Saturday, April 6, 2024

 

Tản mạn quanh việc đi tìm chữ

cho cuốn Từ Điển Việt Ngữ Phổ Thông

 

(Bài đã được đăng trong Tập san Y Sĩ số 231, phát hành tại Montreal, Canada)

 

BS Lê Văn Thu

 

Tìm chữ và nghĩa vốn là mối bận tâm hàng đầu của người biên soạn từ điển. Tra cứu chữ trong các từ điển có uy tín đã xuất bản, đọc các sách văn học, coi bài viết trên báo chí, xem các biểu ngữ hoặc quảng cáo trên các tiệm hay các con đường mà mình đi qua, tò mò liếc mắt trên các bích chương của các hội nghị được treo trong các hội trường hay tiền sảnh của khách sạn, và lắng nghe bà con nói chuyện ngoài đời, hay qua các lời thoại trong các màn kịch, phim truyện trên đài, người viết phải chú ý, ghi lại, tìm hiểu ý nghĩa của mỗi từ, mỗi câu, thậm chí còn phải ghi nhận cả hoàn cảnh mà từ ngữ ấy được dùng, để mong từ điển mà mình biên soạn sẽ được đầy đủ với các từ ngữ vừa mang tính phổ thông, vừa chính xác và đáng tin cậy.

Khi còn ở trong trại cải tạo, người viết cũng lắng nghe đài và đọc báo chí của phe đang giam cầm mình để thấy câu nào, từ nào họ dùng đúng, chỗ nào họ dùng sai. Nếu sai thì cái sai ấy là có tính hệ thống hay chỉ là do người cán bộ không có trình độ sử dụng. Khi được phóng thích, người viết có dịp vào lại thư viện Trường Y khoa Sài Gòn của mình, lôi một số sách chuyên môn của giới Y khoa miền Bắc ra đọc thì thấy họ dùng từ y khoa khá chuẩn. Trong lúc ở miền Nam, lúc ấy, các giáo sư Nguyễn Hữu, Trần Anh, Ngô Gia Hy, Đào Hữu Anh, Trần Văn Bảng, Nguyễn Đình Cát mới bước đầu thành lập ‘Uỷ ban Dịch thuật danh từ y khoa’ và bảo trợ các sinh viên làm luận án tốt nghiệp dịch từ các cuốn sách giáo khoa bằng tiếng Anh hay tiếng Pháp sang tiếng Việt với mục đích phục vụ cho nhu cầu chuyển ngữ trên.

Trong lúc lượm lặt rồi ghi chép và tìm hiểu ý nghĩa của các từ, cụm từ, thành ngữ, tục ngữ, v.v., để chuẩn bị đưa vào cuốn từ điển mà mình đang ấp ủ cũng đã gặp được nhiều điều thú vị. Vì thế, dù phải ‘thai nghén’ tới 12 năm mà ‘thai phụ’ vẫn lúc nào cũng thấy vui và không nản chí!

Trong trại cải tạo trên núi rừng Hiệp Đức miền Trung, chúng tôi để ý thấy họ có biểu ngữ ‘muốn xây dựng Chủ nghĩa xã hội, phải có con người xã hội chủ nghĩa’, phân tích ra thì thấy Chủ nghĩa xã hội là danh từ, còn xã hội chủ nghĩa là tính từ bổ nghĩa cho danh từ kép ‘con người’. Còn người quốc gia ở miền Nam, trước đây và ngay cả bây giờ, thường cho rằng hai từ ấy là một, không phân biệt danh từ hay tính từ, dùng thế nào cũng được (TĐVNPT trang 127 và 1228).

Tại Việt Nam, trong lần về thăm gia đình cuối năm 2022, chúng tôi đã lượm được từ bề bềphở nầm trên các bảng quảng cáo của các tiệm ăn ở Hà Nội, chúng tôi không ngần ngại hỏi nghĩa của các từ trên và được các cháu cũng như người lái xe giảng giải. Để bảo đảm mình hiểu đúng, chúng tôi tra thêm trên mạng (Mr. Google): bề bề là tên khác của con tôm tích (TĐVNPT trang 40); còn nầm (TĐVNPT trang 573, nghĩa 2) là phần gồm mô mỡ và tuyến sữa nằm dưới vú các con lợn, dê, bò cái, v.v., được người Hà Nội (và hình như chỉ có ở Hà Nội) dùng để nấu món “phở nầm” đặc biệt.

Khi đến Phú Quốc, chúng tôi được một cháu gái gốc Hà Nội, bạn của con gái chúng tôi, tặng câu thành ngữ ‘bơ sữa bổ từ trên xuống, cuốc sẻng (cv xẻng) bổ từ dưới lên’ khi biết chúng tôi đang biên soạn từ điển; câu này chưa từng có trong bất cứ cuốn từ điển nào xuất bản ở trong nước. Ngay lúc ấy, chúng tôi đã thấy hai động từ BỔ ở đây hẳn có nghĩa khác nhau. Qua một đêm suy nghĩ, hôm sau gặp lại cháu, tôi giải thích động từ bổ ở vế đầu là ‘bơ sữa là để dành bồi bổ cho những kẻ có quyền cao chức trọng, thuộc giai cấp trên’, còn bổ ở vế sau là ‘dùng cuốc sẻng bổ (sới) đất lên để trồng trọt, là công việc của đám dân đen ở giai cấp dưới’; câu này đầy tính mỉa mai (TĐVNPT trang 59).

Trên tường một tiền sảnh của một khách sạn tại Trung tâm Sài Gòn, chúng tôi thấy một biểu ngữ dùng cho một buổi hội thảo chuyên đề trước đó mấy ngày có cụm từ cổng thông tin điện tử, chúng tôi bèn hỏi ông Google thì ổng chỉ cho thấy nhiều cổng thông tin điện tử khác, đi vào đủ các ngõ ngách của các tổ chức, từ các cơ quan, tổ chức hành chính của chính quyền, tới các trang mạng của các tổ chức thương mại, dịch vụ, v.v., không những ở trong nước mà còn ở các quốc gia khác (TĐVNPT trang 150). Từ cụm từ cổng thông tin điện tử này (dịch từ portal, tiếng Anh), chúng tôi còn tìm được các cụm từ khác như cổng kết nối kinh doanh, cổng dịch vụ công (TĐVNPT trang 150).

Khi vào một tiệm buôn bán thiết bị điện tử để mua một cái thiết bị tiếp hợp (adaptor) giữa điện thoại di động và ổ chứa dữ liệu di động (usb drive) loại mới thì được các em bán hàng chỉ cho cái gọi là cổng chuyển, tức ‘usb hub’ trong tiếng Anh (TĐVNPT trang 150). Cái usb hub này cũng được cộng đồng mạng dịch là bộ chuyển đổi, cái nắn điện, vi bộ thích, bộ khớp nối, bộ phận nối. Người viết chọn từ cổng chuyển vì thấy nó có vẻ đơn giản, dễ hình dung ra cái chức năng của nó.

Khi coi các chương trình truyền hình ở trong nước, người ta thấy giờ bắt đầu một (show, tiếng Anh; TĐVNPT trang 868) được ghi bằng ký hiệu h, thí dụ 20h30, thay vì 20g30. Quả thật, đây là một điều lạ lùng vì trong tiếng Việt không hề có từ nào bắt đầu bằng h để chỉ giờ. Người viết cố đi tìm ký hiệu quốc tế để xem h có thay cho giờ được không, thì không thấy. Tiếng Anh thì phải là 8:30pm. Cuối cùng chỉ còn nghĩ rằng h thay cho heures trong tiếng Pháp: 20h30. Thử hỏi, cả trăm triệu người Việt ở trong nước có được bao nhiêu người biết tiếng Pháp? Nhìn vào 20h30, mấy ai hiểu được nó là cái gì, có chăng chỉ gợi nhớ lại thời nước mình thuộc Pháp, một tàn tích nô lệ thực dân (TĐVNPT trang 272)!

Trong các phim trên truyền hình hoặc tin tức trên báo chí về các vụ án dân sự hay hình sự, phải vác chiếu ra toà, người bị xâm hại hay bị thiệt hại được gọi là bị hại (không có từ người đứng trước), người bị thưa kiện được gọi là bị kiện. Người viết nghĩ các từ này được dùng không chuẩn vì cả hai từ ấy chỉ là động từ thụ động thể, không phải là danh từ chỉ người bị hại hay người bị kiện. Trong kho từ ngữ Việt, mình đã có các danh từ bị cáo (người bị tố cáo), hoặc bị đơn (người bị kiện), và nạn nhân (người bị tai nạn hay bị người khác làm hại), rất rõ nghĩa và được dùng phổ biến trong nhiều thời, sao không dùng? Trong từ điển của nhóm Hoàng Phê cũng có các từ bị cáo, bị đơn, nạn nhân mà không hề có các từ bị hại hay bị kiện.

Có một số từ được dùng trong nước rất thoải mái nhưng lại bị đồng bào tị nạn cho là từ của ‘Việt Cộng’, không muốn dùng, như từ bức xúc chẳng hạn. Tra trong Từ điển ĐDA thì có từ xúc bức được giải nghĩa là cấp bức, có nghĩa là gấp, ngặt, không trì hoãn được. Xét về cảnh ngữ, tại quốc nội, người ta hay dùng từ này trong những tình huống gây bực bội, uất ức, khó chịu, bực dọc cho những người bàng quan trước sự đàn áp, chèn ép của kẻ có quyền thế hay sức mạnh. Vì thế, người viết đã định nghĩa với cả hai ý nói trên (TĐVNPT trang 66).

Từ ấn tượng (TĐVNPT trang 12), trước kia, mình chỉ dùng như một danh từ. Thí dụ: buổi hoà nhạc gây được một ấn tượng tốt. Bây giờ trên các phương tiện truyền thông, người ta cũng dùng từ ấn tượng như một tính từ (mái tóc của cô đào X trông rất ấn tượng), thậm chí như một động từ (tôi rất ấn tượng với khu đô thị mới tại ngoại ô Hà Nội). Có lẽ các từ này được người ta, đặc biệt là đám trẻ, dịch từ tiếng Anh (to be impressive to impress). Thật ra, cách dùng này, đặc biệt là động từ, có vẻ không được chuẩn đối với tiếng Việt. Có điều, nghe hay thấy mãi thì có lẽ cũng quen. Nếu đa số thấy không thuận tai, có lẽ rồi cách dùng ấy cũng sẽ bị đào thải, như cụm từ kích cầu (viết gọn của kích thích nhu cầu tiêu dùng; TĐVNPT trang 409), cách đây vài chục năm được dùng hầu như hàng ngày, nay không còn thấy xuất hiện trên các phương tiện truyền thông trong nước nữa, và bị thay thế bằng từ khuyến mãi (TĐVNPT trang 407).

Từ lái xe (TĐVNPT trang 425) bây giờ được dùng thay cho tài xế, nhưng lại có nghĩa rộng hơn tài xế. Với tài xế, chiếc xe phải chạy bằng động cơ có ba bánh trở lên, như xe lam ba bánh, xe ô tô, xe buýt (TĐVNPT trang 900), còn lái xe thì dùng cho xe nào cũng được, từ xe đạp không động cơ tới xe nhà binh cả chục bánh. Có người thắc mắc, lái xe là động từ, sao lại dùng với nghĩa người lái xe là danh từ được? Ấy, chẳng qua là do người ta nghe không quen đó thôi! Ở miền Nam trước 1975, trong Tự điển LVĐ/LNT cũng có các từ lái buôn, lái đò: lái buôn là người đi mua góp các nơi về bản sỉ lại cho người khác; lái đò là chủ chiếc đò, người đấu giá khai thác một bến đò, hoặc người đưa đò (cô lái đò). Trong Từ điển TN ấn bản 1958 ở miền Nam thì từ lái (dt) có nhiều nghĩa, trong đó có nghĩa “người cầm lái”; như vậy lái xe có nghĩa là người cầm lái của chiếc xe, lái đò là người chèo đò. Còn trong TĐVNPT thì từ lái (dt) (trang 425) có nhiều nghĩa, trong đó có nghĩa là tài xế, người lái (trong thí dụ: mũi vạy, lái chịu đòn – tng, lái ở đây là người chèo thuyền hay lái tàu thuỷ). Nhớ lại, hồi còn học tại Đại học Y khoa, các lớp đều có nhóm bạn phụ trách việc ghi ‘cours’ lúc thày giáo giảng, sau đó mang tới các ‘tiệm Ronéo’ in ra thành bài cho bạn bè học, các bạn ấy được bạn bè âu yếm gọi là ‘lái cua’, mặc dù các bạn ấy không hề kiếm được lợi nhuận từ công việc này!

Từ bàn độc (TĐVNPT trang 22) có hai nghĩa: nghĩa 1 là bàn đọc sách của nhà nho thuở xưa (độc là đọc, như trong từ độc giả, hoặc trong 4 ngành nghề: ngư, tiều, canh, độc), nghĩa 2 là loại bàn cao và hẹp dùng để đồ thờ cúng (có một chân, như trong độc nhãn, độc thủ; thường thấy dựng ở trước cửa nhà của người ở miền Nam). Trong Từ điển LVĐ/LNT và Từ điển HP cũng có hai loại bàn này và được định nghĩa tương tự. Với nghĩa thứ nhất, chúng tôi cho thí dụ “chó nhảy bàn độc” vì chúng tôi hiểu là với cái đám ít học, nhố nhăng, thô lỗ, do thời thế đưa đẩy mà được nắm giữ các chức vụ cao trọng trong hệ thống tổ chức chính quyền (thấy rõ nhất là sau cuộc đảo chính năm 1963 ở miền Nam), chẳng khác nào cái bàn đáng trân trọng của nhà Nho xưa (bàn có 4 chân, rất thấp, để các Nho sinh ngồi xệp trên sàn nhà mà đọc sách Thánh Hiền) bị chó (vốn là giống đáng khinh như được dùng trong các từ ‘phũ như chó, chó đểu, chó ghẻ, chó chết, chó má, chó săn’; TĐVNPT trang 120) nhảy lên ngồi chễm chệ, trông rất lố bịch!

Thế nhưng, Học giả An Chi Võ Thiện Hoa (người Sài Gòn, đã mất) lại có cách giải thích khác:

“Chúng tôi không tin rằng bàn độc là cái bàn một chân (kê trước bàn thờ trên đó có đặt thức ăn để cúng kiếng). Theo chúng tôi, đây chỉ là lối giải thích bằng từ nguyên dân gian cho rằng độc là một, là duy nhất (nên mới suy ra rằng đó là cái bàn “một chân”). Xuất phát điểm của từ nguyên dân gian trong trường hợp này có thể là từ tổ độc trác có nghĩa là (ngồi ở bàn) ăn một mình, đối với đồng trác là (ngồi) ăn chung. Có thể người ta đã hiểu sai độc trác thành cái bàn một chân (độc: một; trác: bàn) rồi chuyển cái nghĩa bị hiểu sai này sang cho từ tổ danh từ bàn độc trong tiếng Việt chăng”. Nhưng Đại Nam quốc âm tự vi của Huình-Tịnh Paulus Của lại giảng rằng bàn độc là “ghế lễ lớn có bốn chân xếp, cũng là bàn dọn ăn”. Vậy chữ độc ở đây không có nghĩa là một. Chẳng những thế, chính tả của nó cũng đã bị viết sai vì cách viết đúng phải là đọc. Chứng thực cho cách viết đúng này là các mục từ “bàn đạoc” (cột 22) và “bàn đọc” (cột 226) trong Từ điển An Nam - Bồ Đào Nha - La Tinh của A. de Rhodes mà tác giả đã giảng là bàn thờ hoặc nơi cầu nguyện. Quyển từ điển này đã phân biệt rõ ràng hai vần oc và ôc: chữ đọc được viết là đạoc (X. cột 22) hoặc đăọc (X cột 205-206) còn chữ độc thì được viết là đọuc (X cột 220). Vậy đây là bàn đọc chứ không phải “bàn độc” vẫn biết rằng đọc chẳng qua cũng chỉ là một biến thể ngữ âm của độc, có nghĩa là xướng lên thành tiếng thành lời những điều đã được viết sẵn, in sẵn. Và bàn đọc chính là bàn tụng (hiện nay nhiều người vẫn còn dùng hai tiếng này), tức là cái bàn mà người ta đặt trước đầu quan tài, trên đó có bày hoa quả, trà rượu, lư hương, chân đèn… áp đầu quan tài có khung treo hình Phật, nơi nhà sư (hoặc thầy cúng) đặt lễ khí để gõ mõ tụng kinh mà cầu siêu cho người chết. Trong quá trình chuyển nghĩa của từ tổ đang xét, nghĩa gốc của nó lu mờ dần và mất đi. Bàn đọc đã được hiểu thành bàn cúng nói chung rồi với nghĩa này nó lại chuyển nghĩa thêm một lần nữa để chỉ cái bàn thờ (cái bàn cúng không nhất thiết là bàn thờ). Đây chính là nghĩa hiện hành được cho trong từ điển.

Vậy “chó nhảy (hoặc ngồi) bàn đọc” là chó nhảy (hoặc ngồi) bàn thờ. Thành ngữ này đã được Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ giảng như sau: “Vắng nhà hoặc cơn loạn-ly, trật-tự đảo-lộn, ai muốn làm chi thì làm”. Chúng tôi thì lại cho rằng đây không phải là chuyện xảy ra khi chủ vắng nhà, cũng chẳng phải chuyện xảy ra trong cơn loạn ly. Đây, theo chúng tôi, là thảm cảnh dở khóc dở cười xảy ra trong cơn lũ lụt: không những người phải chạy lụt, mà chó cũng phải chạy… nên mới nhảy lên bàn thờ mà ngồi. Đây chẳng qua là một trường hợp hoàn toàn bất khả kháng và chẳng qua cũng chỉ là một kiểu thích nghi với hoàn cảnh mà thôi. Có điều là kiểu thích nghi này quá hỗn láo. Hiền hơn nhiều là kiểu thích nghi - cũng để chạy lụt - mà Nguyễn Đình Chiểu đã nói đến trong câu thứ 6 của bài thơ “Nước lụt”: “Lổm xổm (hoặc lóc ngóc) giường cao thấy chó ngồi”. Còn trong câu thành ngữ đang xét (chó nhảy bàn độc) thì người ta muốn điển hình hoá nên mới đem cái bàn đọc ra mà nói để tăng tính bi kịch cho hoàn cảnh. Ngày nay câu này không còn được hiểu theo nghĩa gốc của nó nữa nên mới được dùng để ám chỉ những kẻ tài hèn sức mọn mà lại có địa vị cao sang (X. chẳng hạn: Nguyễn Lân, Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam, Hà Nội, 1989, tr. 57 hoặc Nguyễn Như ý (chủ biên), Từ điển thành ngữ Việt Nam, Hà Nội, 1993, tr. 148)”.

Từ lang bạt kỳ hồ (TĐVNPT trang 432) có nghĩa là lang thang phiêu bạt rày đây mai đó, không ở yên chỗ nào. Nghĩa này thật ra là do dân gian ghép các chữ lang thang phiêu bạt (bạc) và giang hồ (sống trên sông nước nay chỗ này mai chỗ kia). Khi đem cụm từ này ra bàn bạc trong nhóm biên soạn từ điển Việt Anh Pháp thì được BS Nguyễn Văn Bảo, bút hiệu Con Cò, góp ý: “cụm từ lang bạt kỳ hồ” vốn có xuất xứ từ câu thơ “lang bạt kỳ hồ, tái trí kỳ vĩ, Công tốn thạc phu, xích tích kỷ kỷ” trong Kinh Thi thiên 160 với nghĩa: ‘Chó sói bước tới thì đạp nhằm miếng da thòng ở cổ, Thoái lui thì đạp nhằm cái đuôi, Chu công từ tốn nhưng vinh quang to tát và đẹp đẽ, Ngài mang đôi giày đỏ một cách rất tự nhiên trang trọng”.

[Hỏi ông Wikipedia thì được ông trả lời: Bài thơ này được Chu Hi chú giải như sau: “Chu công dẫu bị lời phỉ báng nghi ngờ, nhưng cách xử trí của ngài không mất độ thường, cho nên mới được nhà thơ khen ngợi. Nói rằng: Chó sói bước tới thì đạp nhằm miếng da thòng ở cổ, thối lui thì đạp nhằm cái đuôi (ý nói tiến thoái đều khó khăn). Còn Chu công gặp phải biến cố vì lời phao truyền phỉ báng, mà cách ăn ở đi đứng vẫn an nhiên tự đắc như thế, bởi vì với đạo cao đức cả ngài vẫn được yên vui, đức hạnh ấy không thể nào nói xiết được. Cho nên tuy gặp đại biến, ngài vẫn không mất độ thường”.

Như vậy, nghĩa gốc của lang bạt kỳ hồ dùng để chỉ hình ảnh con chó sói giẫm lên cái yếm của chính nó (nên không thể bước tới được); trong đó, “lang” là chó sói, “bạt” là giẫm đạp, “kỳ” là một đại từ thay thế cho danh từ “lang” còn “hồ” là cái yếm da dưới cổ của một số loài thú. Thành ngữ này thường được rút gọn thành lang bạt nhằm để chỉ cái thế mắc kẹt, không biết làm sao.

Về lý do lang bạt kỳ hồ từ nghĩa gốc trong tiếng Hán bị hiểu sai trong tiếng Việt có thể là do từ nguyên dân gian mà ra. Khi không biết được ý nghĩa đích thực của lang bạt kỳ hồ, người ta đã liên hệ các thành tố của nó với những yếu tố mà mình đã biết. Theo đó, “lang” [chắc] là “lang thang”, “bạt” [chắc] là phiêu bạt, “hồ” [chắc] là “giang hồ”. Từ đó, lang bạt kỳ hồ mới [bị] hiểu thành “sống rày đây mai đó” như cách hiểu thông dụng hiện nay.]

Trong lúc biên soạn, chúng tôi cũng được đọc các bài viết phê bình về các từ ngữ mà các tác giả gọi là “từ của Việt Cộng”, cũng như được bàn luận với các bằng hữu trong lúc trà dư tửu hậu về một số từ mà họ nghĩ là mới xuất hiện sau năm 1975, và họ thấy “không ổn” về nghĩa. Trong số các từ ấy, chúng tôi thấy có những từ sau đây đáng được đem ra “mổ xẻ” và xác định.

Cửa khẩu (TĐVNPT trang 162): nơi ra vào chính thức của một nước, thường là phi trường hay hải cảng quốc tế, có đặt trạm kiểm soát hành khách xuất nhập cảnh cũng như hàng hoá xuất nhập khẩu. Trong Từ Điển ĐDA, ngoài nghĩa khẩu là miệng, còn có nghĩa là ‘cửa chính để ra vào’. Vậy từ khẩu ở đây có thể hiểu là cửa chính để ra vào của một nước, tức chỉ có thể là phi cảng hoặc hải cảng quốc tế. Nó khác với từ hải khẩucửa biển trong Từ điển LVĐ/LNT cũng như trong TĐVNPT (trang 316), và chỗ cửa sông ra biển trong Từ điển ĐDA, tức chỉ nói về đường thuỷ mà không nói đến đường hàng không như cửa khẩu.

Với từ hải quan (TĐVNPT trang 316), nó có hai nghĩa. Nghĩa 1 là cơ quan kiểm soát và đánh thuế hàng hoá xuất nhập khẩu, cơ quan này có thể đặt tại hải cảng hoặc phi cảng quốc tế; thuế đánh vào hàng hoá nhập xuất khẩu gọi là thuế hải quan. Nghĩa 2 là cửa biển hoặc bến tàu để các tàu, thuyền xuất nhập cảnh đậu.

Đăng ký (TĐVNPT trang 217): có người lý luận giản dị sao không dùng từ ghi danh thay cho đăng ký? Thưa, ghi danh hay ghi tên chỉ có nghĩa đơn giản là ghi cái tên của người ta xuống, như trong Từ điển TN, ông viết ghi tên là inscrire le nom, còn Từ điển LVĐ-LNT giải thích ghi tên là biên tên họ người vào. Trong khi đăng ký lại có nghĩa rộng hơn nhiều. Nó tương đương với từ registration/register trong tiếng Anh: ghi các thông tin cần thiết vào sổ bộ của một cơ quan, cơ sở dịch vụ, trang mạng, v.v., để được phép hoạt động hay sử dụng. Thí dụ với đăng ký kết hôn hay đăng ký tài khoản Netflix, ngoài họ tên chính thức, người ta còn phải ghi đủ các thông tin cần thiết khác về hộ tịch, cách chi trả lệ phí, v.v., thì việc kết hôn mới được luật pháp công nhận, hoặc việc sử dụng tài khoản Netflix mới được cho phép. Thật ra, từ đăng ký này đã có trong tất cả các từ điển của miền Nam trước 1975: Từ điển ĐDA giải nghĩa đăng ký là biên chép vào sổ, với phụ chú enregistrer, đồng nghĩa với đăng lục; Từ điển LVĐ/LNT giải nghĩa đăng ký là vô sổ, ghi vào nhật ký; còn Từ điển TN giải nghĩa đăng ký là ghi chép, với thí dụ đăng ký vào bộ điền và kèm theo phụ chú enregistrer.

Đáp án (TĐVNPT trang 214): có người nói sao không dùng từ đáp số (TĐVNPT trang 214) cho đơn giản? Thưa, đáp án không phải là đáp số. Đáp án có nghĩa là phương thức giải quyết vấn đề, trong khi đáp số chỉ là con số kết quả của một bài toán. Thí dụ: trước vụ tranh chấp giữa hai vợ chồng trước khi ly hôn, hai anh chị muốn chia chác tài sản ra sao, trách nhiệm nuôi con thế nào? Anh chị ngồi lại với nhau, hoặc đưa nhau ra toà, bàn bạc và tìm phương thức giải quyết sao cho hợp tình hợp lý. Khi đã đạt thoả thuận thì có nghĩa là hai anh chị đã tìm được đáp án. Từ điển LVĐ/LNT cũng viết đáp án là phương thế vạch ra để giải quyết một vấn đề; còn Từ điển ĐDA viết là phương pháp giải đáp một vấn đề, kèm theo phụ chú réponse.

Về từ trải nghiệm (TĐVNPT trang 1072), có người chê nó khó hiểu, sao không dùng từ kinh nghiệm (TĐVNPT trang 416). Thật ra hai từ này có nghĩa gần giống nhau, nhưng kinh nghiệm là danh từ, có nghĩa là điều hiểu biết hay kiến thức có được do sự từng trải, trong khi trải nghiệm là động từ, có nghĩa là kinh qua, sống và tiếp xúc trực tiếp với những thực tế ngoài đời, từ đó tạo cho mình một kinh nghiệm.

Về từ triển khai (TĐVNPT trang 1094), phe ta cho rằng chỉ có từ khai triển (TĐVNPT trang 381) mà không có từ triển khai. Trong Từ điển ĐDA thì lại không có từ khai triển mà chỉ có từ triển khai. Còn từ điển TN thì viết ‘khai triển, cũng thường nói triển khai: mở mang, phát triển, déveloper; Từ điển LVĐ/LNT: khai triển là phát triển, mở banh ra, nới rộng ra (khai triển đề tài), và triển khai là mở banh ra, mở rộng ra (triển khai vấn đề, triển khai nền kinh tế). Như vậy, cả hai từ cùng có một nghĩa, dùng từ nào cũng được.

Tương tự với hai từ giản đơn (TĐVNPT trang 290) và đơn giản (TĐVNPT trang 259), cả hai là một, dùng cách viết ngược hay xuôi đều được. Cả hai từ này cũng có trong các Từ điển LVĐ/LNT, ĐDA, và TN!

Về từ tư liệu (TĐVNPT trang 1141), có người thắc mắc và đưa lên mạng để tranh luận. Từ này có hai nghĩa: nghĩa 1 là chất hay vật liệu dùng trong sản xuất (tư liệu sản xuất) hay sinh hoạt (tư liệu sinh hoạt), nghĩa 2 là tài liệu dùng trong việc nghiên cứu (muốn viết về một đề tài chuyên môn, ta cần tra cứu các tư liệu khả tín). Từ điển LVĐ/LNT: tư liệu là tài liệu, những món phải có để dùng đó tạo ra đồ vật. Từ điển ĐDA: tư liệu là tài liệu để làm việc (matériel).

Còn rất nhiều từ khác bị phe ta gán cho là từ của “Việt Cộng”, lên án gay gắt bằng những bài viết và được nhiều người “biểu đồng tình”. Thật ra, có một số từ chúng ta chưa quen vì chúng là các từ thuộc ngành vi tính, như truy cập, giao diện, phần mềm, ổ cứng, thông tin, dữ liệu, v.v.. Qua tìm hiểu, hoá ra là chúng được dịch sát nghĩa từ các từ access, interface, software, hard drive, information, data, v.v., mà ra.

Cũng có những từ mà người miền Bắc thường dùng trước 1954-1955, những người di cư vào Nam (lúc ấy còn nhỏ) thì quên dần hoặc không dùng nên không biết đến chúng. Đến khi hai miền thống nhất năm 1976 thì các từ ấy được dùng cách phổ biến trên tất cả các phương tiện truyền thông trên toàn quốc, người sống ở miền Nam thấy lạ lẫm và tưởng chúng là các từ mới!

Dĩ nhiên, cũng có nhiều từ lạ đời, quái đản, thiếu nghiêm túc, được các bạn trẻ trong nước chế ra để dùng khi giao tiếp thân mật với nhau ngoài đời, và được một số người đưa vào kịch bản, bài báo với tính cách bông đùa. Hiện tượng chế các từ ấy cũng được giới trẻ khắp thế giới thực hiện, đặc biệt là khi các em dùng để chuyển tin nhắn (text) cho nhau. Hy vọng những từ ấy sẽ bị mai một theo năm tháng để trở thành tử ngữ, hoặc chỉ được dùng trong các mẩu đối thoại ngoài đời.

Và còn nhiều từ có gốc tiếng Anh, như clip, selfie, v.v., được các bạn trẻ trong nước chuyển hay dịch thành tiếng Việt, nghe rất vui, như cờ-líp và …tự sướng! Đây lại là một vấn đề khác của ngôn ngữ, người viết không dám lạm bàn…./.

 

Ghi chú:

1.     TĐVNPT: Từ Điển Việt Ngữ Phổ Thông, BS Lê Văn Thu và DS Nguyễn Hiền, in tại Đài Bắc, Đài Loan, tháng 8 năm 2023.

2.     Từ điển ĐDA: Hán Việt Từ Điển, Đào Duy Anh, in tại Sài Gòn, Việt Nam, ngày 10 tháng 10 năm 1957.

3.     Từ điển LVĐ/LNT: Việt Nam Tự Điển, Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ, in tại Sài Gòn, Việt Nam, ngày 8 tháng 7 năm 1970.

4.     Từ điển TN: Từ Điển Việt Nam, Thanh Nghị, in tại Sài Gòn, Việt Nam, ngày 20 tháng 7 năm 1958.

5.     Từ điển HP: Từ Điển Tiếng Việt, Chủ biên GS Hoàng Phê, in tại TP Hồ Chí Minh, Việt Nam, ngày 23 tháng 10 năm 2017.


No comments:

Post a Comment