Đề nghị về danh xưng để
gọi các nữ tu
trong hệ thống Giáo hội Công giáo Việt Nam
trong hệ thống Giáo hội Công giáo Việt Nam
Bác Sĩ Lê Văn Thu
Các danh xưng hiện đang được sử dụng
bởi người Việt Nam trong và ngoài nước cùng các tiếng tương đương trong các ngoại
ngữ liên hệ:
-
Nữ tu sĩ, nữ tu (Latin: monialis, Anh ngữ: nun,
feminine of religieux, Pháp ngữ: religieuse);
-
Chị, bà xơ, sơ, sister, sœur (Ý ngữ: soror, Anh
ngữ: religious sister, Pháp ngữ: sœur religieuse);
-
Dì, dì phước (Anh ngữ: sister of charity – Pháp
ngữ: sœur de charité);
-
Mẹ, Mẹ Bề Trên (Anh ngữ: Mother, Mother Superior
– Pháp ngữ: Mère Supérieure).
Ở đây, người viết không dám đề cập
đến nguồn gốc (từ nguyên) và khía cạnh ngôn ngữ học của các từ này (vì không đủ
trình độ), mà chỉ nêu lên những suy nghĩ cá nhân và đưa ra vài đề nghị để sử dụng
các từ này sao cho phù hợp với sự giao tiếp hàng ngày giữa các nữ tu Công giáo
cùng những người chung quanh.
Trong Công giáo, hai từ nữ tu sĩ
(nun) và chị (sister) thường được hiểu giống nhau, đồng nghĩa. Thế nhưng, đôi
khi người ta lại muốn phân biệt rõ ràng giữa hai từ đó: nữ tu sĩ là người có cuộc
sống ẩn dật khép kín trong các tu viện để suy niệm và cầu nguyện cho sự cứu vớt
các linh hồn tha nhân, trong khi chị thì lại sống cuộc sống dấn thân
- vào đời - để cầu nguyện và phục vụ cho người nghèo, đau ốm hoặc kém may mắn tại
các nhà thương, trường học, viện mồ côi, viện tế bần, phong cùi, hay tư gia,
v.v..
Ở các giáo xứ và cộng đồng đức
tin, các chị phụ giúp các linh mục chính xứ/quản xứ trong các công tác mục
vụ, phụng vụ, dạy giáo lý, v.v..
Không biết từ nguyên do nào, các
giáo hội Thiên Chúa giáo đã gọi các nữ tu sĩ là chị (religious sisters). Theo định
nghĩa của từ điển Merriam Webster, ngoài các nghĩa thông thường được dùng trong
cuộc sống hằng ngày, từ Sister (viết hoa) được dành cho các nữ tu của hệ thống
Thiên Chúa giáo, hay là y tá/y tá trưởng trong tiếng Anh gốc (British English).
Tại Việt Nam, từ Sœur - được phiên âm là Xơ, và ghép với chữ Bà, để chỉ nữ tu
sĩ Công giáo – đã được du nhập vào Việt Nam từ lúc các thừa sai Âu châu qua Việt
Nam giảng đạo. Nó đã trở thành một từ chuyên biệt để gọi các nữ tu Công giáo: từ
bà xơ đã gắn liền với từ dì phước (sister of charity – sœur de charité) và đã
trở thành các từ rất phổ biến trong dân gian. Vì sao lại gọi là phước? Vì cuộc
sống các chị gắn liền với công việc làm phước. Vì sao gọi là dì? Đối với tình cảm
người Việt, tiếng dì gắn liền với một hình ảnh rất thân thương trong họ: em của
mẹ. Sểnh mẹ bú vú dì (nếu lỡ chẳng may mẹ mất thì dì nuôi). Gọi các nữ tu là dì
để biểu tỏ sự kính trọng, tương đương với việc gọi các linh mục là cha. Cha và
chú thuộc bên nội, mẹ và dì thuộc bên ngoại. Như vậy, trong Giáo hội Việt Nam,
nói cho vui, chúng ta có cả nội lẫn ngoại.
Dù xuất xứ từ đâu đi nữa, chỉ nội
việc nhìn người nữ tu Công giáo tận tụy bên giường bệnh săn sóc người đau yếu với
chức nghiệp của người y tá và với tình yêu thương đùm bọc của người chị, ta
cũng đã thấy cái từ chị đã được gắn
liền một cách thân thương với bộ áo dòng mà các chị mang. Cũng thế, khi nhìn thấy
các chị chăm sóc đàn trẻ trong các viện mồ côi, các bệnh nhân phong cùi trong
các trung tâm bị người đời xa lánh, ta cũng đủ thấy cái sự hy sinh cao quí mà
chỉ có được ở những người chị, người mẹ. Có lẽ vì thế mà Hội Thánh đã ban tước
hiệu cao quí “Chị” cho các nữ tu.
Tại quốc ngoại, đặc biệt là tại
Hoa Kỳ, nơi có nhiều nữ tu Công giáo Việt Nam phục vụ trong các giáo xứ hay cộng
đồng đức tin Việt Nam, chúng tôi thấy xuất hiện chữ soeur hay Soeur trước tên của
các nữ tu Công giáo (thí dụ: Soeur Hồng, Soeur Theresa, các soeur Dòng Đa-Minh,
v.v.). Điều này thấy “dị dị” làm sao ấy! Soeur (đúng ra phải viết là Sœur) là
tiếng Pháp, Hồng là tiếng Việt, Theresa là tiếng Anh (tiếng Pháp là Thérèse),
được viết trên các bản tin, thư từ trong các giáo xứ hay cộng đồng đức tin Việt
Nam ở Hoa Kỳ, nơi mà người dùng tiếng Anh phải viết và hiểu là Sister hay
sister! Đa số giáo dân Việt Nam, nhất là thanh thiếu niên, chưa hề tiếp xúc với
tiếng Pháp, đâu biết nghĩa của chữ soeur đó, và phải đọc như thế nào. Mà cách
viết đó thì không những sai về ghép vần (chính ra, phải viết là sœur - chữ o và
e phải được viết sát nhau thành œ, chữ này được gọi là e dans l’o – e in the o), lại thiếu chỉnh tề trong ngôn ngữ (lai căng giữa Pháp và Việt,
hoặc giữa Pháp và Anh).
Vì thế, chúng tôi đề nghị không
nên viết soeur trong các văn kiện, bản tin, báo chí Việt ngữ, dù ở trong hay
ngoài nước, vì chữ ấy hình như không có trong bất cứ một từ điển nào trên thế
giới (có chăng chỉ ở trên internet do không đánh máy hai con chữ o và e liền vào nhau thành œ được).
Còn việc dùng từ chị thì sao?
Hình như các nữ tu Việt Nam mình không muốn được gọi là chị, một từ mà người Âu
Mỹ dùng rất tự nhiên khi xưng hô với các nữ tu: Sister Theresa, Sœur Thérèse.
Lý do: đối với phong tục của người Âu Mỹ, họ không có thói quen gọi nhau, hay gọi
những người trong thân tộc, bằng các từ bác, chú, cậu, dì, anh, chị, em. Tất cả,
dù lớn, dù bé, đều gọi nhau bằng tên. Cháu nhỏ 10 tuổi gọi ông cụ, bà cô già 70
tuổi cũng chỉ bằng cái tên cộc lốc: Joe, Michelle. Nên khi họ gọi hay nói chuyện
với các nữ tu bằng từ sister hay sœur thì rõ ràng là họ đang xưng hô với các nữ
tu trong ý nghĩa đầy đủ của nó. Còn trong phong hóa Việt Nam, khi xưng hô với
nhau, thế nào cũng phải dùng các từ ông, bà, cô, chú, anh, chị đi kèm với cái
tên thì mới lịch sự: ông Ba, chị Tư, anh Năm. Nên chi, khi xưng hô với các nữ
tu mà dùng từ chị thì có vẻ không được trân trọng vì nó lẫn với cách xưng hô
ngoài đời hay trong gia đình, thân tộc (thí dụ: với từ Chị Vân, người ta nghĩ
chúng ta đang nói về một người phụ nữ nào đó có tên Vân). Ngoài ra, cái từ chị
đó, trong ngôn ngữ Việt Nam, cũng không nói lên được thiên chức của các nữ tu,
cái thiên chức mà để có được, các nữ tu sĩ đã phải hy sinh rất nhiều, từ danh vọng,
sự giàu có, đến duyên tình lứa đôi, để sống cuộc đời tận hiến cho Chúa Kitô,
cho Giáo hội, và cho tha nhân. Với các từ “bà xơ”, “dì phước”, hay “sơ”, tự nó
đã nói lên được cái công việc mà các nữ tu đang làm, cái chức vị trong xã hội
hay Giáo hội mà các nữ tu đang nắm giữ (thí dụ: cũng với tên Vân, mà viết là Sơ
Vân, thì ai cũng hiểu đó là nữ tu Công giáo tên Vân).
Tóm lại, chúng tôi mạo muội đề
nghị hệ thống hóa các danh xưng cho các nữ tu Công giáo Việt Nam với các từ sau
đây:
Sơ. Chữ “xơ” là chữ mà người Việt xưa đã dùng để phiên âm từ chữ
sœur của tiếng Pháp. Chúng tôi đề nghị phiên âm chữ sœur thành “sơ” (s thay vì
x), vì các lý do:
- âm s trong chữ
sơ của tiếng Việt (sơ là tiếng mượn) tương đương với âm s trong tiếng Anh
(sister) hay Pháp (sœur). Nó không quá mạnh như âm sh của tiếng Anh, mà cũng
không quá nhẹ như âm x của tiếng Việt; có nghĩa là âm s của tiếng Việt được phát
âm hơi mạnh hơn x và nhẹ hơn sh. Như vậy, khi phát âm từ sœur trong tiếng Pháp
qua xơ trong tiếng Việt thì nó có phần bị “lạc giọng”.
- từ sơ, gốc Hán
Việt, có nghĩa là khởi đầu (nhân chi sơ tính bản thiện); nghĩa và âm phát ra của
từ sơ có vẻ thanh lịch hơn từ xơ dưới đây.
- từ xơ, gốc thuần
túy Việt Nam (không có trong từ điển Hán Việt), có nghĩa là phần dai lẫn trong
một số củ, quả hay vỏ (xơ củ xu hào già, xơ mít, xơ mướp) hay vật gì đã bị mòn
cũ, rách te tua (quần xơ gấu). Có lẽ, các sơ Việt Nam mình không thích cái ý
nghĩa này lắm!
- chữ xơ, đứng một
mình - với nghĩa là nữ tu sĩ - không có trong từ điển Việt Nam; từ điển Việt
Nam chỉ có từ bà xơ. Từ bà xơ này chỉ là một danh từ chung để người đời nói hay
viết về các nữ tu Công giáo, không thể được dùng để xưng hô giữa các nữ tu và
giáo dân hay người đời, và cũng không dùng để viết hay gọi như một tước hiệu hoặc
chức vị được. Giáo dân mà xưng hô với một sơ trẻ bằng từ bà xơ thì tội nghiệp
cho sơ đó, mà sơ tự xưng chức vị mình là bà xơ thì lại mang tiếng tự tôn.
Để gọi, nói hay viết về các nữ tu sĩ nói chung, chúng
tôi đề nghị dùng từ sơ (thí dụ: các
sơ Dòng Mến Thánh Giá – s thường). Chúng ta sẽ dùng từ Sơ (S hoa) khi muốn
gọi, viết hoặc nói về một sơ mà ta biết rõ, vì đây là một tước hiệu hay chức vị
(thí dụ: Sơ Maria). Ngoài ra, chúng tôi đề nghị không nên viết tắt là Sr. khi đứng trước một tên Việt Nam (Sr. là
được rút từ tiếng Anh Sister hay tiếng Pháp Sœur) trong các văn kiện, bản tin
tiếng Việt, vì nó không chỉnh (Anh Việt hay Pháp Việt lẫn lộn); vả lại, chữ
Sơ cũng đã quá đủ ngắn để không cần phải viết tắt (thay vì viết Sr. Têrêsa, ta viết là Sơ Têrêsa).
Khi tiếp xúc với giáo dân hay người
đời, nhỏ hay lớn tuổi hơn mình, mà các nữ tu tự xưng là sơ thì không ai trách
được cả, vì chữ sơ mang cả hai nghĩa: chị (thân mật) và em (khiêm nhường).
Dì và Dì Phước. Từ dì
này rất hay vì nó mang một biểu tượng đáng kính trong thứ bậc họ hàng (ngang
hàng với mẹ mình). Khi giáo dân hay người đời gọi hay nói chuyện trực tiếp với
các nữ tu, nhất là các vị đã đứng tuổi, thì có thể kêu họ là dì. Khi viết thì
có thể thêm chữ phước cho rõ nghĩa (thí dụ: các dì phước Hội Dòng Mến Thánh Giá
Gò Vấp, Dì Têrêsa).
Các nữ tu, đặc biệt là các nữ tu
đã đứng tuổi, cũng có thể tự xưng mình là dì khi viết cho hay nói chuyện với những
người trẻ hơn mà không mất đi tính khiêm nhường của mình.
Mẹ và Mẹ Bề Trên. Từ mẹ thường được người đời hay các nữ tu
trẻ gọi hay viết cho các nữ tu sáng lập các tu hội (thí dụ: Mẹ Têrêsa Calcutta);
từ mẹ bề trên được dùng cho các vị
lãnh đạo các nhà dòng và tu hội (thí dụ: Mẹ Bề Trên Dòng Đa-Minh Việt Nam). Các
nữ tu mang trọng trách cao cả này - thường đã lớn tuổi - tự xưng là mẹ khi tiếp
xúc với những người trẻ hoặc các nữ tu đệ tử của mình là điều thật hợp lý và
chính đáng.
(Khởi sự viết ngày 15 tháng 3 năm 2012, hiệu đính lần 2 ngày 5 tháng 5
năm 2012, và lần chót ngày 3 tháng Tư năm 2016 nhân Mùa Phục Sinh. Đề nghị các
giáo xứ Việt Nam tại Hoa Kỳ không nên dùng chữ soeur hay sœur trên mọi văn kiện,
thư từ, báo chí và bảng hiệu vì nó không chỉnh và hợp lý chút nào).
Phụ chú: Để viết được con chữ œ trên máy vi tính, ta ấn
các nút Ctrl + Shift + & cùng một lúc, xong bỏ các ngón tay ra, rồi đánh
ngay vào nút có chữ o; hoặc vào insert, nhấn chuột trái, vào Symbol, rồi chọn
œ.
Tham khảo: Nun (Wikipedia); Xơ (Từ điển mở wiktionary);
Nữ Tu (Bách Khoa Toàn Thư Mở - Wikipedia); Nun - bà xơ (hoctuxa.net, Mẹ Teresa
(Bách Khoa Toàn Thư Mở - Wikipedia). Sister (merriam-webster.com); Sister (Từ
Điển Anh Việt - Viện Ngôn Ngữ Học Việt Nam - 1993); xơ (Việt Nam Tự Điển - Lê
Văn Đức - 1970); bà xơ (Từ điển từ và ngữ Việt Nam - Nguyễn Lân - 1998); sơ,
xơ, bà xơ (Từ Điển Tiếng Việt - Vietlex – 2010, từ điển tiếng Việt Hoàng Phê -
2010); sơ (Hán Việt Từ Điển – Đào Duy Anh); xơ và sister (Từ Điển Thông Dụng Việt-Anh
Anh-Việt - Nguyễn Văn Khôn - 1967); Năm linh mục: thăm viếng các cha và các xơ
hưu dưỡng (VietCatholic News - Trọng Phương - 10/26/2009).
No comments:
Post a Comment