Nho) – đã được Ban Qui chế của Cộng Ðồng triển khai thành một văn kiện đầy đủ, lấy tên “Chúng Ta Là Ngành”, để Cộng Ðồng cùng các cộng đoàn địa phương, và các đoàn thể CGTH trong Cộng Ðồng theo đó tổ chức và sinh hoạt. Bản văn đã được ban hành ngày 24 tháng 11 năm 1995, ngày lễ kính các Thánh Tử Ðạo Việt Nam, bổn mạng của Cộng Ðồng, và đã được tu chính ngày 25 tháng 4 năm 1999. Sở dĩ bản văn được đặt tên Chúng Ta Là Ngành (We Are the Branches) là để đáp ứng lại tiếng gọi của Thiên Chúa và giáo huấn của Ðấng Bản quyền: Các Con Là Ngành – You Are the Branches. Qua bản văn này, tôn chỉ của Cộng Ðồng đã được xác lập: thờ phượng Thiên Chúa và rao giảng Tin Mừng theo truyền thống Việt Nam, phục vụ các nhu cầu của Cộng Ðồng và tha nhân, đồng thời bảo tồn và phát huy văn hoá Việt Nam và các tập quán tốt của dân tộc. Cũng qua bản văn này, quan điểm về lãnh đạo cũng như sự chia sẻ trách nhiệm lãnh đạo cộng đồng dân Chúa giữa các linh mục và giáo dân theo giáo huấn Công Ðồng Vaticano đệ nhị đã được minh định, như sau:
Cộng Ðồng Công giáo Việt Nam Tổng Giáo phận Seattle (gọi tắt là Cộng Ðồng, trong nội bộ) là tên gọi của một thực thể đã được hình thành từ năm 1976 qui tụ những người Công giáo Việt Nam cư ngụ tại miền Tây Tiểu bang Washington, chạy dài từ Bellingham, giáp giới Canada, tới Vancouver, giáp giới Tiểu bang Oregon, Hoa Kỳ. Thực thể này là một đơn vị của Tổng Giáo phận Công giáo Seattle, và do đó, hoạt động trong cơ chế pháp lý của Toà Tổng Giám mục. Cộng Ðồng chọn các Thánh Tử đạo Công giáo Việt Nam làm thánh bổn mạng. Cộng Ðồng có một nơi để sinh hoạt và thờ phượng gọi chung là Trung tâm Công giáo Việt Nam Seattle, trong đó có Thánh đường các Thánh Tử đạo Việt Nam là nơi để cử hành các nghi thức phụng vụ.
    Tôn chỉ của Cộng Ðồng là thờ phượng Thiên Chúa và rao giảng Tinh Mừng theo truyền thống Việt Nam, đồng thời phục vụ các nhu cầu của Cộng Ðồng và tha nhân. Ngoài ra, vì là một cộng đồng sắc tộc có bản sắc riêng, Cộng Ðồng cũng chủ trương phải bảo tồn và phát huy văn hoá Việt Nam và các tập quán tốt của dân tộc. Có cùng nhau thờ phượng một Chúa Kitô, có làm việc cùng nhau trong một mục tiêu cao cả là phục vụ tha nhân, có đùm bọc nhau trong tình nghĩa đồng bào, và có cố gắng duy trì sắc thái văn hoá của dân tộc thì Cộng Ðồng của chúng ta mới tồn tại được lâu dài.
 
    Khi được phân công đảm nhận các chức vụ lãnh đạo và điều hành Cộng Ðồng, giáo dân không mưu cầu một địa vị hay quyền lực thế trần trong xã hội, mà trái lại chỉ muốn dấn thân làm những người tôi tớ thấp hèn nhất để phục vụ giáo hội và tha nhân theo đúng tinh thần Phúc Âm. Khi làm việc, giáo dân trông đợi ở các linh mục lãnh đạo một sự tôn trọng và tin cậy, một sự cảm thông và hoà đồng, và đặt biệt là được chia sẻ cùng với các linh mục trách nhiệm lãnh đạo Cộng Ðồng theo đúng tinh thần của Công Ðồng Vaticanô Ðệ Nhị và của tập Các Con Là Ngành của Toà Tổng Giám mục Seattle. Ðối lại, giáo dân luôn kính trọng và tuân phục, gần gũi và thương yêu, cũng như thành tâm hợp tác với các linh mục và tu sĩ đang đảm nhận các chức vụ lãnh đạo trong Cộng Ðồng. Trong lúc cùng nhau phục vụ Cộng Ðồng, mọi người cần làm việc trên tinh thần tập thể, kết hợp, không phe nhóm hay cục bộ.”
Cũng trong thời gian Cha Phương làm Quản nhiệm, một biến cố trọng đại đã xảy ra: đó là việc vào mùa hè năm 1988, Đức cố Hồng Y (lúc ấy là Tổng Giám mục, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Công Lý và Hòa Bình) Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận đã được Tổng Giáo phận Seattle mời thuyết giảng (key note speaker) cho Đại hội Giáo dục Công giáo (Catholic Educator Conference) được tổ chức hàng năm vào thập niên 1990 và đầu thập niên 2000 tại Giáo phận. Đúng lúc này, Cộng Đồng tổ chức Hội chợ Hè và Đại Nhạc hội gây quĩ, và được hân hạnh đón tiếp Ngài; Đức Cha Thuận đã ban nhiều bài giảng hết sức súc tích có ảnh hưởng đến não trạng và lối sống của giáo dân, đặc biệt là sự kiên nhẫn, hoà giải và tha thứ.
    Tháng 9 năm 2000, Linh mục Antôn Vũ Hùng Tôn được bổ nhiệm làm Quản Nhiệm của Cộng Ðồng, thay thế Cha Phương được điều về Giáo xứ St. Mary Magdalen, Everett.
    Tiếp nối truyền thống, và trong tinh thần muốn kiện toàn và phát triển Cộng Ðồng, Cha Vũ Hùng Tôn, với sự phụ tá đắc lực của Cha Nguyễn Sơn Miên, cùng với nhiệt tâm làm việc của Uỷ ban Thường vụ Hội đồng Ðại diện, muốn thăng tiến Cộng Ðồng này thành cộng đồng đức tin gắn bó, thống nhất, có hệ thống, sinh hoạt theo qui củ của một tổ chức đã trưởng thành, nhằm thực hiện được các tôn chỉ đã đề ra trong tinh thần mến Chúa và yêu người. Tại Trung tâm, nhiều chỉnh trang về cơ sở vật chất, nhiều thay đổi về phụng vụ đã được thực hiện. 
    Dưới thời Cha Vũ Hùng Tôn làm Quản nhiệm, Cha rất chú trọng đến việc giúp thăng tiến về tổ chức lẫn khả năng chuyên môn cho các ca đoàn và ca viên, vì đây là lãnh vực sở trường của Cha. Ngài đã cho phát hành cuốn “Cộng Đồng Cùng Hát”, trong đó có một số sáng tác của Ngài, để phục vụ nhu cầu hát thánh ca trong các cộng đồng đức tin Công giáo Việt Nam hải ngoại. Ngài cũng khuyến khích việc phát hành một tờ đặc san (có tên là Niềm Tin Đặc Biệt) nhằm quảng bá các tài liệu và thông tin cần thiết để phục vụ mỗi khi Cộng Đồng có các sinh hoạt đặc biệt, như Xây dựng và Phát triển, Giáng Sinh, Lễ kính Đức Mẹ, Đại hội Giới trẻ, v.v.
Tháng Chín năm 2006, Đức Tổng giám mục Brunett đã bổ nhiệm Linh mục Phêrô Hoàng Phượng về làm Quản nhiệm Cộng Đồng, đồng thời làm Tổng đại diện cho Ngài lo về mục vụ cho người Công giáo Việt Nam trong toàn Giáo phận, thay thế Cha Vũ Hùng Tôn xin nghỉ hưu.
Với hai chức vụ này, Cha Hoàng Phượng đảm nhiệm chức vụ Tổng Quản (viết tắt của hai từ Tổng đại diện và Quản nhiệm) Cộng Đồng.
    Công tác mục vụ: Trong thời gian Cha Hoàng Phuợng đảm trách chức vụ Tổng Đại diện (Episcopal Vicar) chăm sóc mục vụ cho giáo dân Công giáo Việt Nam trong Tổng Giáo phận và làm Quản nhiệm Cộng đồng Công giáo Việt Nam tại đây, Ngài đã đề ra những kế hoạch ngắn và dài hạn. Với sự giúp đỡ của các linh mục và tu sĩ Việt Nam trong giáo phận cũng như sự hợp tác chặt chẽ của hàng ngũ giáo dân, công tác mục vụ tại các địa phương được tiến triển một cách tốt đẹp. Tại Cộng đoàn La Vang (Bellingham), các linh mục trẻ như Cha Trần Phong Vũ, Cha Nguyễn Quí Thạc, ngoài nhiệm vụ lo cho giáo xứ bản địa, đã hợp tác với Ngài chăm sóc mục vụ cho giáo dân Việt Nam cư ngụ trong vùng. Tại Cộng đoàn Trinh Vương (Everett), Cha Tổng Quản Hoàng Phượng và Cha Phụ tá Nguyễn Sơn Miên thay phiên nhau lên cử hành thánh lễ Chủ Nhật và ban các phép bí tích. Tại Cộng đoàn Phêrô (Southwest), công tác mục vụ lo cho giáo dân được giao cho Cha Trần Hữu Lân. Ở Cộng đoàn Thánh Tâm (Auburn), Cha Đào Xuân Thành, Quản xứ (Priest Administrator) Giáo xứ Philomena, cùng với hai cha từ trung tâm, giúp mục vụ cho giáo dân tại đây mỗi Chúa Nhật. Cha Miên và Cha Phượng cũng thay phiên nhau xuống Olympia mỗi 2 tuần một lần lo mục vụ cho Cộng đoàn Thánh Martin de Pores. Các Cộng đoàn Long View và Vancouver thì ở quá xa về phía nam, tuy vậy, Cha Phượng vẫn đã thường xuyên xuống giúp và tìm hiểu nhu cầu. Sáu tháng sau, may mắn có Cha Hoàng Bình, Chánh xứ một giáo xứ miền Bắc của Tổng Giáo phận Portland, tình nguyện qua giúp công tác mục vụ cho giáo dân Việt Nam tại đây, nên Cha Phượng cũng đỡ vất vả. Riêng tại Cộng đoàn Thánh Giuse (Tacoma), Cha Nguyễn Anh Tuấn, Chánh xứ 6 giáo xứ bản địa, là người trực tiếp lo cho giáo dân tại đây. Các cộng đoàn quanh trung tâm, như Fatima (North Seattle), Mông Triệu (Bellevue) và Mân Côi (Central) thì trực tiếp sinh hoạt đều đặn tại trung tâm.

     Sinh hoạt văn hóa và tu đức: Các lớp giáo lý và Việt ngữ đã được đông đảo các em tham gia. Các sinh hoạt Công giáo Tiến hành, đặc biệt là của các đoàn thể trẻ như ca đoàn, cũng rất sầm uất. Do nhu cầu của giới trẻ, Cộng Đồng đã phải hợp đồng với Giáo xứ Immaculate Conception trong tinh thần hỗ tương để có thêm phòng ốc cho các em sinh hoạt. Qua hợp đồng này, Cộng Đồng đã phải chi ra một ngân khoản khá lớn cho giáo xứ đó mà các em cũng vẫn không được sinh hoạt thoải mái. Vì vậy, Cha Tổng Quản và Hội đồng Mục vụ cũng như các giới chức quan tâm đã không ngừng suy nghĩ về việc tìm mua cơ sở mới hoặc mở mang trung tâm sao cho rộng đủ để giải quyết nhu cầu phòng ốc, nhằm giúp các đoàn thể và giới trẻ sinh hoạt, và Cộng Đồng có được một ngôi thánh đường khang trang hơn. Rất tiếc, vào thời điểm ấy, các yếu tố khách và chủ quan đã không thuận lợi để ước mơ ấy trở thành hiện thực.

    Trong tinh thần muốn giáo dân Việt Nam trong toàn Tổng Giáo phận có sự gắn bó với nhau trên tình tự dân tộc và truyền thống tôn giáo tốt đẹp của cha ông, Cha Tổng Quản đã đặt ra các chương trình huấn luyện giáo lý viên, tổ chức các buổi rước kiệu Đức Mẹ La Vang chung, qui tụ các ca đoàn từ các cộng đoàn để thành lập ca đoàn tổng hợp trong các dịp lễ lớn, và tổ chức các lớp học hỏi về hạnh các Thánh Tử đạo Việt Nam, gương thánh thiện của Đức cố Hồng y Nguyễn Văn Thuận. Từ các sinh hoạt đó, một CD nhạc đạo do các ca đoàn phối hợp thực hiện đã được phát hành, và một quyển kinh song ngữ đã được xuất bản nhằm giúp các em nhỏ dễ dàng trong lúc đọc kinh tối cùng gia đình.

     Đặc biệt là qua sự trung gian của Cha Tổng Quản, Toà Tổng Giám mục Seattle đã bảo trợ rất nhiều sơ, đặc biệt là quý sơ thuộc Dòng Mến Thánh Giá Gò Vấp, qua Mỹ, vừa để các sơ học tập, tu đức, vừa để các sơ phục vụ các cộng đoàn Việt Nam trong Giáo phận. Tại Trung tâm, chương trình Việt ngữ Đắc Lộ và sinh hoạt ca đoàn đã được phát triển và thăng tiến nhờ sự hiện diện của các sơ, trong đó có Sơ Trần Thuý-Mai. Tại các cộng đoàn Việt Nam khác, các sơ (như Sơ Têrêsa Phượng, Sơ Vân, Sơ Trinh, Sơ Hạnh, Sơ Hường, Sơ Huyền, Sơ Thảo, Sơ Loan, v.v.), cũng đã cộng tác đắc lực với quý cha để phụ giúp các ngài trong công tác mục vụ, thánh nhạc, và xã hội.

  Tổ chức theo chỉ đạo mới của Giáo phận: Khi Đức Tổng Giám mục Brunett về cai quản địa phận, Ngài đã đưa ra một chỉ đạo mục vụ mới qua Văn bản ‘Many Gifts, One Spirit: Church Governance through Consultative Leardership’ (Nhiều Đặc Sủng, Một Thánh Thần: Điều hành Hội Thánh thông qua cách lãnh đạo tham vấn) thay thế cho văn bản ‘You Are the Branches’. Để đáp ứng chỉ đạo này cũng như thi hành đúng đắn chức năng Tổng Đại diện (Episcopal Vicar) cho Đức Cha lo mục vụ cho giáo dân Việt Nam trong Giáo phận, Cha Phượng đã chỉ đạo việc soạn một văn bản để hướng dẫn tổ chức lại Cộng Đồng. Một ban soạn thảo qui chế được thành lập, gồm các ông Phạm Xuân Vinh (trưởng ban), Nguyễn Văn Lành, Nguyễn An Quý, Trần Ngữ, Nguyễn Hữu Cần, Nguyễn Xuân Thu, Phạm Ngọc Tuyền, Vũ Duy Hướng, Nguyễn Văn Kiên, Nguyễn Thanh Lâm, Bùi Hữu Thư, cô Nguyễn Thu Vân, Thầy Phó tế Nguyễn Đức Mậu, Bác sĩ Giáp Phúc Đạt và Bác sĩ Lê Văn Thu (phụ trách phác thảo).

    Sau nhiều tháng bàn thảo dưới sự chỉ đạo của Cha Hoàng Phượng, một bản văn có tên ‘Hướng dẫn về Tổ chức và Điều hành Cộng đồng Công giáo Việt Nam Tổng Giáo phận Seattle’ đã được soạn xong. Bản văn đã được các ông Nguyễn Văn Lành, Phạm Ngọc Tuyền, Phạm Xuân Vinh và BS Giáp Phúc Đạt chuyển qua Anh ngữ để giúp giới trẻ có thể thấu hiểu và áp dụng khi sinh hoạt. Cuối cùng, anh Nguyễn Kiên đã giúp trình bày văn bản theo dạng e-book, đồng thời ấn hành thành văn bản chính thức trên giấy. (Rất tiếc, bản e-book nay đã bị thất lạc). Văn kiện Tổ chức và Điều hành ấy đã được long trọng ban hành ngày 25 tháng 11 năm 2007 nhân lễ Kính các Thánh Tử đạo Việt Nam với sự hiện diện của hầu hết các cộng đoàn địa phương cùng các ban ngành đoàn thể.

     Điểm đặc biệt của văn kiện mới này là vai trò Tổng Đại diện của Cha Hoàng Phượng mà Đức Cha đã giao phó, qua đó Cha sẽ có trách nhiệm rộng rãi hơn và nặng nề hơn trong công tác mục vụ, không những chỉ cho 11 cộng đoàn Việt Nam, mà còn cho bất cứ người Việt Công giáo nào sống và sinh hoạt trong địa phận, nhưng ở địa phương không có linh mục Việt Nam, một khi họ có nhu cầu mục vụ. Trong chiều hướng phục vụ đó, bản văn này đã nói lên tinh thần kết hợp giữa hàng ngũ linh mục, tu sĩ nam nữ Việt Nam đông đảo đang phục vụ trong Giáo phận, cùng với sự cộng tác chân thành từ các tầng lớp giáo dân ở khắp 11 cộng đoàn, gắn bó thành một tập thể lớn mạnh, có tổ chức chặt chẽ trong tinh thần yêu thương và đoàn kết, để cùng nhau phục vụ Giáo hội và tha nhân trong một tinh thần chung: Nhiều Đặc Sủng, Một Thánh Thần.

    Nói chung, trong thời gian Cha Phêrô Hoàng Phượng lãnh đạo Cộng Đồng, mặc dù có nhiều khó khăn, nhưng với sự hợp tác của các linh mục và tu sĩ Việt Nam, cùng với tinh thần hoà đồng của Cha khi làm việc với các giới chức, mọi trở ngại đều đã được vượt qua; và nhờ đó, Cộng đồng Công giáo Việt Nam Tổng giáo phận Seattle đã trưởng thành về nhiều mặt, và đã ghi được một điểm son trong quá trình xây dựng và phát triển.

     Đến ngày 19 tháng 11 năm 2010 thì Cộng Đồng các Thánh Tử Đạo Việt Nam tại Seattle được chính thức giải thể.

Một giáo xứ tòng nhân (còn gọi là thể nhân) cho giáo dân Công giáo Việt Nam được thành lập và Linh mục Gioakim Đào Xuân Thành được cử về làm Chính xứ tiên khởi bởi một sắc lệnh của Đức Tổng Giám mục Alexander Brunett. (Xin đọc qua phần Lịch sử Giáo xứ để biết thêm chi tiết).

    Sự tổ chức của Cộng Đồng từ nay bước qua một khúc ngoặt mới với một số cộng đoàn Việt Nam ở xa Seattle được hội nhập vào các giáo xứ người bản địa, nhưng vẫn được các linh mục chính hay phó xứ gốc Việt tại địa phương chăm sóc về mục vụ theo truyền thống dân tộc. Các linh mục gốc Việt và các cộng đoàn ấy vẫn cố gắng duy trì nếp sống văn hoá và truyền thống giữ đạo của cha ông cho các thế hệ con cháu. Âu cũng là hồng phúc Chúa ban cho người Việt tị nạn chúng ta khi Tổng Giáo phận Seattle có nhiều linh mục tu sĩ Việt Nam dấn thân phục vụ trên cánh đồng truyền giáo.
biên soạn: Phạm Xuân Vinh và Lê Văn Thu




Linh mục Gioakim Lê Quang Hiền
Tuyên úy tiên khởi của Cộng Đồng


Tiểu sử:

Cha Gioakim Lê Quang Hiền sinh năm 1946 tại Hòa Vang, Quảng Nam. Hồi nhỏ, học tại trường tiểu học Thánh Giuse, Giáo xứ Chính tòa, Đà Nẵng. Lớn lên, vào Tiểu chủng viện Làng Sông, Qui Nhơn, rồi vào Giáo hoàng Học viện Piô X, Đà Lạt (khoá IX). Khi qua Mỹ, Ngài học thêm về Applied Spirituality (tạm dịch: Tu đức Thực nghiệm) và tốt nghiệp Cao học ở University of San Francisco năm 1983.

     Cha Hiền được Đức Giám mục Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi truyền chức linh mục ngày 22 tháng 12 năm 1974 tại nhà thờ Chính toà Đà Nẵng.

     Khi miền Nam sụp đổ cuối tháng Tư năm 1975, Ngài theo dòng người tị nạn cộng sản lưu lạc qua trại Fort Chaffee, Tiểu bang Arkansas, và phục vụ tại đây như một tuyên uý cho đến tháng 9 năm 1975 thì được mời qua Tổng Giáo phận Seattle làm tuyên uý cho tập thề người Công giáo Việt Nam tị nạn Cộng sản. Đến tháng Tư năm 1977, Ngài xin đổi qua phục vụ tại Giáo phận Spokane. Tại Spokane, Ngài phục vụ với nhiều tư cách, từ phó xứ, chính xứ nhiều giáo xứ, đến Giám đốc Linh hướng cho Chủng viện Bishop White Seminary (28 tháng 9 năm 1978). Chính ở Giáo phận Spokane, Ngài đã có cơ hội sống tận hiến cuộc đời linh mục trong niềm hân hoan vì đã thực hiện được những ước mơ mà Ngài hằng ôm ấp. Cũng qua thời gian phục vụ tại Giáo phận Spokane, Cha đã được Đức Giám mục địa phận giới thiệu với Đức Tổng Giám mục Chủ tịch Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, để qua cơ hội này Ngài giải thích về chiến tranh Việt Nam cho Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, vốn bị giới truyền thông Mỹ hướng dẫn sai lạc. Sau khi Đức Tổng Giám mục Nguyễn Văn Thuận, là người mà gia đình Cha Hiền rất thân, được cộng sản phóng thích năm 1988, và qua sự liên hệ với Đức Hồng y Phạm Đình Tụng tại Hà Nội, lúc ấy là Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, Cha Hiền trở thành người liên lạc (liaison) giữa hai Hội đồng Giám mục Việt Nam và Hoa Kỳ.

     Ngài chính thức về hưu từ tháng 7 năm 2012, nhưng Ngài vẫn là Uỷ viên Giao tế của Liên đoàn Công giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ, và vẫn làm trung gian liên lạc giữa Hội đồng Giám mục Việt Nam và Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ. Ngài cũng đóng vai trò tư vấn trong hai tiến trình phong Chân phước và Hiển thánh cho Cố Hồng y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận và Cố Linh mục Phanxicô Xavie Trương Bửu Diệp.

Phục vụ:

     Cha cho biết khi ở trại Fort Chaffee thì nhận được lá thư của Đức Tổng Giám mục Hunthausen từ Seattle cho biết muốn mời một linh mục Việt Nam về Tiểu bang Washington để chăm sóc mục vụ cho khoảng 400 người Công giáo trong đợt 2000 người Việt Nam tị nạn đầu tiên được Cơ quan USCC bảo trợ. Vì đã có dịp đọc qua và thích cái ‘design’ của Space Needle, Cha Hiền “bạo phổi” nhận lời về Seattle, nơi mà nhiều người Việt lúc ấy còn xa lạ và nghĩ rằng rất lạnh và hẻo lánh.

     Cha đã đặt chân xuống phi trường Seattle ngày 15 tháng 9 năm 1975. Ngay khi về Giáo phận, Cha đã được bổ nhiệm làm Phó xứ Nhà thờ Chánh toà St. James, đồng thời làm Vicar (đại diện Đức Tổng) lo mục vụ cho cộng đồng người Công giáo Việt Nam. Công việc lúc đầu của Cha Hiền rất gian nan. Giáo dân Việt Nam ở rải rác từ Bellingham, cực bắc, xuống Vancouver, cực nam. Thời gian đầu chưa có ban điều hành hay người phụ tá, Cha đã phải tự “lần mò” tìm ra giáo dân của mình. May mắn, lúc ấy có ông Paul Nguyễn, là nhân viên của USCC Seattle, đã tập họp được một số giáo dân cư ngụ trong vùng, và mời Cha dâng thánh lễ đầu tiên cho họ tại một nhà thờ ở White Center. Sau đó, Cha gặp được các ông bà Nguyễn Phi Hùng và Nguyễn Văn Lạc, được các vị này giúp đỡ thêm. Với vốn liếng tiếng Anh hạn chế, tuy viết và đọc khá vững, nhưng chưa nói quen, nên Cha đã dâng lễ cho giáo dân Mỹ ở nhà thờ Chính toà bằng tiếng Anh, nhưng lại giảng bằng tiếng Pháp, và được một vị đại tá người Mỹ dịch qua tiếng Anh. Việc này không thể kéo dài vì gây trở ngại về thời gian cho giáo dân Mỹ, nên Cha đã cố gắng trau dồi Anh ngữ bằng cách tự học, và nhờ người Mỹ giúp sửa giọng. Chỉ trong thời gian ngắn, Cha Hiền đã vượt qua được trở ngại này. Lễ thứ hai cho giáo dân Việt Nam là một lễ cưới ở Bothel cho một cặp mà chồng là Công giáo, và vợ theo Phật giáo. Cặp này được một gia đình Tin Lành bảo trợ, nên lễ cưới đã được làm trong một nhà thờ Tin Lành với phép đặc biệt của Đức Cha Hunthausen.

     Cha đã cử hành thánh lễ “Giáng Sinh” đầu tiên cho cộng đồng Việt Nam tại nhà thờ Chính toà St. James vào ngày 10 tháng 12 năm 1975. Trong ngày này, Ban Điều hành “đầu tiên” của tập thể người Công giáo Việt Nam đã được ra mắt. Cha cũng gởi ra một lá thư đầy xúc cảm cho những người mà hoàn cảnh cũng như Cha: rời quê hương yêu dấu, bỏ lại sau lưng những người thân thương để qua sống ở một nơi xa lạ, từ ngôn ngữ đến tập tục, từ nếp sống đến thực phẩm, và đã phải trải nghiệm những tháng ngày gian truân, vất vả. Ngày 18 tháng 5 năm 1976, Cha đã gởi lên Đức Tổng Giám mục Giáo phận một bản nhận xét của Cha về sinh hoạt của cộng đồng người Việt, trong cũng như ngoài Công Giáo, và trình bày nhu cầu của Cộng đồng Công giáo Việt Nam. Trong bản nhận xét này, Cha đã đề cập đến những điểm tích cực và tiêu cực của cộng đồng tị nạn nói chung, từ việc có quá nhiều cơ quan thiện nguyện, đoàn thể lo cho một “nhúm người” tị nạn, đến những phân hoá và ganh tị giữa các cơ quan ấy; từ tâm lý suy trầm của mọi người nói chung do việc phải lìa xa quê hương, bỏ lại sau lưng vợ chồng, con cái, cha mẹ, đến những khó khăn khi phải sống ở một nơi có nếp sống, văn hóa, ngôn ngữ, thực phẩm khác biệt; từ việc người già khó có thể hội nhập vào cuộc sống bên này, đến giới trẻ chưa rành tiếng Anh để theo học các lớp giáo lý tại các giáo xứ bản địa. Thêm vào đó, đức tin bị lung lạc và thử thách khi người Công giáo Việt Nam được người Tin Lành bảo trợ, phải sống gần gũi với họ, và theo họ đi lễ ở các nhà thờ Tin Lành. Cha cũng bày tỏ về nỗi băn khoăn làm sao bảo vệ được giá trị văn hoá và tôn giáo truyền thống của người Việt. Từ những khó khăn và ưu tư nói trên, Cha đề nghị Giáo phận giúp đỡ để Cộng Đồng có được một nơi cho mọi người qui tụ, sinh hoạt tôn giáo, mục vụ, và cho giới trẻ có chỗ để học hỏi giáo lý bằng tiếng Việt. Cũng do nhu cầu thông tin, Cộng Đồng cũng cần xuất bản một bản tin trong nội bộ. Cha ước mơ trung tâm ấy sẽ được mở rộng cho cả người ngoài Công Giáo đến sinh hoạt, từ đó Giáo hội có cơ hội truyền bá đức tin. Cha cũng dự trù xin thêm linh mục Việt Nam về giúp. Lúc ấy, Cha Hiền mới 30 tuổi!

    Tại Giáo phận Spokane, khi còn phục vụ với tư cách phó hay chính xứ, cũng như sau khi nghỉ hưu, Cha thường được mời đi giảng tại nhiều giáo xứ bản địa trong Giáo phận Spokane và các cộng đồng Công giáo Việt Nam tại Mỹ, cũng như ở nhiều nước khác, vì giảng thuyết vốn là sở trường của Cha. Chuyên đề mà Ngài thường trình bày là canh tân giáo xứ, giới trẻ, gia đình và văn hóa, sự liên hệ trong tiến trình tự chuyển hóa giữa Đông và Tây. Nhiệt tình phục vụ và sức làm việc của Cha Lê Quang Hiền không bao giờ suy giảm dù Ngài bây giờ đã trên 70 tuổi!

Phỏng vấn và biên soạn: Lê Văn Thu và Phạm Xuân Vinh



Linh mục Quản nhiệm Antôn Phan Hữu Hậu

Cha Antôn Phan Hữu Hậu sinh ngày 1 tháng Mười năm 1930 (Canh Ngọ) tại Hà Tĩnh, bắc Trung phần Việt Nam. 

Năm 1939, mới 9 tuổi, cậu được Cha Phanxicô Xavie Gônet (cố Yên), Quản hạt Văn Hạnh, đỡ đầu cho vào tu học tại Nhà tập (probatorum) Xứ Văn Hạnh thuộc Hạt Văn Hạnh. Từ năm 1941 đến 1945, cậu theo học bậc tiểu học tại Nhà tập Xuân Phong, Giáo phận Vinh. Từ 1945 đến 1953, cậu vào Tiểu Chủng viện Vinh Thanh của Giáo phận Vinh. Năm 1953, cậu đi giúp Xứ Cầu Rầm, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, do Cha Phùng Việt Mỹ làm chính xứ.

Cậu di cư vào miền Nam khi đất nước bị chia đôi bởi Hiệp định Genève năm 1954, và tạm ở lại Phan Thiết, Trung phần, để giúp xứ đạo Vinh Thuỷ của Cha xứ Lê Trọng Khiêm. Sau đó, cậu vào miền Nam học trung học đệ nhị cấp, môn triết, tại Trường Lê Bảo Tịnh, tỉnh Gia Định, năm 1957.
Sau khi đậu tú tài toàn phần năm 1959, cậu được nhận vào Đại Chủng viện Thánh Giuse, Saigon, và học thần học tại đây. 

Ngài thụ phong linh mục ngày 23 tháng Tư năm 1963, chủ phong bởi Đức Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình tại Nhà thờ Chính toà Sài Gòn. 

Sau khi thụ phong, Ngài được bài sai về tỉnh Pleiku làm Phó xứ Đức Hưng (1963), Chính xứ Sùng Lệ (1964), Chính xứ Thánh Tâm (1965), Phó xứ Hiếu Đạo kiêm phụ tá tuyên uý quân đội cho Tiểu khu (1966). Sau đó, năm 1967, Ngài về làm Chính xứ Giáo xứ Đức An kiêm Tuyên uý quân đội Tiểu khu Pleiku cho đến khi mất nước. 

Khi miền Nam bị mất vào tay Cộng sản cuối tháng Tư năm 1975, Ngài theo dòng người tị nạn di cư qua Mỹ. Ngài được Cha Thomas, Chính xứ Giáo xứ Queen of Peace, Giáo phận Fort Worth, Tiểu bang Texas, bảo trợ. Tại Texas, Ngài cũng làm Tuyên uý cho Cộng đoàn Công giáo Việt Nam tại Wichita Falls từ tháng Mười năm 1975. Đến tháng Năm năm 1976 thì Ngài chuyển về phục vụ tại Trung tâm Công giáo Việt Nam ở Orange County, Tiểu bang California. 

Đến ngày 19 tháng Mười Hai năm 1977 thì Ngài được Đức Hunthausen, Tổng Giám mục Địa phận Seattle, mời về làm Tuyên uý cho Cộng Đồng Công giáo Việt Nam tại đây. Từ đó, Cha đã tận tuỵ phục vụ, cố gắng quy tụ đoàn chiên Việt sống rải rác trong địa phận lại thành một cộng đoàn đức tin có tổ chức, đồng thời tậu mãi các cơ sở vật chất làm nơi thờ phượng và sinh hoạt, bước đầu tiến tới tự túc về tài chánh cho Cộng Đồng. Đến năm 1989, vì lý do sức khoẻ, Ngài phải đi dưỡng bệnh một thời gian. Ngài chính thức nghỉ hưu từ năm 1991.

Ngài về lại Việt Nam sống từ năm 2003, cư ngụ tại nhà người em trai, Giáo xứ Hải Sơn, Địa phận Bà Rịa, Vũng Tàu. Đến năm 2016 thì Ngài về lại sinh quán, Giáo xứ Mỹ Lộc, Giáo hạt Văn Hạnh, Giáo phận Vinh.

Lúc 10 giờ tối ngày 23 tháng Tư năm 2017 (giờ Việt Nam), đúng ngày thụ phong linh mục 54 năm trước, Ngài tạ thế, hưởng thọ 87 tuổi. Ngài ra đi để lại nhiều thương tiếc không những cho người thân yêu trong gia đình, mà còn cho tập thể người Công giáo Việt Nam đã từng được Ngài chăm sóc, từ Việt Nam đến Hoa Kỳ, đặc biệt là tại Tổng Giáo phận Seattle. Xin Chúa sớm đưa linh hồn Cha Antôn về Nước Hằng Sống nơi Thiên quốc.

                                                                        Biên soạn: Phạm Xuân Vinh và Lê Văn Thu
(hình ảnh: Nguyễn Thanh Lâm, dữ liệu: Phan Lan Hương)



             
Linh Mục Anphong Trần Đức Phương

Tiểu sử:

    Linh mục Anphong Trần Đức Phương sinh năm 1936 ở Hà Nội, theo học tại Tiểu Chủng viện cùng tỉnh lúc còn nhỏ. Năm 1954, tiểu chủng sinh Phương theo gia đình di cư vào Nam và tu tập tại Giáo Hoàng Học viện Piô X, Đà Lạt, sau khi đỗ tú tài II bậc trung học. Sau khi thụ phong linh mục ngày 29 tháng Tư năm 1965 tại Giáo phận Đà Lạt, Cha giúp giảng dậy tại Tiểu Chủng viện Simon Hoà của Giáo phận. Sau đó, Cha được trưng tập làm tuyên úy, cấp bậc thiếu tá, cho các trường Võ bị Quốc gia, Chiến tranh Chính trị và Chỉ huy Tham mưu ở Đà Lạt từ năm 1969 cho đến ngày mất miền Nam.

Từ sau ngày 30 tháng Tư năm 1975, Ngài bị chế độ mới bắt đi tù cải tạo, rồi quản chế tại gia, cho đến năm 1981 thì vượt biên qua Thái Lan, và được hưởng qui chế tị nạn tại Mỹ dành cho các cựu quân nhân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Ngài đến San Jose, Tiểu bang California, năm 1982. Tại đây, Ngài lấy được văn bằng cao học (master degree) ngành xã hội của trường San Jose State University. Ngài đã liên tục phục vụ về mục vụ cho đồng hương thuộc các giáo xứ ở Montery, Oakland, và Santa Rosa thuộc Giáo phận San Jose trong suốt thời gian cư ngụ tại đây.

Ngày 14 tháng 1 năm 1990, Cha Trần Đức Phương được Đức Tổng Giám mục Raymond Hunthausen mời về Seattle làm tuyên uý (chaplain) cho Cộng đồng Công giáo Việt Nam thuộc Tổng Giáo phận. Tại đây, Ngài đã phục vụ với tư cách quản nhiệm cho đến năm 2001 thì được điều về Giáo xứ Mary Magdalen ở Everett. Năm 2003, Ngài về với Giáo xứ St. James ở Vancouver. Năm 2006, Ngài lại được điều về Cộng Đồng phụ giúp Cha Tổng Quản Phêrô Hoàng Phượng. Năm 2007, Ngài về Giáo xứ St. Mary ở Centralia. Đến năm 2011, Ngài bị chứng tai biến mạch máu não khá trầm trọng đến mức phải giải phẫu sọ não, nhưng với sự quan phòng cách đặc biệt của Thiên Chúa, Ngài đã vượt qua được và phục hồi gần như hoàn toàn. Ngài được Đức Tổng Giám Mục Brunett cho phép về hưu sau tai biến ấy. Nhưng, từ năm 2012, Ngài lại được Toà Tổng phân bổ về Giáo xứ Immaculate Conception ở Everett phục vụ cộng đoàn Việt Nam ở đó với tính cách “cha già cố” (Senior Priest). Gần đây, chứng tai biến mạch máu não tái phát khiến Ngài đi lại khó khăn. Trong suốt thời gian Cha Anphong Trần Đức Phương về phục vụ tại Cộng Đồng cũng như ở các giáo xứ bản địa thuộc Tổng Giáo phận, Ngài đã đi rất nhiều để giúp công tác mục vụ cho giáo dân thuộc các cộng đoàn Việt Nam địa phương. Bất cứ nơi nào cần là có bước chân của Ngài. 
Công tác gây quĩ và tậu mãi các cơ sở: 
Cha Phương đã được sự hợp tác tích cực của nhiều tầng lớp giáo dân, kể cả các ban ngành đoàn thể trong Cộng Ðồng, qua các Ban Thường vụ và Hội đồng Ðại diện thời các ông Chủ tịch Phạm Quí Hậu (1990-1993), Nguyễn Văn Lành (1993-1996), và Nguyễn Xuân Thu (1996-2000), nên Cộng Đồng đã không những trả hết được các món nợ do việc xây cất ngôi nhà thờ thời Cha Phan Hữu Hậu, mà còn tiếp tục tậu mãi thêm nhiều cơ sở, như mấy căn nhà quanh nhà thờ, với mục đích phát triển khu vực thành một trung tâm sinh hoạt đa diện phục vụ cho các lợi ích của Cộng Ðồng, tạm đủ chỗ sinh hoạt cho các hội đoàn Công Giáo Tiến Hành, cho các ca đoàn, cũng như cho thanh thiếu niên, và trong ước vọng cho cả các đồng hương ngoài Cộng Ðồng về sau. Với đà phát triển về số giáo dân, Cha và Hội đồng Ðại diện đã quyết định mua thêm một ngôi nhà nguyện của người Do Thái ngoài góc đường 12 và Spruce, gần Trung tâm, với ý định xây một nhà thờ mới có sức chứa gấp đôi ngôi nhà thờ hiện tại. Các việc tậu mãi này đều đã được các chuyên gia về địa ốc của Toà Tổng khuyến khích, và đã được các Ðức Tổng Giám mục bản quyền chúc phúc và chấp thuận. 
Công tác tổ chức và điều hành:
Cha Trần Đức Phương, ngoài thành tích phát triển các cơ sở vật chất cho Cộng Ðồng, còn đặt nền móng tổ chức vững chắc cho Cộng Ðồng qua việc hình thành và ban hành văn bản “Chúng Ta Là Ngành” (xin đọc thêm trong phần lịch sử của Cộng Đồng để biết chi tiết về nguyên nhân soạn thảo và nội dung văn bản)
Công tác mục vụ và tu đức:
Tại trung tâm, dưới thời Cha Phương lãnh đạo, rất nhiều đoàn thể mới được thành lập, như Hội Các Bà Mẹ, Hội Legio Mariae, Hội Liên Minh Thánh Tâm, v.v.. Với sự nở rộ các đoàn thể Công giáo Tiến hành đó, đời sống đức tin trong tập thể giáo dân đã được phát triển và thăng tiến. Nhiều khóa tu đức và sinh hoạt giới chức được tổ chức. 
Cha Quản Nhiệm Trần Đức Phương và Cha Phụ tá Nguyễn Sơn Miên đã thay phiên đến nhiều cộng đoàn vào những ngày Chúa Nhật để dâng thánh lễ cho giáo dân Việt Nam. Cha Quản Nhiệm cũng đã phối hợp với các linh mục Việt Nam trong Tổng Giáo phận để ban các bí tích cần thiết cho giáo dân, cũng như dâng thánh lễ vào những ngày Chúa Nhật, mỗi khi hai cha tại trung tâm không tới được.
Với kiến thức sâu rộng về kinh thánh, và với tinh thần trách nhiệm của một Mục Tử tốt lành, Cha đã thường xuyên nhắc nhở giáo dân sống đúng đức bác ái và công bình trong Phúc Âm, tránh xa các trào lưu xấu của xã hội thời ấy như ly dị giả để hưởng trợ cấp xã hội, đứng tên con cái để mua nhà rồi thuê lại dưới sự trợ cấp của chính quyền địa phương, kiếm lợi nhuận bằng tiền mặt mà không đóng thuế, v.v.. Ngoài ra, Ngài cũng thường xuyên viết những bài thuyết giảng về Thánh Kinh và đưa lên mạng internet để giúp giáo dân suy niệm trước các thánh lễ Chúa Nhật.
Ban An Ninh của Cộng Đồng cũng được thành lập vào thời kỳ này để giữ gìn an ninh trật tự cho các buổi lễ và sinh hoạt tại trung tâm. Nhờ thế tình trạng mất trật tự lúc đậu xe, nạn đập phá và ăn cắp xe không còn xảy ra nữa. Ngoài ra, công tác lo hậu sự cho giáo dân tại Đất Thánh Holyrood cũng đã được Cha Quản Nhiệm và một số cựu giới chức quan tâm tiến hành, và cao điểm là một đài Đức Mẹ Lavang đã được dựng lên tại nơi có nhiều phần mộ người Việt Nam trong nghĩa trang, và được Đức Tổng Giám mục Brunett ban phép lành năm 1998.
Kết luận:
Với tinh thần cởi mở và quyết tâm áp dụng đúng đắn các giáo huấn của Công Đồng Vaticano đệ Nhị, được nhắc lại trong các văn kiện của Tòa Tổng Giám mục Seattle thời các Đức Cha Hunthausen và Murphy, và với bản văn “Chúng Ta Là Ngành” mà cha con đã cùng nhau hợp soạn, Cha Anphong Trần Đức Phương đã được toàn thể giáo dân, đặc biệt là các giới chức làm việc chung với Cha, thành tâm thành ý hợp tác và phục vụ, khiến cho nhiều công tác được hoàn thành mỹ mãn, từ mục vụ, tu đức, đến gây quĩ và tậu mãi các cơ sở vật chất. 
Ngày nay, trước sức khoẻ suy yếu và tuổi tác của Ngài, giáo dân Việt Nam luôn cầu nguyện để Ngài được bình an và phó thác Ngài cho Đấng Quan Phòng.
Phỏng vấn và biên soạn: Phạm Xuân Vinh và Lê Văn Thu


LINH MỤC ANTÔN VŨ HÙNG TÔN
(1937-2014)

Trong niềm “tin tưởng nơi Chúa để Người hành động,” Cha Antôn Vũ Hùng Tôn đã hăng say tận hiến phục vụ Thiên Chúa và Giáo Hội trong tinh thần phó thác cho đến phút cuối cuộc đời.  Ngài đã được Chúa thương gọi về quê Trời vào lúc 5 giờ 43 phút chiều, giờ địa phương, ngày thứ Tư, 10 tháng 9 năm 2014 tại Bệnh viện Providence, Portland, Oregon.
Linh mục Antôn Vũ Hùng Tôn chào đời ngày 9 tháng 6 năm 1937 trong một gia đình đạo hạnh tại làng Đa Nam, Giáo xứ Kẻ Rừa, Giáo phận Thanh Hoá. Thân phụ của Ngài là Ông Cố Giuse Vũ Văn Vọng, và thân mẫu là Bà Cố Maria Cù Thị Tài.  Gia đình gồm 4 anh em trai và 3 chị em gái. Cha Tôn là con thứ 3 trong gia đình. Hiện tại ở Việt Nam Ngài còn có một người anh, một người chị và một cô em gái. Tất cả còn lại đều sống tại Hoa Kỳ.
Những ngày đáng ghi nhớ trong cuộc đời Linh mục Antôn Vũ Hùng Tôn
Cậu bé Antôn Vũ Hùng Tôn nhập Tiểu chủng viện Hoàng Nguyên, Hà Nội, năm 1948. Theo làn sóng di cư vào Nam năm 1954, chú Tôn tiếp tục theo học tại Tiểu Chủng viện Piô XII của Giáo phận Hà Nội, ở Ngã Sáu, Chợ Lớn và mãn tràng năm 1958.
Cũng vào mùa thu năm 1958 này, Thầy Tôn được Bề Trên tuyển chọn gởi theo học tại Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X Đà Lạt, vừa mới được thành lập, trong niên khóa đầu tiên, do các linh mục dòng Tên hướng dẫn.  
Ngài thụ phong linh mục ngày 22 tháng 12 năm 1966 tại Sàigòn, và sau đó Ngài đậu bằng Licentiate Thần Học khóa đầu tiên năm 1967, lần đầu tiên được cấp phát tại Việt Nam.
Bài sai đầu đời linh mục của Ngài là làm Phó xứ chánh tòa Phú Cam của Giáo phận Huế kiêm Hiệu trưởng trường Trung học Thánh Têrêsa, từ năm 1967 cho đến mùa hè 1972.  Cũng trong thời gian này, Ngài đậu thêm Cử nhân Văn khoa tại Đại học Huế.
Ngài bắt đầu du học Hoa Kỳ năm 1974, và năm 1976 ngài đậu C nhân và Cao hc Tâm lý Hướng dẫn tại Đại hc St. Thomas College, Minnesota. Cũng trong thời gian này Ngài kiêm nhim chức Tuyên uý cho các nữ tu dòng Nữ Tỳ Hèn Mọn của Thiên Chúa (Little Sisters of the Poor) tại địa phương.
Từ năm 1978 đến 1984, Ngài đã đảm nhận chức vụ phó xứ tại các Giáo xứ St. Mary Magdalen, All Saints, và Christ the King thuộc Tổng Giáo phận Portland, Oregon.
Năm 1984, Ngài gia nhập Tổng Giáo phận Seattle, Tiểu bang Washington, và đảm nhiệm chức phó xứ tại Giáo xứ St. Joseph, Vancouver.
Năm 1988, Đức Tổng Giám mục Seattle nâng Ngài lên làm Chánh xứ St. James, cũng tại Vancouver, và Ngài giữ chức vụ này cho đến năm 1999.
Năm 2000 ngài được cử làm Quản nhiệm Cộng đồng Công giáo Vit Nam Tng Giáo phn Seattle cho đến năm 2006.
Thấy tuổi mình đã cao, ngài xin về hưu nghỉ việc quản trị giáo xứ vào tháng 7 năm 2006 và tiếp tục hoạt động sứ vụ linh mục trong tuổi về chiều.
S thích và Sinh hot Mc v
Không vướng bận với công việc quản trị giáo xứ nữa, Ngài hăng hái tiếp tục giúp đỡ công tác mục vụ nhiều nơi.  Cha Tôn thường hay nói đùa: “Mình ch là mt Linh mục homeless (vô gia cư); nhưng trong thc tế Ngài đã chọn sng mt cnh hai quê.  Mùa mát thì Ngài hăng say phục vụ ở vùng đất hiền hòa Portland, Tiểu bang Oregon, ph giúp Cha Phêrô Hoàng Thái Bình ti Xứ St. Stephen; và khi Portland bắt đầu lạnh thì Ngài xuôi nam vùng Houston có nắng ấm, cộng tác với Cha Giuse Đoàn Đình Bng Trung tâm Thánh Antôn, Houston, Texas.
Ngay từ khi còn bé, Cha Tôn đã yêu thích âm nhc, nht là thánh nhc. Ngài sáng tác và phát hành mt s sách và đĩa thánh ca được dùng ph thông trong các cộng đồng Công Giáo Vit Nam, đặc bit là tuyn tập “Cng Đồng Cùng Hát”  vi s hp tác ca mt s linh mục bn.
T khi du hc Hoa K, ngài chú trng nghiên cu thêm v m lý gii tr và thăng tiến hôn nhân gia đình. Ngài đã hướng dẫn và phụ giúp rất nhiều khóa Marriage Encounter cho nhiều giáo xứ Mỹ. Cha Tôn đã chuyn dch và viết mt ít sách nhm giúp đỡ các giai đoạn trưởng thành ca con người và nâng đỡ hướng dn cuc sng hôn nhân gia đình ca các đôi v chng tr. Thật vậy, ảnh hưởng mc v hôn nhân ca ngài vn còn được ghi nhn trong nhiu Cng đồng Vit Nam hi ngoại.
Cha Tôn cũng đặc biệt quan tâm đến ơn thiên triệu tu trì. Ngài đã âm thm giúp đỡ nhiu cá nhân cũng như mt s các cơ sở đào tạo linh mục và tu sĩ ở quê nhà; đồng thi ngài cng tác với Cha Đoàn Đình Bng trong các công cuc bo tr và đào to ơn gi tu trì ti một nhà ơn gi Houston, Texas.
Còn một điều đáng để ý nữa là sau khi chính thức về hưu năm 2006, Cha Tôn rất tha thiết đáp ứng đến các nhu cầu của anh em linh mục trong tuổi hưu dưỡng.  Ngài đã bàn tho vi nhiu anh em linh mục và nhất là với Cha Bng, cố gắng quy t các linh mục ln tui về cơ s “Hành trình Tâm linh” tại Houston, nơi mà nói theo kiểu của Ngài, luôn có nng ấm hợp cho anh em linh mục mang dòng máu Việt và “thun tin mi đàng cho các đng” vì có đông người Việt Nam.
Nhưng, “nhân hoạch, thiên định”, mộng mới bắt đầu nở hoa, chưa được trái chín, thì Chúa đã gọi Ngài về nhà Cha để hp lời Magnificat vi M và ca đoàn thn thánh chúc tng danh thánh Chúa muôn đời trên Thiên quc, cầu nguyện cho hoa quả khởi đầu của mình có ngày thành trái chín, cũng như cầu nguyện cho tất cả chúng ta.
  biên soạn: Lm Gioakim Lê Quang Hiền

Linh Mục Phêrô Hoàng Phượng

Tiểu sử:
Linh mục Phêrô Hoàng Phượng sinh năm 1961 tại thành phố Nha Trang, Giáo phận Nha Trang, thuộc Giáo tỉnh Huế. Thuở nhỏ, sau bậc tiểu học, cậu theo học với các sư huynh Dòng Lasan. Năm 1975, cậu theo gia đình di tản qua Mỹ và tới định cư tại Tiểu bang Washington. Tại đây, cậu tham gia các sinh hoạt của Cộng đồng Công giáo Việt Nam Tổng Giáo phận Seattle, và là thành viên của Ca đoàn Cecilia. Năm 1986, sau khi tốt nghiệp đại học, người thanh niên đầy nhiệt huyết này được Giáo phận Seattle gởi vào Đại Chủng viện St. Meinrad Archabbey ở tiểu bang Indiana.

Ngày 10 tháng 6 năm 1989, Thầy Sáu Hoàng Phượng được tấn phong linh mục bởi Đức Cha Raymond Hunthausen, Tổng Giám mục Seattle, tại nhà thờ Chánh toà St. James. Sau khi thụ phong, Linh mục Phêrô Hoàng Phượng được cử làm phó xứ các xứ St. Charles Borromeo ở Tacoma (1989-1992) và St. Mary Magdalen ở Everett (1992-1995). Ngài được bổ nhiệm làm chánh xứ tại giáo xứ Holy Family ở Auburn từ năm 1995 đến 2006.
Trong suốt thời gian ở giáo xứ Holy Family, Ngài cũng coi sóc cộng đoàn Thánh Tâm, là một cộng đoàn trực thuộc Cộng đồng Công giáo Việt Nam của Tổng Giáo phận Seattle. Được biết, cộng đoàn Thánh Tâm đã có những sinh hoạt rất phong phú và đa dạng từ ngày Cha Hoàng Phượng về đây làm chánh xứ.

Đến năm 2006, Ngài được Đức Cha Alexander Brunett, Tổng Giám mục Seattle, bổ nhiệm làm Tổng Đại diện cho Đức Cha lo mục vụ cho tập thể người Công giáo Việt Nam cư ngụ trong giáo phận, đồng thời làm Quản Nhiệm Cộng đồng Công giáo Việt Nam. Với hai chức vụ ấy, Ngài được giáo dân Việt Nam trong Cộng đồng gọi chung là Tổng Quản của Cộng đồng. Từ năm 2011 đến nay, Ngài cai quản hai giáo xứ St. Gabriel ở Port Orchard và Prince of Peace ở Belfair với tư cách Linh mục Chánh xứ.

Công tác mục vụ:
Trong thời gian Cha Hoàng Phuợng đảm trách chức vụ Tổng Đại diện (Episcopal Vicar) chăm sóc mục vụ cho giáo dân Công giáo Việt Nam trong Tổng Giáo phận và làm Quản nhiệm Cộng đồng Công giáo Việt Nam tại đây, Ngài đã đề ra những kế hoạch ngắn và dài hạn. Với sự giúp đỡ của các linh mục và tu sĩ Việt Nam trong giáo phận cũng như sự hợp tác chặt chẽ của hàng ngũ giáo dân, công tác mục vụ tại các địa phương được tiến triển một cách tốt đẹp. Tại cộng đoàn La Vang (Bellingham), các linh mục trẻ như Cha Trần Phong Vũ, Cha Nguyễn Quí Thạc – ngoài nhiệm vụ lo cho giáo xứ bản địa - đã hợp tác với Ngài chăm sóc mục vụ cho giáo dân Việt Nam cư ngụ trong vùng. Tại cộng đoàn Trinh Vương (Everett), Cha Tổng quản Hoàng Phượng và Cha Phụ tá Nguyễn Sơn Miên thay phiên nhau lên cử hành lễ Chủ Nhật và ban các phép bí tích. Tại cộng đoàn Phêrô (Southwest), công tác mục vụ lo cho giáo dân được giao cho Cha Trần Hữu Lân. Ở cộng đoàn Thánh Tâm (Auburn), Cha Đào Xuân Thành, Quản xứ (Priest Administrator) giáo xứ Philomena, cùng với hai cha từ trung tâm, giúp mục vụ cho giáo dân tại đây mỗi Chúa Nhật. Cha Miên và Cha Phượng cũng thay phiên nhau xuống Olympia mỗi 2 tuần một lần lo mục vụ cho cộng đoàn Thánh Martin de Pores. Các cộng đoàn Long View và Vancouver thì ở quá xa về phía nam; trong 6 tháng đầu, Cha Phượng đã thường xuyên xuống giúp và tìm hiểu nhu cầu. Sau đó, may mắn có Cha Hoàng Bình, chánh xứ một giáo xứ miền Nam của Tổng Giáo phận Portland, tình nguyện qua giúp công tác mục vụ cho giáo dân Việt Nam tại đây, nên Cha Phượng cũng đỡ vất vả. Riêng tại cộng đoàn Thánh Giuse (Tacoma), Cha Nguyễn Anh Tuấn, chánh xứ 6 giáo xứ bản địa, là người trực tiếp lo cho giáo dân tại đây. Các cộng đoàn quanh trung tâm, như Fatima (North Seattle), Mông Triệu (Bellevue) và Mân Côi (Central) thì trực tiếp sinh hoạt đều đặn tại trung tâm.

Sinh hoạt văn hóa và tu đức:
Các lớp giáo lý và Việt ngữ đã được đông đảo các em tham gia. Các sinh hoạt Công giáo Tiến hành, đặc biệt là của các đoàn thể trẻ như ca đoàn, cũng rất sầm uất. Do nhu cầu của giới trẻ, Cộng Đồng đã phải hợp đồng với giáo xứ Immaculate Conception trong tinh thần hỗ tương để có thêm phòng ốc cho các em sinh hoạt, và qua hợp đồng này, Cộng Đồng đã phải chi ra một ngân khoản khá lớn. Từ đó, Cha Tổng Quản và Hội đồng Mục vụ cũng như các giới chức quan tâm đã không ngừng suy nghĩ về việc tìm mua cơ sở mới hoặc mở mang trung tâm sao cho rộng đủ để giải quyết nhu cầu phòng ốc, nhằm giúp các đoàn thể và giới trẻ sinh hoạt thoải mái, và Cộng Đồng có được một ngôi thánh đường khang trang hơn. Rất tiếc, vào thời điểm ấy, các yếu tố khách và chủ quan đã không thuận lợi để ước mơ ấy trở thành hiện thực.

Trong tinh thần muốn giáo dân Việt Nam trong toàn Tổng Giáo phận có sự gắn bó với nhau trên tình tự dân tộc và truyền thống tôn giáo tốt đẹp của cha ông, Cha Tổng Quản đã đặt ra các chương trình huấn luyện giáo lý viên, tổ chức các buổi rước kiệu Đức Mẹ La Vang chung, qui tụ các ca đoàn từ các cộng đoàn để thành lập ca đoàn tổng hợp trong các dịp lễ lớn, và tổ chức các lớp học hỏi về hạnh các Thánh Tử đạo Việt Nam, gương thánh của Đức cố Hồng y Nguyễn Văn Thuận. Từ các sinh hoạt đó, một CD nhạc đạo do các ca đoàn phối hợp thực hiện đã được phát hành, và một quyển kinh song ngữ đã được xuất bản nhằm giúp các em nhỏ dễ dàng trong lúc đọc kinh tối cùng gia đình.

Đặc biệt là qua sự trung gian của Cha Tổng Quản, Tòa Tổng Giám mục Seattle đã bảo trợ rất nhiều sơ thuộc Dòng mến Thánh giá Gò Vấp qua Mỹ, vừa để các sơ học tập, tu đức, vừa để các sơ phục vụ các cộng đoàn Việt Nam trong Giáo phận. Tại trung tâm, chương trình Việt ngữ Đắc Lộ và sinh hoạt ca đoàn đã được phát triển và thăng tiến nhờ sự hiện diện của các sơ, trong đó có Sơ Trần Thúy-Mai.

Tổ chức theo tinh thần mới của Giáo Phận:
Khi Đức Tổng Giám mục Brunett về cai quản địa phận, Ngài đã đưa ra một chỉ đạo mục vụ mới qua văn bản ‘Many Gifts, One Spirit’ (Nhiều Đặc Sủng, Một Thánh Thần: điều hành Hội Thánh thông qua cách lãnh đạo tham vấn) thay thế cho văn bản ‘You Are the Branches’. Để đáp ứng chỉ đạo này cũng như thi hành đúng đắn chức năng Tổng Đại diện (Episcopal Vicar) cho Đức Cha lo mục vụ cho giáo dân Việt Nam trong Giáo phận, Cha Phượng đã chỉ đạo việc soạn một văn bản để hướng dẫn tổ chức lại Cộng Đồng. Bản văn có tên “Hướng dẫn về Tổ chức và Điều hành Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam Tổng Giáo phận Seattle” đã được long trọng ban hành ngày 25 tháng 11 năm 2007 nhân lễ Kính các Thánh Tử đạo Việt Nam. (Xin đọc thêm trong phần Lịch sử Cộng Đồng để biết thêm chi tiết về sự ra đời và nội dung bản văn này).

Kết luận:
Nói chung, trong thời gian Cha Phêrô Hoàng Phượng lãnh đạo Cộng Đồng, mặc dù có nhiều khó khăn, nhưng với sự hợp tác của các linh mục và tu sĩ Việt Nam, cùng với tinh thần hoà đồng của Cha khi làm việc với các giới chức, mọi trở ngại đều đã được vượt qua; và nhờ đó, Cộng đồng Công giáo Việt Nam Tổng Giáo phận Seattle đã trưởng thành về nhiều mặt, và đã ghi được một điểm son trong quá trình xây dựng và phát triển.

Phỏng vấn và biên soạn: Lê Văn Thu và Phạm Xuân Vinh

Linh Mục Phụ Tá
Phanxicô Nguyễn Sơn Miên

Tiểu sử:
Linh Mục Phanxicô Nguyễn Sơn Miên (tên khác: Francis Mien) sinh năm 1937 tại Nghệ An. Năm 12 tuổi, cậu Miên theo học tại Chủng viện Vinh. Vài năm sau, cậu theo người bác ra Hà Nội qua ngã Hải Phòng. Tại đây, cậu theo học tại trường Dũng Lạc do Cha Mai làm giám đốc; trong thời gian này, cậu cố gắng trau dồi thêm tiếng Anh. Hơn năm sau thì vào Đồng Hới và cậu lại chuyển qua học thêm tiếng Pháp với ước mơ qua Pháp tu tập. Đến khi cậu sinh viên Miên vào trình diện Thủ tướng Ngô Đình Diệm năm 1954 để trình bày ý nguyện thì Thủ tướng Diệm gạt phắt vụ đi Pháp, và bảo phải đi Mỹ, vì “Mỹ ... tốt hơn Pháp”.

Qua đến thành phố La Crosse, Tiểu bang Wisconsin, Hoa Kỳ, thì cậu được một học bổng để học tại Chủng viện Holy Cross. Cậu Chủng sinh Miên học tất cả 6 năm tại đây, trong đó 2 năm đầu là để hoàn tất bậc trung học, 2 năm sau học “college” và 2 năm cuối học triết học (philosophy). Vừa học xong thì Bề trên Nhà dòng gọi về nước để tu tập và giúp chủng viện tại quê nhà. Đến năm 1961 thì cậu chính thức vào Đại Chủng viện Thánh Giuse tại Saigon, là nơi qui tụ tất cả các chủng sinh thuộc các địa phận Nam Phần. Đến năm 1965 thì Thày Sáu Nguyễn Sơn Miên được thụ phong linh mục.

Sau khi chịu chức linh mục thì Cha Miên được cử về dạy trung học đệ nhất cấp ở Chủng viện Á Thánh Phụng thuộc tỉnh Châu Đốc. Từ năm 1967 đến 1974, Ngài được cử về dạy trung học đệ nhị cấp tại Chủng viện Thánh Têrêsa thuộc tỉnh Long Xuyên. Từ năm 1968 đến 1974, Ngài được cử kiêm nhiệm tuyên úy phụ tá bên quân đội thuộc tỉnh An Giang. Trong thời gian này, do vị linh mục tuyên úy Mỹ về nước, Cha Miên được đơn vị quân đội Hoa Kỳ đóng tại An Giang nhờ chăm sóc mục vụ cho binh lính trong trại. Qua việc giao hảo này, Chủng viện Thánh Têrêsa đã được đơn vị quân đội Hoa Kỳ đó giúp đỡ rất nhiều, đặc biệt là vào các dịp Giáng Sinh hay Tết dương lịch, nên các chủng sinh đã có được một cuộc sống tương đối thoải mái về vật chất.

Đến năm 1974, Ngài được qua Mỹ tu học thêm một năm, nhưng mới chỉ được 9 tháng thì Bề Trên lại gọi về. Chỉ .... hai tuần sau, miền Nam mất, và Ngài khăn gói lên đường .... đi “học tập cải tạo”. Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận đã trải 13 năm trong tù cải tạo, thì Chúa cũng thử thách Cha Phanxicô Nguyễn Sơn Miên một thời gian tương tự: Ngài đã lê gót đi khắp cả chục nhà tù của Cộng sản, trong đó có cả khám Chí Hoà! Ra khỏi tù năm 1988, Ngài phải trở về sống cùng người em ở Bình Giả, vì chính quyền tại Long Xuyên không chịu cấp hộ khẩu cho Ngài. Sống với người em được 5 năm thì Ngài được di cư qua Mỹ theo diện HO năm 1993.

Qua Mỹ, Ngài trở về La Crosse, nhưng ở đây lúc đó không có nhu cầu mục vụ, Ngài được phép Đức Giám mục sở tại cho nghỉ hai tháng. Nhân cơ hội này, Ngài khăn gói quả mướp đi khắp nơi tìm hiểu “dân tình”. Lúc ấy, Cha già Trọng cho biết ở Giáo xứ Holy Family vùng Southwest Seattle có một số đồng hương người Vinh, và gợi ý Cha Miên nên xin về đây phục vụ. Khi Cha Miên đến trình diện Toà Tổng Seattle năm 1994 thì được cắt cử về một giáo xứ Mỹ ở Vancouver làm phó xứ. Năm sau, 1995, Ngài được bổ nhiệm làm phụ tá cho Linh mục Quản nhiệm Trần Đức Phương, coi sóc Cộng đồng Công giáo Việt Nam Tổng Giáo phận Seattle. Từ đó đến ngày Cộng Đồng giải thể, và giáo xứ thể nhân được thành lập, Ngài tiếp tục làm linh mục phụ tá.

Các công tác mục vụ:
Khi mới về phục vụ Cộng Đồng, Cha Nguyễn Sơn Miên được Linh mục Quản nhiệm Trần Đức Phương cử làm linh hướng cho tất cả các đoàn thể Công Giáo Tiến Hành, đồng thời đến các cộng đoàn địa phương vào những ngày Chủ Nhật để lo mục vụ cho giáo dân Việt Nam. Với vai trò này, Ngài đã đi đến nhiều cộng đoàn để thi hành sứ mạng tông đồ, và đó là điều mà Ngài cảm thấy thật hạnh phúc, vì tính Ngài vốn thích đi lại. Với vai trò linh hướng hay linh giám, Ngài đã có nhiều cơ hội làm việc với các giới chức lãnh đạo các đoàn thể, và thấy ở họ nhiều đức tính quí báu, cũng như thấy rõ hiệu quả của công tác tông đồ giáo dân. Qua các đoàn thể như Liên minh Thánh Tâm, Tông đồ Fatima, và đặc biệt là Legio Mariae, Ngài đã có được rất nhiều cơ hội đến thăm những người mà Đạo Chúa cần cho họ nhất: đó là những người đang gặp khó khăn về sức khỏe, về tâm lý, về gia đình, v.v.. Ngài cũng nhận thấy các đoàn thể Công Giáo Tiến Hành rất cần có linh mục làm linh hướng để giúp các đoàn viên hay hội viên thăng tiến về đức tin và hạnh thánh. Đến thời Cha Hoàng Phượng làm Tổng Quản, Cha Miên xin chỉ giữ việc coi sóc đoàn Thiếu nhi Thánh Thể. Lý do là Cha vốn thích sinh hoạt với thiếu nhi, và cũng là vì khi làm việc với đoàn thể này, Cha thấy các em tổ chức rất quy củ, có hệ thống, nên dễ giao tiếp và điều hành. Lý do nữa là .... các em vốn có tính hồn nhiên, thẳng thắn, mà Cha thì lại rất thương quý hai đức tính này.

Cha đã làm Tuyên úy miền Tây Bắc cho đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể liên tiếp hai khoá, nay chỉ còn làm cố vấn theo đúng Nội quy Đoàn, mặc dù Cha Tuấn, Tổng Tuyên uý Phong trào TNTT, vẫn muốn Ngài tiếp tục làm thêm nhiệm kỳ thứ ba.
Với vai trò linh mục phụ tá cho các linh mục quản nhiệm và chính xứ, Ngài luôn luôn cố gắng chu toàn trách nhiệm được giao phó trong nhân đức vâng lời. Khi được hỏi ý kiến, Ngài sẵn sàng đóng góp. Nhưng khi không được hỏi ý kiến, Ngài cũng không lấy thế làm buồn, vì Ngài quan niệm là mỗi cha đều có quan điểm lãnh đạo và phương cách điều hành riêng.

Một số kinh nghiệm về lãnh đạo:
Khi được nhóm phóng viên xin Cha chia sẻ kinh nghiệm, Cha Phụ tá đã thẳng thắn đưa ra các nhận định sau:

-       Linh mục lãnh đạo nào coi trọng việc hợp tác với giáo dân, coi họ như những người đồng hành đáng tin cậy để chịu khó hỏi ý kiến họ, cha ấy sẽ được giáo dân thành tâm cộng tác, và Cộng Đồng hay Giáo xứ sẽ phát triển mọi mặt. Trong lịch sử của Cộng Đồng và Giáo xứ, hẳn ai cũng thấy rõ điều đó;
-       Đa số các giới chức rất nhiệt tâm và chân thành; nếu họ được mời gọi tham gia vào công tác lãnh đạo và điều hành Cộng đồng hay Giáo xứ thì chắc chắn họ sẽ đem hết năng lực ra phục vụ. Sự mời gọi và hợp tác này lúc nào cũng đi đúng giáo huấn của Công Đồng Vaticano Đệ Nhị, và hướng dẫn của Tổng Giáo phận trong cả hai văn bản You Are The Branches và Many Gifts One Spirit;
-       Làm công tác lãnh đạo cần khiêm tốn, vì càng khiêm tốn càng nổi bật.


Chia sẻ suy nghĩ về tương lai của Giáo xứ:
Không thuận lợi: Khi Giáo xứ dọn về địa điểm mới ở Tukwila, một số các vị lớn tuổi ở vùng downtown và một số giáo dân ở phía bắc Seattle không được vui lắm vì trở ngại đường xá. Cha Phụ tá rất thông cảm với họ. Thế nhưng, khi nghe tin một số giáo dân ở phía bắc đang tìm cách dọn nhà về quanh khu vực mới của Giáo xứ, Ngài cảm thấy rất vui. Ước gì, các giáo dân khác, trong hoàn cảnh cho phép, cũng tìm cách dọn nhà như thế thì tương lai của Giáo xứ sẽ đầy hứa hẹn và vững bền.

Thuận lợi: Với địa điểm mới, Giáo xứ ở cách biệt hẳn khỏi khu dân cư. Từ đó, việc giữ đạo của người Việt Nam mình được yên tĩnh hơn, thoải mái hơn và thánh thiện hơn. Ngoài ra, các buổi rước kiệu truyền thống của Giáo xứ sẽ được diễn ra trang nghiêm hơn, và ... sẽ rất đẹp vì trung tâm của mình có con đê uốn khúc bên dòng sông thơ mộng. Ngoài ra, khi về địa điểm mới, Giáo xứ sẽ có cơ hội phục vụ một số giáo dân ở vùng nam như Kent, Des Moines, Renton, Auburn, Federal Way, SeaTac, v.v.. Nhớ lại, trong thời gian tìm kiếm địa điểm, nếu như mình thành công trong các vụ mua bán đất đai ở miền Nam Seattle thì Giáo xứ đâu có được một cơ sở rộng rãi, đẹp đẽ, và tốt lành như thế này.

Ngoài ra, chỉ cần bỏ ra một thời gian ngắn, với một số tiền không lớn, chúng ta đã có được một ngôi nhà thờ tạm, rộng rãi và khang trang hơn ngôi nhà thờ cũ trên đường Fir.

Ngài nói: Đúng là ý Chúa, và ý dân là ý Trời.

Phỏng vấn và biên soạn: Phạm Xuân Vinh và Lê Văn Thu