Thursday, April 7, 2016

TÌNH ĐỒNG MÔN

TẢN MẠN VỀ HAI CHỮ ĐỒNG MÔN
(tạm giới hạn trong cấp tiểu và trung học)

Theo từ điển, đồng môn được định nghĩa như là những người cùng học một trường.

Ở thời xưa, khi nước ta còn theo chế độ phong kiến, chuộng Hán văn, việc học hành chưa được phổ cập, đồng môn chỉ gói gọn trong một nhúm người, hầu hết là phái nam, cùng theo học một thày đồ dưới một mái nhà. Họ lại khác nhau cả về tuổi tác, bởi vì, có người nhập học khi tóc còn để chỏm, có người nhập học khi đã có …. vợ con. Thày đồ sẽ tùy tuổi tác và trình độ của họ mà dạy các sách khác nhau. Khi đi thi, nếu đỗ đạt ra làm quan, họ trở thành những bạn “đồng liêu” trong chốn quan trường, nhưng nếu thất cơ lỡ vận thì ít khi họ dám hoặc muốn tìm đến nhau, vì … hố ngăn cách về địa vị xã hội quá chênh lệch.

Đến thời nước nhà chọn chữ quốc ngữ làm ngôn ngữ chính thức trong các chương trình giảng dạy ở các bậc tiểu và trung học, nhiều trường học được xây dựng, mọi trẻ em được khuyến khích cắp sách đến trường. Tuy vậy, do hoàn cảnh ngân sách hạn chế, hệ thống trường công chưa được rộng khắp, đội ngũ giáo viên, giáo sư chưa được đào tạo đủ, nên nhà nước phải đặt ra vụ thi tuyển để chỉ thâu nhận các học sinh ưu tú. Các học sinh khác một là phải bỏ học vì nghèo, hai là phải ghi danh học tại các trường tư thục. Cũng phải kể đến việc một số gia đình giàu có cho con em mình theo học tại các trường tư thục danh tiếng hay “trường Tây”. Từ hệ thống các trường tiểu và trung học phổ thông này, từ đồng môn đã có nghĩa rộng rãi hơn: những người cùng theo học một trường (không nhất thiết cùng một thày, một lớp) ở một thời điểm nào đó.

Do hoàn cảnh chiến tranh, công ăn việc làm bận rộn, gia đình chật vật, hoặc do phương tiện giao thông khó khăn, trước đây các đồng môn trong nước ít khi gặp nhau. Tinh thần đồng môn tuy có, nhưng chưa sâu đậm, vì ai nấy đều phải lo sinh kế cho gia đình, cho con cái, và vì việc bươn chải kiếm miếng cơm manh áo không cho phép lãng phí thời gian.

Sau khi chiến tranh Nam Bắc kết thúc, các cựu học sinh đều trưởng thành, lớn tuổi. Ở trong nước cũng như hải ngoại, đặc biệt là trong thành phần tị nạn ở các nước phát triển, họ đã ổn định cuộc sống, có thì giờ tìm thư giãn tinh thần, và hoà nhập vào đời sống xã hội chung quanh, đồng môn đã tìm đến nhau để tâm sự, chia sẻ và giao hoà.

Với các phương tiện viễn thông được cải tiến, mà liên mạng internet và điện thoại di động là những phát minh cực kỳ tối tân, đã đưa đến việc người ta có thể nói chuyện bằng lời, bằng bút, và … bằng nút (keyboard) với nhau hằng ngày, thậm chí còn nhìn thấy cả nhau khi nói chuyện, dù ở cách nhau nửa vòng trái đất, đồng môn đã có thể đến với nhau, gần gũi nhau như trong gang tấc.

Các diễn đàn đã là những gạch nối rất hiệu quả làm các môn sinh cùng trường có thể thân mật với nhau nhiều hơn. Họ đã lên mạng đấu hót, chia sẻ những vui buồn trong cuộc sống, bàn bạc đủ thứ chuyện, thậm chí đôi khi cãi nhau về một chuyện không đâu. Không ai có thể phủ nhận chính nhờ diễn đàn trên mạng mà bao nhiêu cuộc họp bỏ túi, bao nhiêu cuộc sinh hoạt hội ngộ lớn nhỏ qui tụ hàng trăm người từ khắp bốn phương trời đều đã thành công. Sau các cuộc họp ấy là những gương mặt rạng rỡ, những tình thân kết nối, và những hẹn hò gặp lại.

Cũng qua diễn đàn đồng môn, bao nhân tài trong mọi lãnh vực đã được đồng môn nhận diện để mọi người cùng chia sẻ niềm hãnh diện chung. Nếu không có diễn đàn đồng môn, làm sao chúng ta biết được nhà trường chúng ta đã đào tạo được các nhạc sĩ tài danh, các khoa học gia có tiếng, những người lính quả cảm trong các quân binh chủng, các giáo sư đại học các ngành nghề, và hàng ngàn chuyên viên y nha dược và khoa học kỹ thuật, cũng như các văn sĩ, hoạ sĩ, thi sĩ, v.v.. Những bạn đồng môn ấy của chúng ta là những người đã đóng góp công sức vào nền văn minh nhân loại và trực tiếp phục vụ xã hội, phục vụ đất nước.

Cũng qua tình đồng môn, biết bao bạn bè đã được giúp đỡ và an ủi. Người kia vừa mất người thân, đồng môn gần xa đã tìm đến vỗ về chia sẻ nỗi đau. Người nọ có con lập gia đình, đồng môn tìm đến chia sẻ niềm vui. Và còn nhiều hình thức giúp đỡ an ủi khác nữa, từ vật chất, hỗ trợ, đến cố vấn, hướng dẫn, đã như những dòng nhạc, vần thơ giúp đời nhau thêm tươi đẹp, thêm ấm áp.

Cái vui đơn giản nhất là khi phát hiện ra những đồng môn cư ngụ quanh mình. Dù học khác lớp, khác năm, có khi cách nhau cả hơn hai thập niên, những đồng môn ấy đã tìm đến với nhau quanh một mâm cơm tại tư gia hay bữa tiệc tại nhà hàng. Ở đó, họ trao đổi những mẩu chuyện gia đình, chuyện dĩ vãng, chuyện thày cô, chuyện truân chuyên cuộc đời, và có khi còn hát một bài ca, ngâm lên một đoạn thơ cho nhau nghe, hoặc chia sẻ một chút riêng tư. Rồi họ rủ nhau đi chơi xa, thăm viếng thắng tích này bên xứ nọ, ghé coi phong cảnh đẹp ở nước kia, trong nỗi hân hoan có người đồng hành cùng tâm thức, cùng cảm nhận.

Cũng trong các sinh hoạt nhận diện đồng môn, người ta tìm thấy có khi đồng môn lại chính là học trò của mình, hoặc là thày dạy mình, ở trong một lãnh vực chuyên môn nào đó, sau khi rời mái trường trung học.

Dù tuổi tác khác biệt, dù hoàn cảnh xã hội chênh lệch, dù là thày hay trò của nhau sau này, mọi người vẫn coi nhau là đồng môn trong tinh thần tương kính và thân tình.

Ôi! Hai chữ đồng môn thật là thân thương và đáng trân trọng!

Lê Văn Thu
Cựu học sinh Nguyễn Trãi
niên khóa 58-62, lớp B3

No comments:

Post a Comment