Wednesday, March 4, 2015

TIẾNG VIỆT TRONG SÁNG



                                                              Tiếng Việt trong sáng

Tiếng Việt trong sáng là một ước mơ của nhiều nhà văn hoá và giáo dục Việt Nam, trong cũng như ngoài nước. Thế nào là trong sáng?

Theo thiển ý, khi đọc một câu văn, mọi người, kể cả những em học sinh trung học, hiểu rất rõ ý nghĩa câu văn ngay, nắm bắt được cấu trúc hành văn, biết đâu là chủ từ, động từ, túc từ, liên từ, giới từ, cũng như hiểu tường tận từng lý do vì sao có dấu chấm than, vì sao người viết để dấu chấm lửng, vì sao một cụm từ phải để trong ngoặc kép, v.v., thì câu văn đó được gọi là trong sáng. Chúng tôi chưa dám nói đến một thứ tiếng Việt khác, được viết cách cao cấp, hàn lâm - với các từ ngữ được chọn lựa kỹ càng hơn, câu cú được sắp đặt cẩn trọng hơn - của các bậc thức giả trong các ngành chuyên môn, đặc biệt là trong văn học.

Tại Mỹ, khi sinh viên muốn vào một chương trình đại học thì năm đầu phải lấy lớp WRIT 100 (thay cho các lớp English 101 hay 105 trong quá khứ). Môn này giúp các em viết tiếng Anh đúng văn phạm, hành văn mạch lạc, dùng chữ chính xác, diễn tả khúc chiết, và lý luận chặt chẽ. Còn ở Việt Nam, hình như chỉ ở khoa văn các em mới được học các lớp kiểu này. Vì thế, không trách được các em, hay ngay cả người lớn sinh hoạt trong lãnh vực chữ nghĩa, viết văn lủng củng, sai lỗi văn phạm, dùng từ ngữ không chuẩn, bỏ dấu vô nguyên tắc.

Gần đây, để bổ túc cho sở học của mình, tôi đã cố gắng tìm trên liên mạng và thư viện cũng như các nhà xuất bản Việt Nam tại Mỹ một số tài liệu và sách giáo khoa viết về văn phạm tiếng Việt, và thấy kết quả thật thảm hại.

Từ thư viện, tôi đã mượn được một quyển văn phạm trong thư mục “sách văn học”. Khi mang về mở ra đọc thì tôi hoàn toàn thất vọng. Ngoài việc tác giả sáng tạo một loại chữ Việt mới là cho các ‘từ ghép’ ghép lại với nhau, như ‘tất cả’ thành ‘tấtcả’, ‘đệ nhị’ thành ‘đệnhị’. Cách viết này không cải tiến tiếng Việt được chút nào, mà còn làm người đọc rối mắt, không kể từ ‘đệnhị’ có thể phát âm là ‘đệnh ị’ hay ‘đện hị’. Một thí dụ khác là từ ‘đơnâm’, người ta dễ lầm phát âm thành ‘đơ nâm’ nếu chưa bao giờ biết tiếng Việt. Ngoài ra, các dấu cũng bị bỏ không đúng chỗ, như ‘địnhlọai’, ‘phânlọai’. (Đúng ra, phải bỏ dấu nặng dưới con chữ a trong nguyên âm kép ‘oa’ là định loại, phân loại). Và còn nhiều sai lỗi khác.

Từ các trang mạng, tôi đã tìm được một số văn bản chính thức của nhà nước đương quyền quy định về viết hoa trong tiếng Việt và quy tắc đặt dấu thanh trong tiếng Việt.

(
"><http://hcmup.edu.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=4106%3Avit-hoa-trong-vn-bn-hanh-chinh&catid=2345%3Atham-kho&Itemid=4103&lang=vi&site=134>)

(
<http://tusach.thuvienkhoahoc.com/wiki/Quy_t%E1%BA%AFc_%C4%91%E1%BA%B7t_d%E1%BA%A5u_thanh_trong_ti%E1%BA%BFng_Vi%E1%BB%87t>).

Tôi cũng tìm được hai bài góp ý về cách viết chữ I và Y trong tiếng Việt, một của GS Trần Chấn Trí (GS ngôn ngữ học tại University of California, Irvine), và một của ông Đoàn Xuân Kiên (bên Âu châu), rất thích thú và hữu dụng.

(
http://khanhly.net/phoxua/tm.asp?m=64968&mpage=1&key=&#64968 <http://khanhly.net/phoxua/tm.asp?m=64968&mpage=1&key=&>).

(
<http://www.mevietnam.org/NgonNgu/DXK/dxk-ivay-2.html>)

Cũng trên mạng, tôi tìm được một bài viết của GS TS Nguyễn Đức Dân cho biết nhiều người không đồng ý với quy định của Bộ Giáo dục ban hành ngày 30 tháng 11 năm 1980 về cách viết I hay Y trong tiếng Việt.

(
<http://www.mucvuvanbut.net/index.php?option=com_content&view=article&id=695:viet-i-hay-viet-y&Itemid=99>)

Điều đáng buồn là tôi không tìm được một tài liệu hay sách giáo khoa nào về văn phạm Việt Nam trên mạng hay tại các tiệm sách. May mắn, khi tôi nhờ một người bạn ở Bình Dương, Bác sĩ ĐVK, thì được anh cho một số “links” (tạm dịch: liên kết mạng) để đọc hai quyển sách thật quý: Văn phạm Việt Nam của Học giả Trần Trọng Kim, xuất bản năm 1940, và hiện được lưu trữ tại Thư viện quốc gia:

(
<http://sach.nlv.gov.vn/sach?a=d&d=tdCmRN1940&e=-------vi-20--1--img-txIN>),

Và quyển Văn phạm Việt Nam của tác giả Bùi Đức Tịnh, xuất bản bởi Trung tâm Học liệu Bộ Giáo dục Việt Nam Cộng Hoà năm 1972:

(
<http://elib.quancoconline.com/ui/ViewContent.aspx?g=20271>)

Bác sĩ ĐVK cũng ra các nhà sách ở Bình Dương để hỏi thăm thì được biết nhà nước không xuất bản bất cứ một quyển sách nào với nội dung tương tự. Ở trong nước hiện nay, các học sinh, từ tiểu học tới trung học cấp hai, được học Việt ngữ qua môn “Ngữ pháp”.

Bản thân tôi, tuy không phải là nhà văn nhưng băn khoăn về vấn nạn này từ lâu, nên khi đọc sách, thường hay để ý xem nhà văn này, nhà báo kia viết ra sao, nhà phê bình văn học nọ lý luận thế nào, không phải để soi mói tìm ra lỗi của họ mà chỉ trích, nhưng để học hỏi cách hành văn của họ, hoặc nếu như họ viết sai chỗ nào thì cố tìm hiểu vì sao họ sai (dựa trên các kho tư liệu và từ điển đáng tin cậy), nhằm tự rút ra những bài học cho bản thân.

Với sự khan hiếm tài liệu và sách vở dạy viết tiếng Việt như trên, đối với tôi, cách thực tiễn nhất để giúp các em học sinh trung học (có lẽ ở nước ngoài thôi), và một số người lớn còn gặp khó khăn về cách viết tiếng Việt, là mang một số câu văn đã xuất hiện trên văn đàn ra để phân tích rồi đề nghị sửa chữa, nếu thấy sai, hầu giúp họ nhận ra cách viết nào là chuẩn mực và trong sáng.

Có vài nhà văn thích lập dị, ngắt đầu cắt đuôi câu văn, viết thiếu chủ từ hoặc túc từ trong cả một hay nhiều tác phẩm. Văn của họ đọc lên thì cũng hiểu đấy, nhưng câu cụt lủn, thiếu cân đối, sai văn phạm một cách cố ý nên không nằm trong mục đích của bài viết này.

Như trên đã nói, để tìm hiểu sai lỗi, và từ đó đề nghị sửa chữa cụ thể, tôi xin trích các đoạn văn mà tôi đọc được, hoặc trong sách, hoặc trên liên mạng. Có người viết là nhà văn, có người viết là nhà giáo dục, có người viết là nhà hoạt động xã hội. Có người viết thật hay trong toàn bộ tác phẩm trường thiên, nhưng thỉnh thoảng vẫn có vài chỗ sai lỗi nhỏ, có lẽ do sơ sót của người hiệu đính, hay của người viết lại khi đưa lên mạng dưới dạng e-book. Tôi không nêu tên một ai, chỉ xin mượn câu văn của họ để dẫn chứng, cho thấy chỗ nào sai lỗi, rồi bàn cách sửa, giúp giới trẻ có cơ sở để tập viết văn.

Sau đây là một số câu văn tiêu biểu với những sai lỗi có thể tránh được:

1. Dùng chữ không chuẩn và sai lỗi về dấu hỏi ngã:
‘Khi bài đã gần xong, tôi ngoáy đại thêm vài hàng rồi ra sớm hơn dự định đi tìm Nhơn, muốn làm Nhơn ngạc nhiên về sự có mặt của tôi trong ngày ra trường. Nhìn lại đã 5h, họ đã tan hơn nữa tiếng rồi. Tôi vẫn theo thói quen về con đường vẫn hẹn.’

‘Ngoáy đại’? Đi thi mà ngoáy đại? Ngoáy đại là viết cẩu thả, nguệch ngoạc, khó nhận ra mặt chữ, và không cần biết nội dung mình viết có đúng đề tài hay không, miễn cho xong việc. Làm bài thi không ai viết ngoáy, nhất là ngoáy đại, khi bài đã gần xong, vì sẽ làm thí sinh trượt một cách oan uổng. Có lẽ tác giả nên viết “tôi viết vội thêm vài hàng để kết thúc bài làm, rồi ra sớm…” thì câu văn bớt lập dị hơn mà vẫn diễn tả đúng tâm trạng của nhân vật.

‘Giờ hay heures’? Trong tiếng Việt, giờ thì có thể viết tắt là g, không thể dùng con chữ “h” là chữ viết tắt của heure trong tiếng Pháp (5h = 5 heures) được. Đây là thói quen mà ngay trên báo đài trong nước cũng vẫn dùng. Nó sai hoàn toàn và không tha thứ được vì chữ này ta không cần vay mượn. Ngoài ra, trong văn viết, các con số đứng một mình - không phải là ngày tháng năm - nên được viết thành chữ, 5 nên viết thành năm.

‘Nữa hay nửa’? Nửa tức ½ phải viết dấu hỏi. Dấu hỏi ngã là một vấn đề nan giải của người Việt. Trong tập sách nhỏ ‘Phép bỏ dấu Hỏi Ngã trong tiếng Việt & Việt ngữ Hỏi Ngã tự vị’ của LS Đinh Sĩ Trang, xuất bản tại Úc, tác giả đã chỉ cách bỏ dấu Hỏi Ngã khá chính xác căn cứ theo gốc Hán Việt hay thuần Nôm
của tiếng Việt.

<
http://www.budsas.org/uni/u-hoinga/hoinga00.htm>

Nếu không chắc dùng dấu nào cho đúng thì nên tra tự điển một số lần mỗi khi viết, tra mãi sẽ thuộc. Có người nói tiếng Việt là thứ tiếng nói sao viết vậy. Thật đúng trên tổng thể, nhưng khó áp dụng cho một số tiếng. Người miền Thừa Thiên hay Huế nói tất cả mọi người thành tật cạ mọi người. Người miền Nam nói vội vã thành vội vả. Người tỉnh Thái Bình nói hút thuốc nào nhưng khi viết thì lại là hút thuốc lào.

‘Tôi vẫn theo thói quen về con đường vẫn hẹn’. Chữ vẫn được lập lại hai lần trong một câu ngắn, mặc dù chữ vẫn ở đầu có thể bỏ được, mà câu văn không thay đổi ý. Câu văn trên nên được viết lại như sau: ‘Nhìn lại đã năm giờ, họ đã tan hơn nửa tiếng rồi, tôi theo thói quen về con đường vẫn hẹn’.

2. Dùng chữ không thích hợp, dấu phẩy bỏ không đúng chỗ, viết hoa danh từ riêng:
‘Đọc ĐC là dịp gặp lại họ, cả người đã khuất núi lẫn những ai đang tồn tại. Một đoạn đường lịch sử của Việt nam được phản ánh qua các trang viết. Đọc, để thêm một lần nữa, khẳng định rằng con đường đấu tranh cho dân chủ là con đường duy nhất có thể thay đổi vận mạng của dân tộc, và con đường ấy phải đi qua nấm mồ chôn chủ nghĩa cộng sản cùng các di sản thối rữa của nó.’

Câu văn này có nhiều điều cần bàn:
‘..., cả những người đã khuất núi lẫn những ai đang tồn tại’. Nói về sự sống hay chết, người ta không dùng từ tồn tại để đối với từ khuất núi. Tồn tại chỉ dùng cho vật chất, sự việc. Với con người, đang còn sống là nhóm từ đơn giản và đúng nghĩa nhất để cân đối với nhóm từ đã khuất núi.

‘Đọc, để thêm một lần nữa, khẳng định rằng...’. Đặt dấu phẩy thứ nhất sai chỗ nên câu văn không chuẩn. Để là giới từ chỉ sự tương quan về mục đích, nối hai động từ đọckhẳng định. (Đọc để làm gì? Để khẳng định chuyện gì đó). Thêm một lần nữa chỉ là nhóm từ dùng nhấn mạnh ý nghĩa của công việc đọc. Câu văn nên được viết hoặc là ‘Đọc để, thêm một lần nữa, khẳng định rằng...’, hoặc là ‘Đọc để thêm một lần nữa khẳng định rằng...’. Cách viết thứ hai có vẻ đơn giản hơn.

‘Nấm mồ chôn chủ nghĩa cộng sản’. Chủ nghĩa cộng sản là một tên riêng nên phải viết hoa. Trong từ điển Oxford, người ta viết Communism và Communist để chỉ Chủ nghĩa cộng sản và Đảng viên cộng sản, và viết communism và communist khi gọi chung chung lý thuyết cộng sản và người theo hay thực hành lý thuyết đó (không nhất thiết phải là đảng viên). Vì thế, muốn chôn vùi Chủ nghĩa cộng sản thì phải chôn đích cái chủ nghĩa đó, nó là nó chứ không là gì khác, nên phải viết hoa vì là tên riêng. Chủ nghĩa cộng sản (Communism) chết rồi thì không còn ai thực hành lý thuyết cộng sản (communism) được nữa. Lý thuyết thì vẫn tồn tại trong lịch sử, chẳng làm sao chôn được.

3. Sai lỗi đánh máy:
‘Những đoạn phim thú vị nhất chụp cuộc sống hàng ngày; của những con người bình thường, các nhà văn, nhà báo, các cán bộ thấp, những người qua đường.’

Dấu chấm phẩy (;) sau chữ hàng ngày ở đây có lẽ là do người đánh máy đặt vào sai. Nó làm câu văn trở nên vô nghĩa. Phải bỏ nó đi để câu văn trở thành ‘Những đoạn phim thú vị nhất chụp cuộc sống hàng ngày của những con người bình thường, các nhà văn, nhà báo,...’ thì mới tròn nghĩa.

4. Viết hoa và dùng dấu chấm than
không đúng chỗ:
‘Sống hầu hết cuộc đời trong một xã hội mà Đảng và lãnh tụ chiếm "đặc quyền viết, đặc quyền nói" chỉ dùng các nhà văn làm đầy tớ, "Ôi đã làm đầy tớ thì có đời thuở nào còn dám...’
Chữ Ôi ở đây viết hoa là không đúng sau dấu phẩy. Nếu như sau dấu chấm (.), sau dấu chấm hỏi (?), sau dấu chấm than (!), sau dấu chấm lửng (...), sau dấu hai chấm (:), sau dấu hai chấm trong ngoặc kép (: “...”), và khi xuống dòng, thì O viết hoa là đúng vì nó là chữ cái đầu âm tiết thứ nhất trong một câu hoàn chỉnh. Ngoài ra, câu văn rất lủng củng và không thể tròn nghĩa khi dùng chữ ôi (tán thán từ dùng không đúng chỗ) thay vì chữ (giới từ chỉ sự tương quan nhân quả):

Nếu như câu văn được viết: ‘Sống hầu hết cuộc đời trong một xã hội mà Đảng và lãnh tụ chiếm "đặc quyền viết, đặc quyền nói", các nhà văn chỉ được làm đầy tớ, mà đã làm đầy tớ thì có đời thuở nào còn dám....’ thì câu văn trở nên tương đối trong sáng và dễ hiểu hơn. [Ai sống: các nhà văn(chủ từ); sống ở đâu: sống (động từ) trong một xã hội (túc từ); xã hội đó làm sao (mệnh đề phụ nói rõ tính chất của xã hội): mà Đảng và lãnh tụ chiếm...; thì các nhà văn làm sao: không dám làm gì cả vì chỉ là đầy tớ!]

5. Tìm chủ từ cho câu:
‘Sau khi trở lại sân chính, mọi người nhìn thấy ông, vây quanh.’

Dấu phẩy ngắt câu đã không được đặt đúng chỗ nên câu văn viết không chỉnh. Người đọc sẽ tưởng ‘Sau khi trở lại sân chính’ là chủ từ của động từ ‘vây quanh’, vì mệnh đề ‘mọi người nhìn thấy ông’ được coi là để bổ nghĩa cho mệnh đề đi trước. Câu này nên dùng các chữ bèn hoặc liền thay cho dấu phẩy: ‘Sau khi trở lại sân chính, mọi người nhìn thấy ông bèn (hoặc liền) vây quanh’. Mọi người là chủ từ của hai động từ nhìn thấyvây quanh; bènliền là các giới từ chỉ sự tương quan nhân quả của hai động từ nhìn thấy vây quanh.

6. Dùng chữ không chỉnh:
‘Cuộc đời lưu đày và cuộc đời nghệ sĩ của vua HN là hai chủ đề được đài X lần lượt đăng trong hai tạp chí. Trong số tạp chí lần trước, đài X đã đề cập tới cuộc sống lưu đày của vua tại Alger.

Trong câu “trong số tạp chí lần trước”, chữ dùng không chỉnh; kỳ thay cho lần thì đúng hơn: Trong số tạp chí kỳ trước. Tạp chí thường được xuất bản định kỳ, tức là ở mỗi khoảng thời gian nhất định. Nếu muốn dùng chữ lần thì nên viết: ‘Trong số tạp chí ra lần trước’ hay ‘xuất bản lần trước’ vì chữ lần thường được dùng để nói về số trường hợp xảy ra của một sự kiện, ở đây là sự xuất bản hay ra sách, nên thường cần động từ ra hay xuất bản đi kèm mới rõ nghĩa.

7. Dấu phẩy bỏ không đúng chỗ làm hỏng cấu trúc câu văn:
‘Với tác phẩm "Mật mã tài năng", Daniel Coyle, một nhà báo có sách bán chạy nhất sẽ cung cấp cho các bạn - những học sinh, sinh viên, các bậc phụ huynh, giáo viên, huấn luyện viên và những doanh nhân - những cách thức mới để nhận diện bản chất đích thực của tài năng.’

Câu ‘Daniel Coyle, một nhà báo có sách bán chạy nhất sẽ cung cấp’ bị viết sai ở chỗ thiếu dấu phẩy sau chữ nhất. Mệnh đề phụ ‘một nhà báo có sách bán chạy nhất’ là để giới thiệu về nhân vật Daniel Coyle, chứ không thực sự là chủ từ của động từ sẽ cung cấp. Chủ từ thực sự chính là Daniel Coyles. Câu văn cần viết lại là ‘Với tác phẩm “Mật mã Tài năng”, Daniel Coyles, một nhà báo có sách bán chạy nhất, sẽ cung cấp cho ...’

8. Thêm dấu phẩy đúng chỗ giúp câu văn mạch lạc hơn:
‘Ngoài những thành công về nhân vật, về ngôn ngữ, về dựng cảnh, về phát triển tình tiết...tác phẩm bao quát một cái nhìn đúng và sâu về dòng chảy của lịch sử về sự phát triển của dân tộc - một cái nhìn đáng yêu và rất dễ chia sẻ.’

Sau tình tiết với dấu chấm lửng phải có dấu phẩy vì đã chấm dứt câu với nhiều túc từ bổ nghĩa dài để bắt đầu một câu chính của đoạn văn ‘tác phẩm bao quát ...’. Giữa dòng chảy của lịch sửsự phát triển của dân tộc cũng phải đặt một dấu phẩy hoặc thêm chữ vì là hai ý khác nhau của túc từ bổ nghĩa cho cụm từ một cái nhìn đúng và sâu về. Câu văn nên được viết lại như sau: ‘Ngoài những thành công về nhân vật, về ngôn ngữ, về dựng cảnh, về phát triển tình tiết..., tác phẩm bao quát một cái nhìn đúng và sâu về dòng chảy của lịch sử và về sự phát triển của dân tộc - một cái nhìn đáng yêu và rất dễ chia sẻ.’

9. Dùng dấu chấm câu khi câu văn đã tròn nghĩa:
“Tiếng trống sang canh vọng từ bên kia bức tường cũ, tuy rời rạc ngái ngủ và khuất lấp trong tiếng mưa gió, vẫn còn đủ sức mạnh thôi thúc ông giáo. Ông cuống lên, mất hết chút bình tĩnh còn lại, lần đầu tiên An thấy cha không giữ được vẻ chững chạc, trầm tĩnh thường ngày.”

Đáng lẽ tác giả nên đặt dấu chấm, hoặc chấm phẩy, thay vì dấu phẩy, giữa câu ‘...mất hết chút bình tĩnh còn lại, lần đầu tiên An thấy cha không giữ được...’ vì câu trước đã tròn nghĩa, hoặc thêm chữ trước ‘lần đầu tiên’. Tôi đề nghị viết: “Ông cuống lên, mất hết chút bình tĩnh còn lại; và đây là lần đầu tiên An thấy cha không giữ được vẻ chững chạc, trầm tĩnh thường ngày.”

10. Câu văn lủng củng khó hiểu:
“Cùng với thân phận nổi trôi của 4 người con, 3 trai, một gái của ông Giáo Hiến khi đất nước phải trải qua biết bao cuộc bể dâu. Của Vua Lê, Chúa Trịnh ở Đàng Ngoài. Và con cháu của Chúa Nguyễn là Nguyễn Ánh ở Đàng Trong.”

Cái gì của Vua Lê, Chúa Trịnh, của con cháu của Chúa Nguyễn? Cùng với thân phận nổi trôi của bốn người con của Giáo Hiến là ai nữa? Có lẽ ý người viết muốn diễn tả là khi đất nước phải trải qua biết bao cuộc bể dâu thì thân phận của bốn người con của Giáo Hiến, cũng như của Vua Lê, Chúa Trịnh và con cháu Chúa Nguyễn cũng đều nổi trôi cả.

Ba trai một gái là để nói rõ Giáo Hiến có bao nhiêu trai và gái, nên sau chữ gái thì phải có dấu phẩy để câu mang ý là cả bốn người con đó mang thân phận nổi trôi. Như trên đã giải thích, số 3 ở đây nên viết thành chữ, ba. Ông giáo là một danh từ chung chỉ người đàn ông làm nghề thầy giáo, nên cả hai chữ ông giáo không thể viết hoa. Nhưng nếu bỏ chữ ông đi thì chữ giáo phải viết hoa, vì đó là một cái tên đặc biệt gắn liền với nhân vật lịch sử: Giáo Hiến, Ông Gióng, Bà Triệu. Các chữ đàng trong ‘Đàng Trong Đàng Ngoài’ nên được viết thường vì nó là tên địa lý hay là danh từ chung của một đơn vị hành chánh, thí dụ thành phố Nam Định, sông Gianh, miền Bắc, miền Nam.

Nhìn chung, câu văn này rất tối nghĩa và lủng củng.

Câu văn nên được sửa lại như sau, may ra nói lên được ý của người viết: ‘Cùng với thân phận nổi trôi của 4 người con - ba trai một gái - của ông giáo Hiến, cũng như của Vua Lê, Chúa Trịnh ở đàng Ngoài và của con cháu Chúa Nguyễn là Nguyễn Ánh ở đàng Trong, khi đất nước phải trải qua biết bao cuộc bể dâu...”.

11. Viết hoa khi nào:
‘Trung tá Trần văn X, Chỉ Huy Trưởng Trung Tâm Huấn Luyện Đống Đa, đã giao cho thượng sĩ Nguyễn văn Y là người phụ trách huấn luyện tôi.’

Trước 1975 ở miền Nam, hầu như chúng ta không có các quy định rõ ràng về cách viết hoa tên các cơ quan, tổ chức, cũng như cho các danh từ kép trên các văn kiện chính thức. Chúng ta một phần học được từ hồi trung học, một phần học được khi đọc các tác phẩm của những người đi trước. Tên của các chức vụ hay cơ quan tổ chức thường được viết hoa tất cả: Bộ Thông Tin và Chiêu Hồi, Phong Trào Phụ Nữ Liên Đới, Đại Tướng Cao Văn Viên. Một số người viết các từ kép với gạch nối: Đại-Tướng Lê-Văn-Tỵ. Gần đây, người ta quan niệm rằng danh từ riêng - hầu hết (60%) có gốc Hán Việt với hai âm tiết - là một từ nên chỉ cần viết hoa cho âm tiết đầu và bỏ gạch nối cho chữ viết đỡ rối mắt: Bộ Thông tin và Chiêu hồi. Về chức vụ, trung tá và thượng sĩ không viết hoa khi nó nói chung các ông/bà trung tá hay các ông/bà thượng sĩ trong quân đội; nhưng khi nó đứng trước tên một người thì nó trở thành tước vị của người đó nên phải viết hoa, và viết hoa theo qu
y định chỉ viết hoa âm tiết đầu: Trung tá XThượng sĩ Y. Về tên riêng của nhân vật, dù chữ văn hay thị chỉ là tên đệm (hay còn gọi là lót), người ta vẫn viết hoa tất cả các chữ của nó: Nguyễn Văn Đông, Trần Thị Lệ-Hằng. Câu văn nên được viết lại như sau: “Trung tá Trần Văn X, Chỉ huy trưởng Trung tâm Huấn luyện Đống Đa, đã giao cho Thượng sĩ Nguyễn Văn Y làm người phụ trách huấn luyện tôi.”

Nếu như muốn viết tắt tên của một cơ quan, thì tất cả các chữ tắt đều phải viết hoa: TTHLHQ (tức Trung tâm Huấn luyện Hải quân), hay PTPNLĐ (tức Phong trào Phụ nữ Liên đới).

Nếu như muốn viết hoa tên địa lý hay đơn vị hành chánh thì ta theo qu
y định sau:

-Tên đơn vị hành chánh được cấu tạo giữa danh từ chung (tỉnh, thành phố, quận, xã...) với tên riêng của đơn vị hành chánh đó thì viết hoa chữ cái đầu của các âm tiết tạo nên tên riêng: tỉnh Khánh Hoà, thị xã Nha Trang, quận Tân Bình.

-Nếu như tên đơn vị hành chánh được cấu tạo giữa danh từ chung kết hợp với chữ số, tên người, tên nhân vật lịch sử thì viết hoa cả danh từ chung chỉ đơn vị hành chánh đó: Đường Lê Lợi, Quận 11, Tiểu bang Washington.

Trong tinh thần khao khát học hỏi và thiện chí muốn xây dựng một hệ thống tiếng Việt trong sáng, bài viết mong được đón nhận như một đóng góp nhỏ, mặc dù có thể vẫn còn nhiều khuyết điểm và không tránh khỏi chủ quan và phiến diện. Cũng mong các tác giả có các đoạn văn được trích dẫn không lấy làm phiền vì chúng tôi chỉ dùng các đoạn văn ấy như các dẫn chứng để có dữ kiện cụ thể mà phân tích và đề nghị sửa chữa.

Lê Văn Thu

No comments:

Post a Comment